Ngân hàng tiếp tục "chạy đua" tăng vốn
Ngân hàng đua nhau chia cổ tức để tăng vốn WB: Việt Nam nên cân nhắc kéo dài chương trình hỗ trợ kinh tế đến năm 2024 |
Trong bối cảnh sức ép tăng vốn trung và dài hạn vẫn đang gia tăng, hàng loạt ngân hàng lớn đang cấp tập thực hiện kế hoạch tăng vốn trong những tháng cuối năm nhằm tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng các quy định an toàn vốn và mở rộng quy mô hoạt động.
Áp lực tăng vốn điều lệ của ngân hàng
Theo các chuyên gia kinh tế, trong môi trường rủi ro tín dụng và kinh tế có nhiều biến động như hiện nay, áp lực tăng vốn đè nặng lên các ngân hàng ngày một tăng, do đó thời gian qua, các ngân hàng thương mại tích cực tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính.
Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng vừa chấp nhận cho nhiều ngân hàng thương mại tăng vốn điều lệ thông qua các phương án phát hành cổ phiếu để chia cổ tức, chào bán riêng lẻ, phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài…
Theo Tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế Fitch Ratings, tốc độ tăng trưởng tín dụng khá nhanh những năm gần đây của Việt Nam đặt ra thách thức lớn cho các ngân hàng trong việc đảm bảo an toàn vốn. Fitch Ratings nhận định hệ thống ngân hàng Việt Nam cần bổ sung vốn tới 10,7 tỷ USD (2,9% GDP) để đảm bảo dự phòng rủi ro và duy trì hệ số an toàn vốn (CAR) ở mức 10%.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng vốn điều lệ là một cấu phần chủ yếu để tính toán hệ số an toàn vốn và xếp hạng các ngân hàng. Việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thời gian tới là hết sức cần thiết giúp các ngân hàng phát triển lành mạnh, mở rộng hoạt động kinh doanh, tăng khả năng chống chịu trong một nền kinh tế đầy biến động.
Cùng với đó, việc tăng vốn cũng là nhiệm vụ thực hiện Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025. Theo Đề án, đến năm 2025, nhóm ngân hàng có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô lớn phải có vốn điều lệ tối thiểu đạt 15.000 tỷ đồng.
Trong vài năm trở lại đây, các ngân hàng thương mại đều lên kế hoạch tăng vốn với cách thức chủ yếu là chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ từ 10-50% và phát hành thêm cổ phiếu riêng lẻ. Năm 2023, phương án phát hành thêm sẽ phụ thuộc phần lớn vào diễn biến trên thị trường chứng khoán mà thị trường chứng khoán gần đây không mấy thuận lợi. Vì vậy, thách thức tăng vốn hiện nay với các ngân hàng là không nhỏ.
Động thái gia tăng các hoạt động phát hành trái phiếu của các ngân hàng đặt trong bối cảnh sức ép tăng vốn trung và dài hạn vẫn đang gia tăng. Cụ thể, từ tháng 10/2023, các ngân hàng phải tuân thủ quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tối đa là 30%, thay vì 34% như trước đây. Đây là nội dung thực hiện theo lộ trình tại Thông tư 08/2020/TT-NHNN.
Tăng huy động trái phiếu kỳ hạn dài
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) hồi giữa năm nay cũng được Quốc hội thông qua chủ trương bổ sung vốn điều lệ cho giai đoạn 2021-2030 tối đa 17.100 tỷ đồng, tương ứng với số lợi nhuận còn lại thực nộp ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2023 của ngân hàng. Trong đó, năm 2023 sẽ bổ sung 6.753 tỷ đồng và năm 2024 sẽ bố trí tối đa 10.347 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước.
Đầu tháng 11, Agribank công bố đợt phát hành trái phiếu kỳ hạn 8 năm ra công chúng với quy mô lên tới 10.000 tỷ đồng. Theo đó, lãi suất trái phiếu Agribank cao hơn 2,0%/năm so với bình quân lãi suất tiết kiệm niêm yết kỳ hạn 12 tháng của 04 ngân hàng Vietcombank, BIDV, Agribank và Vietinbank.
Cụ thể, lãi suất áp dụng cho trái phiếu là lãi suất thả nổi, được tính bằng lãi suất tham chiếu (bình quân lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân bằng VND, kỳ hạn 12 tháng, trả lãi cuối kỳ được niêm yết của 4 ngân hàng BIDV, Vietinbank, Agribank, Vietcombank tại ngày xác định lãi suất) cộng biên độ 2,0%/năm.
Trước đó trong tháng 10/2023, Ngân hàng MB đã thực hiện 2 đợt phát hành trong tháng này đều với kỳ hạn 7 năm, tổng giá trị cả 2 đợt là 550 tỷ đồng. Mức lãi suất cao nhất được MB trả cho nhà đầu tư là lãi suất tham chiếu cộng với 2,5%/năm, trong đó lãi suất tham chiếu cũng là lãi suất 12 tháng của nhóm Big 4.
Trong khi đó, Ngân hàng Bắc Á cũng đã thực hiện đợt phát hành 100 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 năm, với lãi suất 2,8%/năm cộng lãi suất tham chiếu, để mở cho trường hợp nếu đến ngày mua lại trái phiếu mà tổ chức phát hành không mua lại thì lãi suất sẽ nâng lên mức bằng tham chiếu cộng 3,8%/năm.
Ngoài ra, một số ngân hàng khác như: Á Châu, An Bình, Quốc tế… cũng đã có các đợt phát hành trái phiếu với kỳ hạn từ 2 - 3 năm.
Tăng vốn thông qua chia cổ tức
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) dự kiến phát hành hơn 642 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tăng vốn điều lệ từ 50.585 tỷ đồng lên 57.004 tỷ đồng.
BIDV vừa chốt ngày hưởng quyền nhận cổ tức vào 29/11, tỷ lệ 12,69%. Như vậy, cổ đông nắm giữ mỗi 100 cổ phiếu BID sẽ nhận được 12,69 cổ phiếu, làm tròn xuống 12 cổ phiếu.
Cùng với BIDV, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) dự kiến phát hành hơn 564 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tăng vốn điều lệ từ 48.057 tỷ đồng lên 53.700 tỷ đồng.
VietinBank cũng chốt ngày giao dịch không hưởng quyền vào 30/11. Tỷ lệ chia cổ tức là 11,7415%, tức cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu tại ngày chốt quyền được nhận thêm 117 cổ phiếu mới.
Trước đó, hồi tháng 8, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã chính thức tăng vốn điều lệ lên 55.890 tỷ đồng, sau khi chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 18,1%.
Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy có hơn 163.000 tỷ đồng vốn điều lệ dự kiến tăng thêm của 28 ngân hàng trong năm 2023, cao hơn mức 154.000 tỷ đồng của năm 2022. Ước tính có hơn 4 tỷ cổ phiếu ngân hàng được phát hành trong năm nay để trả cổ tức cho nhà đầu tư.
Nguồn:Ngân hàng tiếp tục 'chạy đua' tăng vốn