Ngày Khí tượng thế giới 2024: Tiên phong và cảnh báo sớm
Nền tảng cho phát triển bền vững
Trong các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030, Mục tiêu Phát triển bền vững số 13 “Thực hiện hành động khẩn cấp để chống lại biến đổi khí hậu và các tác động của BĐKH” được xem là nền tảng hỗ trợ việc thực hiện tất cả các Mục tiêu khác.
Hai người đàn ông đang thu hoạch cây thủy sinh từ một chiếc thuyền nhỏ ở khu vực đất ngập nước với những cây khô xếp thành hình nón dọc theo bờ sông. Hình ảnh của tác giả Dipayan Bose, đạt giải tại cuộc thi ảnh do WMO tổ chức năm 2024 |
Các hoạt động của WMO và các nước thành viên đóng vai trò quan trọng và không thể thiếu trong ứng phó biến đổi khí hậu, với ý nghĩa xã hội vô cùng lớn. Dự báo thời tiết và khí hậu hỗ trợ thúc đẩy sản xuất lương thực và tiến gần hơn tới mục tiêu xóa đói, giảm nghèo. Việc tích hợp giữa thông tin dịch tễ học và thông tin khí hậu giúp tăng cường hiểu biết và quản lý các bệnh nhạy cảm với khí hậu. Bên cạnh đó, hệ thống cảnh báo sớm hỗ trợ mục tiêu giảm nghèo bằng cách tạo thêm các cơ hội chuẩn bị sẵn sàng cho người dân và hạn chế tối đa tác động của thời tiết cực đoan đến cộng đồng.
“Cộng đồng khí tượng thủy văn có nhiệm vụ thu thập, chia sẻ, phân tích dữ liệu về thời tiết, nước, môi trường và giúp chúng ta hiểu được những gì đã và đang xảy ra với khí hậu hiện nay. GS. Celeste Saulo - Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới |
WMO cùng các đối tác đang thúc đẩy toàn bộ chuỗi giá trị, từ khoa học, dịch vụ đến hành động vì lợi ích xã hội. Những giá trị này hỗ trợ nâng cao hiểu biết về hệ thống Trái đất, giám sát khí hậu và tài nguyên nước, cung cấp thông tin khoa học hỗ trợ việc giảm phát thải khí nhà kính và các dịch vụ khí hậu cũng như cảnh báo sớm để hỗ trợ việc thích ứng với biến đổi khí hậu.
Giám sát khí nhà kính
Trước Cách mạng Công nghiệp, lượng carbon dioxide (CO2) trong khí quyển duy trì ổn định khoảng 280 phần triệu suốt hàng ngàn năm. Tính đến năm 2022, lượng CO2 đã tăng lên 50% do việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch, phá rừng và chuyển mục đích sử dụng đất.
Nếu hoạt động phát thải khí nhà kính tiếp tục diễn ra thì đồng nghĩa với việc lượng CO2 sẽ vẫn tồn tại trong khí quyển và là tác nhân làm tăng nhiệt độ toàn cầu (biến đổi khí hậu) và thậm chí sẽ duy trì đến nhiều thập kỷ tới. Từ năm 1970 đến năm 2021, các quốc gia ghi nhận hơn 2 triệu ca tử vong và thiệt hại kinh tế 4,3 nghìn tỷ USD do tác động của thời tiết, khí hậu và nước cực đoan.
Giám sát lượng phát thải khí nhà kính giúp con người xác định hoạt động giảm nhẹ phát thải cần thiết. Hình ảnh của tác giả Pete Stevens, tham dự cuộc thi ảnh của WMO năm 2024 |
Để đo lường lượng CO2 trong khí quyển, Tổ chức Khí tượng Thế giới đã phát triển Chương trình Giám sát khí nhà kính toàn cầu, nhằm hỗ trợ và cung cấp thông tin về các hoạt động giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Chương trình sẽ cung cấp một lượng lớn dữ liệu định lượng về khí nhà kính, giúp con người có thể dự báo khí hậu hạn dài tốt hơn và xác định hoạt động giảm nhẹ phát thải cần thiết. Sáng kiến này là thành quả của WMO trong hợp tác quốc tế về dự báo thời tiết và phân tích khí hậu, cũng như hoạt động giám sát và nghiên cứu khí nhà kính từ cấp độ địa phương đến quy mô toàn cầu.
Để nhiệt độ trái đất không tăng quá 1.5°C so với thời kỳ trước Cách mạng Công nghiệp theo cam kết của Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu, chúng ta cần phải giảm tối đa lượng khí nhà kính, nghĩa là chúng ta phải giảm phát thải toàn cầu về không (zero) trước năm 2050. Nếu chúng ta không thực hiện biện pháp cắt giảm nêu trên thì nhiệt độ toàn cầu có thể tăng lên khoảng 2.8°C vào cuối thế kỷ này so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Giảm thiểu tổn thất do biến đổi khí hậu
Trong những năm qua, dù thiệt hại kinh tế đã tăng vọt nhưng nhờ cải thiện năng lực cảnh báo sớm và các giải pháp quản lý thảm họa phối hợp, số người thương vong do biến đổi khí hậu đã giảm. Nếu giai đoạn 1970 - 1979, đã có hơn 550.000 ca tử vong do các mối nguy hiểm liên quan đến thời tiết, khí hậu và nước thì từ năm 2010 - 2019, con số này giảm xuống chỉ còn dưới 185.000.
Mặc dù vậy, tỷ lệ này vẫn ở mức cao không thể chấp nhận được - và hơn 90% số ca tử vong được báo cáo xảy ra ở các nước đang phát triển. Hiện nay, chỉ một nửa số quốc gia trên toàn thế giới báo cáo có hệ thống cảnh báo sớm đa thiên tai.
Theo Tổ chức Khí tượng thế giới, hệ thống cảnh báo sớm không phải là thứ xa xỉ mà là thứ bắt buộc phải có. Công cụ này rất quan trọng, giúp xã hội thích ứng với các hiện tượng thời tiết, nước và khí hậu cực đoan. Hệ thống sẽ giúp tiết kiệm chi phí và bảo vệ sinh mạng của người dân, giảm tổn thất kinh tế và mang lại lợi tức đầu tư gần gấp 10 lần.
Tổ chức Khí tượng thế giới, cùng với Văn phòng Giảm thiểu rủi ro thiên tai của Liên hợp quốc đã đồng chủ trì sáng kiến “Cảnh báo sớm dành cho tất cả”, với sự hỗ trợ của Liên minh Viễn thông Quốc tế và Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế. Sáng kiến toàn cầu đặt mục tiêu đến năm 2027, mọi người trên Trái đất đều được bảo vệ bởi các hệ thống cảnh báo sớm.
Các chương trình của WMO về bão nhiệt đới, hạn hán và quản lý lũ lụt hiện tại đã được điều chỉnh để hỗ trợ ưu tiên hàng đầu là cảnh báo sớm dành cho tất cả.
Muhammad Amdad Hossain/Bức ảnh chiến thắng trong cuộc thi Ảnh lịch của WMO năm 2024 |
Điều này cũng thể hiện quan điểm coi nước là trọng tâm của sáng kiến và trong công tác ứng phó biển đổi khí hậu. WMO thúc đẩy cải thiện hoạt động giám sát, chia sẻ dữ liệu và quản lý, hợp tác xuyên biên giới và đánh giá tài nguyên nước - đồng thời tăng cường đầu tư để tạo điều kiện thuận lợi cho việc này.
WMO cũng đang hỗ trợ các cơ quan Khí tượng Thủy văn quốc gia (NMHS) thiết lập và duy trì các hệ thống thu thập và phổ biến thông tin chính xác và kịp thời về chu trình nước, cũng như phát triển năng lực xây dựng chiến lược quản lý tổng hợp tài nguyên nước. Qua đó, các quốc gia có thể đưa ra các biện pháp cần thiết nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai như lũ lụt, lũ quét và hạn hán.
WMO cũng chuẩn bị đưa vào hoạt động WMO HydroSOS – Hệ thống quan trắc, hiện trạng thủy văn toàn cầu. Sau khi đi vào hoạt động, hệ thống sẽ giám sát và dự báo các điều kiện thủy văn nước ngọt toàn cầu, khu vực và quốc gia (bao gồm nước ngầm, dòng chảy trong sông, độ ẩm đất và băng tuyết); kịp thời phát hiện các biểu hiện bất thường như hạn hán, nguy cơ lũ lụt và đánh giá dự báo diễn biến trong các tuần, tháng tiếp theo.
Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) sẽ luôn là tổ chức tiên phong ứng phó biến đổi khí hậu, tận dụng kiến thức và am hiểu chuyên môn để vượt qua thách thức và đạt được sứ mệnh chung trên hành trình hợp tác và đổi mới về một thế giới an toàn hơn, chống chịu tốt hơn trước thiên tai và là nền tảng cho thế hệ tương lai.
Nguồn: Ngày Khí tượng thế giới 2024: Tiên phong và cảnh báo sớm