Nghiên cứu mới cảnh báo về kế hoạch phát thải ròng bằng 0 của các nước
Nghiên cứu mới: Ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ mắc chứng suy giảm trí tuệ Nghiên cứu mới giúp loại bỏ hạt vi nhựa khỏi nước |
Trang trại gió ở Thiên Tân, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua |
Nghiên cứu công bố trên tạp chí Science chỉ ra, khoảng 90% các kế hoạch phát thải bằng 0 của khoảng 30 quốc gia khó có thể đạt được, với mức độ tin cậy là “thấp hơn” hoặc “thấp hơn nhiều”.
Trong số những nước không đạt được có Ấn Độ, Australia, Brazil, Indonesia, Nam Phi và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) - chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh về khí hậu sắp tới của Liên Hợp Quốc COP28. Hai quốc gia phát thải hàng đầu thế giới, Trung Quốc và Mỹ, được xếp trong nhóm “thấp hơn”.
Giáo sư Joeri Rogelj - tác giả chính của bài báo và là giáo sư khoa học khí hậu tại Đại học Hoàng gia London - cho hay: “Đạt được mức 0% là khó, nhưng nhìn vào thời gian trước mắt và thực hiện những bước đầu tiên là chưa đủ. Những bước khó khăn về lâu dài cần được lên kế hoạch từ hôm nay".
Chỉ có New Zealand, Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh được xếp hạng trong nhóm có mức độ tin cậy “cao hơn”, nhưng vẫn còn những thách thức lớn. Trong khi ngành năng lượng của châu Âu đã đi một chặng đường dài để giảm lượng khí thải, ô nhiễm carbon vẫn còn dai dẳng hơn trong các lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp.
Khí nhà kính do các hoạt động của con người thải ra đã khiến hành tinh nóng lên khoảng 1,2 độ C kể từ thời kỳ tiền công nghiệp, làm thay đổi mô hình thời tiết và tăng cường các hiện tượng cực đoan chết người như sóng nhiệt, cháy rừng và bão.
Theo nghiên cứu, nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng từ 1,7 độ C đến 3 độ C vào năm 2100, tùy thuộc vào mức độ phát thải trong vài năm tới.
Để đánh giá mục tiêu giảm phát thải của các quốc gia, còn được gọi là Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), các nhà nghiên cứu đã xem xét liệu chúng có ràng buộc về mặt pháp lý hay không, liệu chúng có đưa ra các chính sách đáng tin cậy để thực hiện hay không và liệu lượng phát thải trong ngắn hạn của các quốc gia có xu hướng giảm hay không.
Với các quốc gia xếp hạng thấp nhất, giáo sư Rogelj chỉ ra, “sau khi họ đưa ra cam kết, có rất ít bằng chứng cho thấy điều này được chuyển thành hành động”.
Trong nghiên cứu khác cũng được công bố tuần này, giáo sư Rogelj và cộng sự phát hiện ra ngân sách carbon - lượng carbon dioxide có thể thải vào khí quyển mà không vi phạm các mục tiêu nhiệt độ - đang giảm nhanh hơn so với nhận định trước đây.
Con số cập nhật chỉ ra, nếu lượng khí thải tiếp tục ở mức hiện tại, thế giới sẽ cạn kiệt ngân sách dành cho 1,5 độ C trước năm 2030. Điều đó có nghĩa là các quốc gia hiện cần phải cắt giảm lượng khí thải nhiều hơn nữa trong thập kỷ này nếu muốn tránh những tác động xấu nhất.
Mỗi 0,1 độ C của nóng lên toàn cầu đều quan trọng. Các nhà khoa học coi bất kỳ sự nóng lên nào trên 2 độ C đều là thảm họa với cuộc sống con người và môi trường. Ngay cả dưới ngưỡng đó, một số hệ sinh thái sẽ thay đổi không thể đảo ngược, làm thay đổi tài nguyên thiên nhiên và thách thức sự tồn tại của con người ở nhiều nơi trên thế giới.
“Không chỉ là bất cứ điều gì chúng ta làm bây giờ đều không đủ nhanh mà trong một số trường hợp, thật khó thấy bất kỳ tiến triển nào sau khi các cam kết đã được đưa ra, và điều đó thực sự đáng lo ngại" - giáo sư Rogelj nói.
Nguồn:Nghiên cứu mới cảnh báo về kế hoạch phát thải ròng bằng 0 của các nước