Nguồn lực để hợp tác xã nông nghiệp phát triển bền vững
Phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp Ngành Nông nghiệp hướng đến mục tiêu xuất khẩu 54 tỷ USD |
Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là một chủ trương lớn, xuyên suốt và nhất quán của Đảng và Nhà nước. Sau hơn 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, kinh tế tập thể, hợp tác xã đang trở thành một trong những thành phần kinh tế quan trọng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế đất nước, tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, trật tự, an toàn xã hội.
Hiện nay, trong hơn 31.000 hợp tác xã có hơn 20.000 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm trên 64% tổng số hợp tác xã cả nước. Trong gần 6 triệu thành viên hợp tác xã có trên 3,8 triệu thành viên là nông dân (chiếm trên 63% tổng số thành viên); nhiều loại hình hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tạo nên các chuỗi liên kết đa giá trị, bền vững.
Tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VIII 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, an sinh, công bằng xã hội, tạo được nhiều công ăn việc làm cho người lao động trong nước, đặc biệt là những lao động yếu thế trong xã hội. Nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác sau khi được các Hội nông dân hỗ trợ thành lập đã làm ăn có lãi, tạo thêm nhiều công ăn việc làm và sản phẩm nông sản chất lượng, an toàn, xây dựng được các thương hiệu sản phẩm OCOP.
Các mô hình HTX nông nghiệp tổ chức sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị ngày càng tăng, nhiều hợp tác đã đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn VietGAP. a những hạn chế còn tồn tại của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã như: Quy mô các hợp tác xã còn nhỏ, liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị còn yếu, nhất là trong tiêu thụ sản phẩm; chưa gắn kết chặt chẽ với các loại hình kinh tế khác.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh thời gian tới cần tăng cường hợp tác quốc tế để thu hút các nguồn lực hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hơp tác xã trong nông nghiệp và mở rộng thị trường, giới thiệu tiêu thụ sản phẩm của các hợp tác xã; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nguồn nhân lực các tổ chức kinh tế tập thể do Hội Nông dân tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập. trước những yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, việc sản xuất tập trung, khép kín quy trình sản xuất để đảm bảo minh bạch truy xuất nguồn gốc là tất yếu và việc này cần nguồn vốn rất lớn để Hợp tác xã đầu tư.
Các HTX nông nghiệp cần được hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Ảnh: BTN. |
Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều hợp tác xã nông nghiệp còn gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng để mở rộng sản xuất. Ngoài các quy định chặt chẽ, dư nợ cho vay thấp, thì năng lực sản xuất, kinh doanh, thiếu chủ động cung cấp thông tin về tình hình tài chính... cũng trở thành lực cản trong tiếp cận nguồn vốn của các HTX. Việc đẩy mạnh triển khai chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn được xem là “chìa khóa” để giúp nhiều HTX phát triển bền vững.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến cuối năm 2022, dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng đối với hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX đạt 6.316 tỷ đồng, với gần 1.200 HTX, liên hiệp HTX còn dư nợ. Tổng dư nợ của HTX, liên hiệp HTX mới chỉ chiếm 0,26% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế và 1.200 HTX, liên hiệp HTX còn dư nợ chỉ chiếm 0,5% số lượng HTX, liên hiệp HTX. Đây là một tỷ lệ khiêm tốn so với quy mô và đóng góp của loại hình kinh tế này. Theo khảo sát của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, chỉ khoảng 10% số HTX được vay vốn của các Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX trung ương và địa phương; 0,5% số HTX tiếp cận được vốn vay của các tổ chức tín dụng, riêng các HTX nông nghiệp, tỉ lệ này còn thấp.
Nhiều HTX nông nghiệp cho biết, một trong những hạn chế lớn nhất của HTX là đang khó tiếp cận vốn vay của các ngân hàng do HTX không có tài sản chung, tải sản không chia của HTX. Ngoài ra, các HTX chủ yếu được hỗ trợ vốn vay từ Quỹ Phát triển HTX, chủ yếu từ liên minh HTX nhưng số vốn vay tối đa chỉ được 1 tỷ đồng/HTX như hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất. Các HTX mong muốn được các cấp ngành, các ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi để HTX có thể được tín chấp bằng các dự án hoặc tài sản sẵn có, thay vì phải tín chấp bằng tài sản cá nhân, đáp ứng nhu cầu vay vốn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã.
Về vấn đề tín dụng, hỗ trợ nguồn vốn cho các HTX, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) khẳng định, nguồn vốn ngân hàng rất quan trọng cho phát triển HTX. Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã quan tâm đến tiếp cận tín dụng của các HTX và có nhiều chỉ đạo yêu cầu các tổ chức tín dụng thu thập thông tin đánh giá tín nhiệm khách hàng, làm sao nâng cao hiệu quả thẩm định, tăng khả năng cho vay không bảo đảm tài sản, tăng cho vay với khách hàng là các HTX.
Để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho HTX, từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế, trong đó có HTX. Ngân hàng Nhà nước có giải pháp tháo gỡ khó khăn cũng như sự vào cuộc đồng bộ của các HTX nhằm khắc phục các hạn chế như quy mô, cạnh tranh, quản trị, từ đó tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tăng cho vay.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối vốn, tập trung tín dụng cho các tổ chức kinh tế hợp tác, HTX hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, các mô hình HTX kiểu mới làm ăn có hiệu quả... Các tổ chức tín dụng thường xuyên nghiên cứu phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng ngân hàng; rà soát, cải tiến, đổi mới quy trình, thủ tục, điều kiện cấp tín dụng phù hợp với yêu cầu và thực tiễn hoạt động của HTX để từng bước mở rộng và tăng cường hỗ trợ vốn, cũng như khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng cho các loại hình kinh tế tập thể...
Nhằm tăng cường khả năng tiếp cận vốn của các HTX, nhiều ý kiến cho rằng bản thân các HTX và các cơ quan quản lý HTX cần hỗ trợ và tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo cho cán bộ quản lý, thành viên làm công tác chuyên môn, kỹ thuật, tập trung vào các chuyên đề như hiểu về cách thức và quy trình vay vốn ngân hàng; các kiến thức cơ bản trong vay vốn ngân hàng cho các HTX... Hội Nông dân sẽ tiếp tục hỗ trợ hội viên, nông dân tiếp cận các nguồn vốn phát triển kinh tế tập thể, HTX từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, vốn ủy thác của các ngân hàng và các tổ chức tín dụng; tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút các nguồn lực hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp.
Các HTX nông nghiệp đồng thời cần chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp để sản xuất ra những sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường và đạt được lợi nhuận cao. Ảnh: HĐ. |
Cùng với việc tạo điều kiện để các HTX tiếp cận nguồn vốn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, các HTX cần chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp để sản xuất ra những sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường và đạt được lợi nhuận cao nhất có thể. Đồng thời, tạo ra những sản phẩm “xanh” gắn với chế biến, đáp ứng nhu cầu của thị trường theo hướng “tiêu dùng xanh’; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang chuỗi giá trị ngành hàng.
Để làm được điều đó, Bộ NN&PTNT cho rằng: Phải hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường; tổ chức các khâu quan trọng trong sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, bảo đảm phát triển bền vững; xây dựng các vùng chuyên canh đảm bảo tiêu chuẩn bền vững. Hình thành một số cụm công nghiệp và dịch vụ sản xuất nông nghiệp, ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, hình thành vùng nguyên liệu tập trung.
Bên cạnh đó, thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị ngành hàng, thu hút doanh nghiệp đầu tàu vào dẫn dắt chuỗi giá trị, liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác; phát triển các mô hình nông nghiệp tiên tiến, tuần hoàn, hữu cơ, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao… Đồng thời, phát triển cảnh quan nông thôn gắn với làng sinh thái, đảm bảo môi trường xanh, sạch; sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên, xử lý phụ phế phẩm; xây dựng hệ thống cảnh báo dự báo, xác định rủi ro. Đặc biệt là phát triển thị trường trong và ngoài nước đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản.
Nguồn:Nguồn lực để hợp tác xã nông nghiệp phát triển bền vững