Nhà sản xuất và phân phối phải làm gì để hàng Việt lên kệ siêu thị ngoại?
Thương mại điện tử "chắp cánh" cho hàng Việt bay xuyên biên giới Hàng Việt tăng tốc xuất khẩu khi Trung Quốc mở cửa |
Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường bán lẻ, làm sao để nâng được tỷ lệ hàng Việt tại các kênh siêu thị nước ngoài. Câu hỏi này đặt ra cho chính các nhà sản xuất và phân phối trong bối cảnh thị hiếu tiêu dùng đang có nhiều thay đổi và những đòi hỏi khắt khe hơn.
Thị hiếu tiêu dùng và yêu cầu từ các nhà bán lẻ đòi hỏi các nhà sản xuất và phân phối cần phải có trách nhiệm hơn. (Hình minh họa. Ảnh: Internet) |
Chia sẻ với báo chí, chuyên gia thị trường Vũ Vinh Phú - nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng: Hiện nay vẫn còn có những yếu tố thống lĩnh độc quyền của một số nhóm siêu thị, khiến việc đưa hàng hóa đạt tiêu chuẩn, nhất là hàng Việt, hàng nông sản thực phẩm vào một số siêu thị đó gặp rất nhiều khó khăn.
Nhiều nhà bán lẻ trong nước cũng cho rằng họ rất cần đến sự đa dạng hoá sản phẩm trong hệ thống của mình để thu hút khách hàng.
Thế nhưng, thực tế, hệ thống các siêu thị, nhất là với siêu thị có yếu tố nước ngoài đều có những tiêu chuẩn đầu vào rất cao. Điều đó đòi hỏi các nhà sản xuất phải đáp ứng được các quy định, tiêu chí mà nhà bán lẻ đặt ra cũng như dựa trên nhu cầu của người tiêu dùng và của cơ quan quản lý nhà nước.
Chính vì thế, nhà bán lẻ phải áp đặt những quy định đó lên các nhà sản xuất. Cụ thể, mẫu mã bao bì sản phẩm phải có sự bắt mắt, các tiêu chí trên bao bì đáp ứng quy định ghi trên nhãn mác… Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm cũng là một tiêu chí vô cùng quan trọng, luôn được đặt lên hàng đầu.
Không chỉ vậy, trên hầu hết sản phẩm, hàng hóa, nhất là với hàng hóa thực phẩm đều phải được thực hiện dán tem QR Code trên sản phẩm để truy xuất nguồn gốc. Đây là một trong những giải pháp công nghệ tiên phong hiện nay, có khả năng theo dõi, nhận diện được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến và phân phối.
Theo Tổng giám đốc AEON Việt Nam, ông Shiotani, trước đây, AEON chủ yếu nhập khẩu mặt hàng chuối tươi từ Philippines (sản lượng nhập khẩu 70%) cho hệ thống phân phối của tập đoàn, do chuối nhập từ Philippines có chất lượng ổn định và duy trì được sản lượng. Nhưng từ năm 2022, AEON bắt đầu triển khai nhập chuối từ Việt Nam và người tiêu dùng cũng đưa ra nhận định, chuối của Việt Nam có vị tươi ngon hơn hẳn so với các nước khác.
Điều mà theo đại diện AEON, bên cạnh những lý do về chất lượng, giá cả, công ty sản xuất chuối xuất khẩu của Việt Nam có mô hình sản xuất tuần hoàn, ngoài trồng chuối, họ có mô hình nuôi thủy hải sản, gia súc và phân bón quay trở lại bón cho cây chuối... Với mô hình khép kín này, lượng rác thải gần như bằng 0.
“Trong quá khứ, khi nói tới yếu tố hàng nhập khẩu, chúng ta tập trung vào giá cả, chất lượng và chuỗi cung ứng. Nhưng hiện tại và trong tương lai, tiêu chí lựa chọn nhà cung cấp của chúng tôi và cả thế giới đã thay đổi. Đó là việc nhà cung cấp có xây dựng được mô hình sản xuất bền vững hay không” - ông Shiotani nhấn mạnh.
Bối cảnh thị hiếu tiêu dùng đã thay đổi, khi những đòi hỏi về chất lượng và sự kiểm soát tốt hơn nguồn gốc hàng hóa cũng như nhu cầu tiêu dùng xanh cao hơn. Đòi hỏi đang đặt ra cho các nhà sản xuất và phân phối cần phải có trách nhiệm hơn.
Bên cạnh các yếu tố cạnh tranh mà các nhà bán lẻ phải chú trọng như: chất lượng, giá cả, tay nghề công nhân và giá trị bền vững, thì các nhà phân phối bán lẻ kỳ vọng các sản phẩm khi mua và bán sẽ được sản xuất từ các nhà cung cấp có đạo đức, trả lương công bằng cho người lao động, an toàn và hoạt động đề cao tầm quan trọng phẩm giá người lao động.
Ở tầm quốc gia, để gia tăng xuất khẩu hàng Việt vào hệ thống siêu thị nước ngoài trong giai đoạn tới, Bộ Công Thương đã triển khai Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2030”. Theo đó, ngành công thương sẽ tiếp tục phát triển mạng lưới các đối tác chiến lược của đề án, đặc biệt là các hãng phân phối bán lẻ đang hiện diện tại Việt Nam hoặc quan tâm chuyển dịch chuỗi cung ứng sang thị trường Việt Nam.
Trong nỗ lực mở rộng kênh xuất khẩu hàng Việt ra thế giới, Bộ Công Thương đã cùng với các đơn vị chức năng làm việc với nhiều tập đoàn phân phối nước ngoài để đưa hàng Việt Nam vào hệ thống bán lẻ toàn cầu. Bộ Công Thương sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu và đưa hàng hóa thương hiệu Việt Nam có mặt ngày càng nhiều tại siêu thị thuộc các tập đoàn phân phối lớn. Từ đó, góp phần mở rộng kênh xuất khẩu đưa hàng Việt Nam ra thế giới.
Nguồn:Nhà sản xuất và phân phối phải làm gì để hàng Việt lên kệ siêu thị ngoại?