Nhân rộng các mô hình điểm về thu gom, phân loại rác thải
Những năm qua, công tác bảo vệ môi trường tại Việt Nam đã thu hút nhiều sự quan tâm hưởng ứng của các bộ, ngành và mọi tầng lớp nhân dân. Vì vậy các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng về nội dung chống rác thải nhựa, trồng cây xanh, phân loại rác tại nguồn là những hoạt động cụ thể, thiết thực cần được triển khai và nhân rộng.
Theo số liệu của Cục Kiểm soát ô nhiễm (Bộ TN&MT), sau 3 năm Luật Bảo vệ môi trường 2020 được ban hành và có hiệu lực, hiện nay tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên phạm vi cả nước khoảng 67.877 tấn/ngày, khu vực đô thị phát sinh khoảng 38.143 tấn/ngày, khu vực nông thôn khoảng 29.734 tấn/ngày.
Năm 2023, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, vận chuyển trên toàn quốc đạt 88,34%, tại đô thị đạt 96,60%, tại nông thôn đạt 77,69%. Cả nước có 1.548 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó 340 cơ sở đốt (chiếm 21,96%), 30 cơ sở xử lý thành mùn/phân hữu cơ (chiếm 1,94%), 1.178 cơ sở chôn lấp (chiếm 76,10%), nhiều cơ sở không hợp vệ sinh.
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, việc phân loại rác thải tại nguồn phải được thực hiện bắt buộc chậm nhất từ ngày 1/1/2025, đây là một bước quan trọng nhằm giảm chất thải, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để phân loại rác tại nguồn đạt hiệu quả và bền vững tại cộng đồng, Bộ TN&MT các bộ, ngành liên quan, chính quyền các địa phương còn rất nhiều nội dung cần tập trung triển khai như tuyên truyền, hướng dẫn cộng đồng, đến đầu tư hạ tầng thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế rác thải sinh hoạt.
Bộ TN&MT đã phối hợp các bộ, ngành, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị- xã hội, các doanh nghiệp và cộng đồng triển khai nhiều chương trình, hoạt động như: Chương trình chống rác thải nhựa, trồng cây xanh, vệ sinh môi trường, từng bước triển khai phân loại chất thải tại nguồn từ các hộ gia đình thông qua các mô hình tại cộng đồng.
Đặc biệt, thông qua các hoạt động truyền thông các cơ chính sách, pháp luật trong giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái chế, xử lý chất thải nói chung và chất thải nhựa nói riêng; phổ biến một số mô hình điểm trong việc hạn chế, giảm thiểu rác thải nhựa dùng một lần; hướng dẫn và nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong việc phân loại rác, góp phần thực hiện hiệu quả quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 thời gian qua.
Tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế, các mô hình phân loại rác thải tại nguồn được đẩy mạnh triển khai. |
Tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành quy định mới nhất về quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, quy định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân có các hoạt động liên quan đến chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải rắn y tế, chất thải rắn nguy hại và chất thải rắn xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện văn bản nêu trên, Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai xây dựng nhiều mô hình phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn, với sự tham gia của các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn viên thanh niên, học sinh. Năm 2023, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên toàn tỉnh đạt 96,8%. Hạ tầng xử lý rác thải hiện nay đã đáp ứng nhu cầu trên toàn tỉnh.
Ngành TN&MT tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn cho các hộ nông dân thực hành và xử lý rác hữu cơ thành các sản phẩm phân bón cho cây trồng, nước tẩy rửa; thúc đẩy tái chế hữu cơ bằng việc xây dựng 21 quầy hàng sinh thái tại các chợ, hỗ trợ thùng ủ phân hữu cơ với nguồn rác thải từ chợ. Điển hình như, kết quả Dự án Huế Đô thị giảm nhựa đến năm 2023 đạt và vượt mục tiêu giảm 30% lượng rác thải nhựa thất thoát ra môi trường theo kế hoạch đề ra.
Ngoài ra, ngành cũng tổ chức các lớp tập huấn về truyền thông thay đổi hành vi hướng đến giảm thiểu rác thải cho các cán bộ chuyên trách và hội đoàn thể ở các cấp từ tỉnh, huyện, xã, phường, thị trấn; UBND các huyện, xã, phường đã chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền về hạn chế sử dụng rác thải nhựa và túi ni-lông để triển khai đến các chi hội phối hợp thực hiện; tổ chức các buổi tuyên truyền trên hệ thống phát đài phát thanh, tuyên truyền trực tiếp tại các chợ về hạn chế sử dụng chất thải túi ni-lông, phân loại rác thải tại nguồn. Đồng thời, tổ chức các cuộc thi ảnh, sáng kiến truyền thông về giảm rác thải nhựa, phân loại rác tại nguồn đến người dân trên địa bàn.
Tại TP. Huế, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt đã và đang được triển khai hiệu quả, góp phần giảm lượng rác thải nhựa ra môi trường, làm cho Huế xanh - sạch - sáng và hướng đến một đô thị giảm nhựa trong tương lai gần.
Huế là đô thị có dân số đông, lượng rác thải mỗi ngày không dưới 500 tấn rác sinh hoạt và đang gia tăng, nhất là sau khi mở rộng địa giới hành chính, gây sức ép về môi trường và mỹ quan đô thị, vì thế vấn đề phân loại chất thải rắn sinh hoạt đang là yêu cầu cấp bách được TP. Huế chú trọng và đẩy mạnh triển khai. Trong đó, Dự án “Huế - Đô thị Giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” do Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) xây dựng, tài trợ và thực hiện là một điển hình trong công tác cải thiện hoạt động phân loại rác của thành phố.
Sau thời gian triển khai, chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trong khuôn khổ Dự án, tại TP. Huế, đến nay đã có 295 bộ thùng lưu chứa rác sinh hoạt trên địa bàn thành phố, tạo điều kiện để người dân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Tại nhiều xã ven biển của TP. Huế, Dự án tuyên truyền cho các ngư dân và tặng các túi lưới chứa rác nhựa để ngư dân lắp đặt vào tàu khai thác và mang về bờ. Ngoài ra, Dự án hỗ trợ lắp đặt 76 mô hình ngôi nhà xanh tại nhiều phường, xã để vận động người dân tăng cường thu gom rác tái chế. Các mô hình thể hiện tính hiệu quả cao, thu gom được số lượng lớn rác tái chế, trong đó phần lớn được dùng để gây quỹ hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Bên cạnh những kết quả bước đầu trong công tác bảo vệ môi trường nói chung, công tác phân loại rác tại nguồn còn gặp không ít khó khăn, hạn chế như: Nội dung tuyên truyền, kỹ năng truyền thông của lực lượng tuyến cơ sở còn hạn chế; công tác giám sát phân loại chưa hiệu quả, thiếu kinh phí thực hiện. Trong khi đó, vị trí đặt thùng rác phân loại còn xa, việc phân loại còn rất hạn chế đối với các gia đình không chỉ khu vực nông thôn mà cả khu vực thành thị; nhiều địa phương trên địa bàn chưa có cơ sở tập kết, sơ chế rác thải.
Do vậy, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng cần sớm tiến hành khảo sát, rà soát, điều chỉnh, bổ sung vị trí các cụm thùng rác phân loại tại các vị trí công cộng, nhất là xử lý kịp thời các nhóm rác thải sau phân loại tránh tình trạng ùn ứ tại không ít địa phương như thời gian qua. Đồng thời, tiếp tục nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường tại cộng đồng, trong đó có các mô hình phân loại rác tại nguồn, mô hình chống rác thải nhựa.
Nguồn:Nhân rộng các mô hình điểm về thu gom, phân loại rác thải