Nhân rộng các mô hình nuôi biển có hiệu quả kinh tế cao
Tây Ninh: Tân Biên trồng chanh không hạt hiệu quả kinh tế cao Tiền Giang: Nuôi lươn không bùn cho hiệu quả kinh tế cao |
Vùng biển Ninh Thuận có nhiều thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy hải sản. Đây là vùng ít bão gió, ít bị ảnh hưởng bởi nước sông, tầng đáy chủ yếu là các rạn đá, san hô nên thức ăn khi nuôi bị rơi vãi xuống sẽ bị cuốn trôi đi theo chu kì lên, xuống của thủy triều, do đó không bị đọng lại ở đáy nên nguồn nước ít bị ảnh hưởng, rất phù hợp cho việc nuôi biển.
Tận dụng vùng Đầm Nại rộng lớn khoảng 1.200 ha, ngư dân huyện Ninh Hải đang phát triển mô hình nuôi hàu treo dây trong lồng bè cho hiệu quả kinh tế cao. Nghề nuôi hàu có từ lâu đời với người dân ven bờ Đầm Nại, nhưng trước đây do nuôi tự phát, con giống phụ thuộc vào khai thác trong tự nhiên nên hiệu quả không cao. Khoảng 5 năm lại đây, địa phương được Trung tâm Giống hải sản cấp I tỉnh (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chuyển giao kỹ thuật nuôi giống hàu Thái Bình Dương treo dây trên lồng bè.
Mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương treo dây trong lồng bè đang phát triển mạnh tại khu vực biển Đầm Nại. |
Giống hàu Thái Bình Dương rất dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc, người nuôi chỉ cần theo dõi và vệ sinh lồng bè nuôi để hạn chế ốc và các sinh vật, đất, bùn bám vào làm hàu chậm phát triển, khi hàu lớn có thể tách ra thả vào lồng nuôi để tránh bị thất thoát. Khu vực Đầm Nại có điều kiện thuận lợi về độ mặn nước biển, ít sóng gió, tàu bè qua lại nên rất thích hợp cho con hàu phát triển.
Với khoảng 15 bè nuôi hàu Thái Bình Dương, mỗi bè có diện tích hơn 60 m2, nhờ nuôi luân phiên nên các trung bình các hộ sản xuất thu hoạch hàu quanh năm với sản lượng bình quân đạt 3,5 - 4 tấn/bè. Thương lái thu mua với giá từ 10.000 - 30.000 đồng/kg tùy loại, sau khi trừ chi phí đầu tư còn lãi trên 30 triệu đồng/bè. Từ hiệu quả kinh tế này, các hộ dân tại xã Tri Hải, huyện Ninh Hải đã nhân rộng mô hình sản xuất. Nuôi hàu, sau khi cạy tách ruột, người nuôi còn có thể tận dụng vỏ hàu bán cho các cơ sở làm giá thể cấy hàu giống, nuôi hàu bằng giá thể vỏ hàu an toàn, thân thiện với môi trường nước.
Bên cạnh việc phát triển mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương, các mô hình nuôi tôm hùm, các loại cá biển, ốc hương, cua, ghẹ, các loài nhuyễn thể đang được các huyện ven biển Ninh Hải, huyện Thuận Nam, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm được ngư dân nhân rộng. Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh Ninh Thuận, toàn tỉnh hiện có khoảng 222 bè với trên 3.500 lồng nổi đang nuôi tôm hùm, giá bán tôm hùm bông dao động ở mức từ 1.500.000 - 2.500.000 đồng/kg và tôm hùm xanh có giá từ 650.000 - 850.000 đồng/kg...
Hiện nay, tỉnh Ninh Thuận đang khuyến khích người dân có điều kiện đầu tư mô hình nhân giống, nuôi mực bán tự nhiên để đáp ứng nhu cầu thị trường và tăng hiệu quả kinh tế. Nhân giống và nuôi mực bán tự nhiên là mô hình đầu tiên của Việt Nam áp dụng công nghệ mới và lồng nuôi bằng nhựa HDPE.
Ưu điểm của mô hình này chính là diện tích nuôi lớn, xung quanh có lưới bao, đặt dưới đáy biển tự nhiên, hoàn toàn không có lưới, mực vẫn tìm được nguồn thức ăn từ tự nhiên. Khi ra với môi trường bán tự nhiên chỉ cần cho mực ăn với hệ số thức ăn 2.0 (tương 2kg thức ăn/1kg thịt mực thương phẩm) sau khoảng 5 tháng nuôi, có con đã đạt hơn 1kg (mực lá). Điển hình, hộ dân của anh Nguyễn Bá Ngọc (34 tuổi, ngụ xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải) đã tiên phong nghiên cứu và bước đầu thành công với mô hình thí điểm "Nhân giống và nuôi mực trong môi trường bán tự nhiên". Với việc làm chủ được con giống để cung cấp các hộ nuôi thì 1 lồng nuôi tầm 1.000m2 (tương đương 10.000m3 nước thả khoảng 10.000 con mực giống) sau 5 – 6 tháng nuôi cho thu hoạch bình quân khoảng 7 tấn mực, cho lợi nhuận từ 400 – 500 triệu/vụ (nuôi 2 vụ mỗi năm).
Tỉnh Ninh Thuận đang khuyến khích người dân có điều kiện đầu tư mô hình nhân giống, nuôi mực bán tự nhiên để đáp ứng nhu cầu thị trường và tăng hiệu quả kinh tế. Ảnh: TL. |
Từ việc nuôi mực trong môi trường bán tự nhiên thành công, đã mở ra hướng đi mới cho ngành nuôi trồng thủy hải sản Ninh Thuận. Với cách làm này, ngư dân sẽ làm được các lồng nuôi có diện tích lớn hơn, giảm thiểu được nguồn thức ăn cho mực, khi mực càng lớn thì nguồn thức ăn cung cấp cho mực càng ít đi bởi tận dụng được nguồn thức ăn có sẵn trong môi trường biển. Việc nuôi bán tự nhiên cũng hoàn toàn giúp bảo vệ được hệ sinh thái biển.
Bên cạnh đó, nuôi bằng phương pháp bán tự nhiên giúp giảm được nhân công khi nuôi các lồng lớn. Nếu như trước đây với diện tích lồng nuôi 1.000m2, cần khoảng 12 nhân công, nhưng với cách nuôi mới này chỉ cần 2 nhân công. Từ đó, chi phí vận hành giảm đi rất nhiều. Đặc biệt với cách nuôi này, ngư dân sẽ giảm được sự lệ thuộc vào thương lái, không lo bị ép giá do mực trưởng thành ít phải chịu áp lực về chi phí thức ăn.
Bờ biển dài, nguồn thức ăn phong phú, chất lượng con giống đảm bảo. Cùng với đó, tỉnh có nhiều chính sách ưu tiên để người dân phát triển kinh tế và thu hút đầu tư. Điều này đã giúp nhiều doanh nghiệp, cơ sở mạnh dạn đầu tư nuôi trồng thủy sản với ngày càng nhiều trang trại quy mô, hiện đại. Tính đến cuối tháng 8/2023, toàn tỉnh có khoảng 222 bè với trên 3.560 lồng nuôi tôm hùm thương phẩm, tập trung tại khu vực Mỹ Tân (xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải) và khu vực Cà Ná (huyện Thuận Nam). Khu vực C1, C2 (xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải) cũng có khoảng 800 lồng của 50 hộ nuôi các đối tượng cá biển như cá bớp, cá chim, cá mú...
Theo đánh giá của ngành chức năng tỉnh, quy mô nuôi biển tại các địa phương chưa lớn, sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa tuân thủ đúng quy trình, kỹ thuật, kết cấu công trình lồng bè nuôi đơn giản, chưa đảm bảo độ an toàn khi có tác động của sóng biển lớn…Tỉnh đang đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp về quản lý đất đai, mặt nước nuôi biển, có cơ chế chính sách thu hút các công ty, tập đoàn vào sản xuống giống thủy sản, phát triển các mô hình nuôi biển ứng dụng công nghệ cao. Các đơn vị trung tâm giống thủy sản, công ty đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất, ương dưỡng tôm giống, các loại cá biển, nhuyễn thể, rong tảo biển có giá trị kinh tế cao. Năm 2023, tỉnh phấn đấu sản lượng nuôi trồng thủy sản thương phẩm đạt 8.500 tấn và sản xuất giống thủy sản đạt 40,4 tỷ con.
Theo quy hoạch vùng nuôi biển thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Ninh Thuận tỉnh sẽ bố trí tổng diện tích nuôi trồng khoảng 1.390 ha; mục tiêu phát triển nuôi biển trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái; tạo ra sản phẩm có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tỉnh tiếp tục định hướng xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm tôm giống chất lượng cao của cả nước; tích hợp vùng nuôi trồng thủy sản vào Quy hoạch tỉnh; tiếp tục nghiên cứu nuôi thử nghiệm và sản xuất các giống thủy sản mới có giá trị và chuyển từ nuôi trồng ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tỉnh sẽ huy động đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại các vùng sản xuất tập trung theo hướng đồng bộ, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đáp ứng được nhu cầu sản xuất để phát huy tiềm năng, lợi thế biển của tỉnh.
Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận sẽ cùng với các ngành, địa phương ven biển giám sát chặt chẽ hoạt động sản xuất nuôi trồng thủy sản như: vùng nuôi; diện tích nuôi, quy mô lồng bè nuôi; hướng dẫn mùa vụ, lịch sản xuất cụ thể ở từng khu vực; tuyên truyền, khuyến cáo hộ nuôi lựa chọn giống đầu vào chất lượng, đảm bảo mật độ thả nuôi phù hợp…Tăng cường quan trắc môi trường theo đúng tần suất 1 lần/tháng và đột xuất khi có tình hình dịch bệnh hay vào vụ nuôi chính; tổ chức tập huấn, hội thảo phổ biến quy định của pháp luật trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, giới thiệu và nhân rộng các mô hình nuôi thành công trên địa bàn tỉnh để người dân tìm hiểu, đầu tư nuôi có hiệu quả.
Nguồn:Nhân rộng các mô hình nuôi biển có hiệu quả kinh tế cao