Tiền Giang: Nuôi lươn không bùn cho hiệu quả kinh tế cao
Tiền Giang: Đề nghị Bộ GTVT ứng trên 1,257 ngàn tỷ đồng cho Dự án Cầu Rạch Miễu 2 Tiền Giang: Bảo tồn và phát huy giá trị di tích cấp quốc gia đặc biệt Di tích Chiến thắng Ấp Bắc |
Với tính cần cù, chịu khó và nhất là thích chăn nuôi đã thôi thúc anh Khoa tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm để áp dụng vào mô hình nuôi lươn của gia đình. Năm 2020, tận dụng đất trống xung quanh nhà và vật liệu sẵn có, anh Khoa bắt tay vào xây dựng 3 bể lót bạt xung quanh, mỗi bể khoảng 5 m2, đầu tư hệ thống ống nước để thay nước hằng ngày. Sau khi hoàn thiện, khử khuẩn, anh Khoa mua lươn giống về thả nuôi. Ban đầu do chưa nắm vững kỹ thuật, thay nước không kịp thời nên lươn chậm lớn.
Không nản chí, tiếp tục tìm tòi học hỏi kinh nghiện, đến nay anh Khoa đã có cách chăm sóc lươn khoa học, đúng quy trình nên mô hình nuôi lươn không bùn của anh phát triển tốt, cho thu nhập ổn định.
Theo anh Khoa, để lươn sinh trưởng, phát triển tốt, bể nuôi phải đảm bảo thoáng mát. Lươn khá mẫn cảm với môi trường nước, vì vậy hằng ngày phải thay nước trong bể sau khi cho lươn ăn; trên mặt nước nhất định phải có nhiều sợi ni lông làm giá thể cho lươn trú ngụ.
Anh Khoa hiện nuôi hơn 10.000 con lươn giống. |
Ngoài ra, anh Khoa còn tìm hiểu, học hỏi nuôi lươn sinh sản, tự chủ về con giống và bán cho các hộ có nhu cầu. Hiện tại, anh Khoa bố trí một bể bạt với 100 con lươn bố mẹ, khi lươn bố mẹ sinh sản anh chuyển sang 3 bể để nuôi với hơn 10.000 con lươn giống. Anh Khoa cho biết, hiện tại anh chủ yếu bán lươn giống cho hộ dân ở các vùng lân cận.
Anh Khoa chia sẻ: “Mô hình nuôi lươn này rất hiệu quả, đầu tư bể nuôi cũng đơn giản, chi phí đầu tư thấp, không tốn nhiều thời gian, mỗi ngày chỉ phải bỏ ra khoảng 15 phút cho lươn ăn và thay nước để đảm bảo nước luôn sạch thì lươn sẽ ít bệnh.
Từ ưu điểm mô hình nuôi lươn không bùn và nhu cầu tiêu thụ lươn cao trên thị trường, anh Khoa dự định mở rộng quy mô, tăng số bể nuôi. Anh Khoa cho biết sẵn sàng chia sẻ cách xây dựng bể, kinh nghiệm, kỹ thuật, cách phòng trị bệnh trên lươn cho những người dân có nhu cầu nuôi lươn, để phát triển kinh tế gia đình và góp phần đa dạng hóa mô hình chăn nuôi tại địa phương.
Anh Khoa cho lươn ăn. |
Phó Trưởng ấp Hậu Hoa Ngô Văn Hòn cho biết: “Mô hình nuôi lươn không bùn đang là mô hình khá mới trên địa bàn. Mô hình của anh Khoa đã thay đổi được cách nghĩ, cách làm, giúp nhiều hộ dân ở địa phương học hỏi. Thành công bước đầu mô hình nuôi lươn không bùn của anh Khoa được xem là mô hình sản xuất phù hợp với những hộ dân ít đất sản xuất, biết tận dụng thời gian nhàn rỗi để tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích đất. Đây là mô hình sản xuất hiệu quả cần được nhân rộng để giúp nhiều hộ nông dân tăng thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình và vươn lên ổn định cuộc sống”.
Nguồn: Nuôi lươn không bùn cho hiệu quả kinh tế cao