Nhập khẩu vàng có phải lựa chọn tối ưu để bình ổn giá vàng?
Đề xuất 3 doanh nghiệp được nhập 1,5 tấn vàng/năm
Trao đổi với báo giới mới đây, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết, để bình ổn giá cũng như thị trường vàng, đơn vị này đã gửi đề xuất và kiến nghị tới nhà quản lý về việc cho phép ba doanh nghiệp là PNJ, SJC, DOJI được nhập 1,5 tấn vàng/năm, tương ứng mỗi doanh nghiệp nhập 500 kg vàng mỗi năm.
Ông Khánh nêu rõ, phía Hiệp hội kiến nghị cho nhập vàng nguyên liệu để các doanh nghiệp chế tác vàng nữ trang. 3 đơn vị được kiến nghị đều là các doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn nhất của ngành. Ông hy vọng cơ quan quản lý cho thí điểm trước với các đơn vị này chứ không phải làm đại trà.
Theo đó, không phải một lần các doanh nghiệp nhập luôn tổng 1,5 tấn vàng mà sẽ chia làm nhiều lần nhập, tùy theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước. Cũng theo vị này, thực chất con số 1,5 tấn không lớn, bởi nhu cầu vàng nữ trang trong nước lên tới 20 tấn.
“Quy đổi ra tiền là khoảng hơn 30 triệu USD/500 kg. Tổng giá trị của 1,5 tấn vàng tính cả tiền nhập khẩu, thuế phí trong khoảng 100 triệu USD”, ông nói. Theo ông Khánh, so với nhập khẩu mặt hàng khác, con số này không quá cao.
Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đề xuất cho 3 doanh nghiệp được nhập 1,5 tấn vàng/năm |
Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết, nhập khẩu vàng sẽ giúp thị trường phong phú hơn. Khi đó, chắc chắn giá vàng trong nước sẽ giảm và giúp chênh lệch quốc tế - trong nước được rút ngắn lại. Theo đó, người dân được hưởng lợi và thị trường vàng cũng sẽ bình ổn.
“Khi kiểm soát như vậy, các vấn đề về tỷ giá, ngoại hối cũng không lo bị ảnh hưởng do con số 100 triệu USD nhập khẩu không quá lớn”, ông Khánh nêu. Đồng thời cho biết, nếu không bỏ quy định nhà nước độc quyền vàng miếng SJC, không bỏ độc quyền nhập khẩu vàng của Ngân hàng Nhà nước thì khó có giải pháp nào hữu hiệu hơn.
“Nếu không tăng nguồn cung thì không có cách nào giảm chênh lệch giá. Đây là vấn đề cung - cầu, độc quyền nên tắc nghẽn nguồn cung, không giải quyết thì chênh lệch sẽ càng ngày càng tăng. Thị trường 10 năm qua đã chứng tỏ điều này, không có biện pháp hành chính nào có thể thu hẹp chênh lệch giá vàng”, ông Khánh nói.
Nhiều ý kiến trái chiều
Cũng cho rằng, nhập khẩu vàng là cách để bình ổn thị trường nhanh nhất và hạn chế được tình trạng nhập lậu vàng đang nhức nhối hiện nay, cũng như làm cho tỷ giá thị trường “chợ đen” trong thời gian qua luôn "nóng" và cao hơn so với tỷ giá trong ngân hàng, tuy nhiên PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, việc nhập khẩu vàng cần nhập khẩu theo quota (hạn ngạch), tức Ngân hàng Nhà nước sẽ cân đối dựa trên thặng dư cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối hàng năm để cấp hạn mức nhập khẩu vàng phù hợp, tránh việc dùng nguồn lực ngoại tệ quá lớn cho nhập khẩu vàng có thể ảnh hưởng đến cán cân thanh toán cũng như tỷ giá của Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân đặt vấn đề: Nếu người dân làm bao nhiêu mua vàng bấy nhiêu, thì nguồn vốn đâu để tái đầu tư sản xuất kinh doanh? |
Bên cạnh đó, cần chắt chiu lượng dự trữ ngoại hối hiện tại để ưu tiên cho các việc quan trọng hơn là bình ổn giá vàng, một sản phẩm không thiết yếu và không hỗ trợ gì nhiều cho việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nếu không muốn nói là rào cản trong việc huy động nguồn lực trong nền kinh tế cho tăng trưởng.
“Nếu người dân làm bao nhiêu mua vàng bấy nhiêu, thì nguồn vốn đâu để tái đầu tư sản xuất kinh doanh? Lúc đó, chúng ta sẽ phải đối mặt với vấn đề nhập siêu và áp lực tỷ giá khi phần lớn ngoại tệ dùng cho việc nhập vàng”, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân đặt vấn đề.
Trong khi đó, PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm, để bình ổn giá vàng trong nước, bỏ độc quyền chỉ là một yếu tố. “Có ý kiến cho rằng, phải tăng cường nhập khẩu vàng hay ủy thác cho một số đơn vị nhập khẩu... như thế là nguy hiểm. Bởi, nếu cứ như vậy sẽ tạo điều kiện cung ứng vàng vật chất, trong khi xu thế thế giới ngoài vàng vật chất còn phải vàng tài khoản nữa. Nếu nhập vàng, Nhà nước phải bỏ ngoại tệ ra; càng tăng cung vàng vật chất thì càng “vàng hóa” cao. Vì thế, cùng một lúc phải đồng bộ các giải pháp. Sửa đổi nghị định thì không được thay quá 20%, vì thế phải thay thế Nghị định 24”, ông Long kiến nghị.
Ở một góc nhìn khác, một chuyên gia cho rằng sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng cần hướng đến phục vụ tổng thể nền kinh tế. Về lý thuyết, bất kỳ giải pháp nào làm tăng cung và giảm cầu đều sẽ đạt mục tiêu thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, theo vị này, nếu sửa Nghị định 24 chỉ đặt mục tiêu chính sách là “thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới” liệu có bảo đảm thị trường vàng phát triển an toàn và lành mạnh như theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ? Vì vậy, chuyên gia cho rằng thiết kế chính sách chỉ có thể thành công khi hướng về phục vụ phục vụ tổng thể nền kinh tế.
Việc có độc quyền vàng miếng SJC nữa hay không? hay sẽ cho phép những doanh nghiệp nào được nhập khẩu vàng? sẽ tiếp tục được cơ quan quản lý cân nhắc và xem xét. Tuy nhiên, theo thông điệp được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nêu ra hồi đầu năm, dù có giữ nguyên sự độc quyền của SJC hay cho nhiều thương hiệu vàng miếng khác, mục tiêu vẫn là làm sao để thị trường này không ảnh hưởng tới môi trường vĩ mô, đảm bảo quyền lợi của hơn 100 triệu người dân.
Nguồn:Nhập khẩu vàng có phải lựa chọn tối ưu để bình ổn thị trường vàng?