Nhiều bất thường trong mua sắm thiết bị giáo dục tại Sở GD&ĐT tỉnh Tuyên Quang
Nhà thầu “độc chiến” tại các gói thầu?
Thời gian qua, hàng loạt gói thầu mua sắm thiết bị giáo dục có giá trị lớn do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang (Sở GD&ĐT) làm chủ đầu tư được giao cho một đơn vị khác là Công ty Cổ phần Tư vấn Hoàng Cường (Công ty Hoàng Cường) làm bên mời thầu. Được biết, Công ty này cũng chỉ mới được thành lập vào ngày 19/02/2021 và hiện đang là bên mời thầu cho hàng trăm gói thầu khác, trong đó chủ yếu là gói thầu mua sắm.
Trong các gói thầu mua sắm thiết bị của Sở GD&ĐT tỉnh Tuyên Quang mà Công ty Hoàng Cường mời thầu, hầu hết đều thuộc mua sắm hàng hóa thông thường, được tổ chức đầu thầu rộng rãi, qua mạng nhưng lại chỉ duy nhất một nhà thầu tham dự và sau đó “ôm trọn” gói thầu. Việc này diễn ra tại hầu hết các gói thầu của Sở GD&ĐT.
Đơn cử, cả 02 gói thầu số 01 và số 02 thuộc dự án “Mua sắm trang thiết bị dạy học trang cấp cho các trường học thuộc Chương trình mục tiêu Giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn tỉnh Tuyên Quang” có tổng mức đầu tư là 13.019.634.000 VNĐ. Được tổ chức đấu thầu rộng rãi, qua mạng nhưng cả 02 gói thầu đều chỉ có duy nhất một liên danh nhà thầu, trong đó có Hộ kinh doanh Bùi Thế Hùng tham dự và trở thành đơn vị trúng thầu cho toàn bộ dự án (?)
Tại 03 gói thầu mua sắm thiết bị số 01, 02, 03 thuộc dự án “Mua sắm thiết bị dạy học, tối thiểu lớp 6 của Sở GD&ĐT” có tổng mức đầu tư là 28.086.535.000 VNĐ. Cả 03 gói thầu được thông báo mời thầu, mở thầu vào cùng thời điểm. Tuy nhiên, kết quả mở thầu cho thấy, mỗi gói thầu chỉ có một nhà thầu tham dự và được công bố là đơn vị trúng thầu cho gói thầu, trong đó một nhà thầu liên danh trúng cả 02 gói (?)
Ngoài ra, dự án “Mua sắm thiết bị dạy học, tối thiểu lớp 2 của Sở GD&ĐT” có tổng mức đầu tư 23.902.502.000 VNĐ, chia thành 03 gói thầu mua sắm. Kết quả mở thầu cho thấy, tại mỗi gói thầu cũng chỉ có duy nhất 01 nhà thầu với tư cách liên danh tham dự và được công bố trúng thầu. Đặc biệt, nhà thầu Hộ kinh doanh Bùi Thế Hùng với vai trò liên danh đã có mặt tại cả 03 gói thầu nói trên (?)
Nhiều gói thầu mua sắm khác tại Sở GD&ĐT tỉnh Tuyên Quang do Công ty Hoàng Cường mời thầu cũng chỉ có một nhà thầu “độc chiến”. Việc trúng thầu của các nhà thầu tương đối thuận lợi khi không có đối thủ cạnh tranh tại các gói thầu, thậm chí một nhà thầu “quen” cùng lúc cùng lúc trúng hàng loạt gói thầu.
Chênh lệch cả tỷ đồng cho một hạng mục
Phóng viên (PV) đã tiến hành khảo sát ngẫu nhiên tại gói thầu số 01 “Mua sắm thiết bị dạy học, tối thiểu lớp 6 cấp cho các trường trên địa bàn các huyện Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa”, thuộc dự án “Mua sắm thiết bị dạy học, tối thiểu lớp 6 của Sở GD&ĐT”. Gói thầu được Sở GD&ĐT tỉnh Tuyên Quang ký Quyết định số 1529 /QĐ-SGDĐT phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu vào ngày 27/12/2021.
Quyết định số 1529/QĐ-SGDĐT phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cho gói thầu số 01: Mua sắm thiết bị dạy học, tối thiểu lớp 6 cấp cho các trường trên địa bàn huyện Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa |
Theo đó, gói thầu có giá 8.559.723.000 VNĐ, do Công ty Hoàng Cường mời thầu, được tổ chức đấu thầu rộng rãi, qua mạng nhưng chỉ có một mình Công ty Cổ phần Thiết bị Giáo dục và Đồ chơi Bình Dương tham gia và trúng thầu với giá 7.548.258.000 VND.
Mặc dù, giá trúng thầu đã thấp hơn khoảng 01 tỷ đồng so với giá dự toán, nhưng sau khi khảo sát giá thiết bị nhà thầu cung cấp với giá thị trường tại thời điểm đấu thầu, nhận thấy giá thiết bị có sự chênh lệch lớn, ước tính hàng tỷ đồng trên mỗi hạng mục.
Cụ thể, khảo sát giá của hạng mục số 03 trong tổng số 10 hạng mục mua sắm là Bộ thiết bị Ngoại ngữ. Hạng mục này bao gồm 02 loại thiết bị: Màn hình tương tác thông minh với tổng số lượng 49 chiếc và Bộ học liệu điện tử hỗ trợ giáo viên, tổng số lượng 13 bộ. Công ty Cổ phần Thiết bị Giáo dục và Đồ chơi Bình Dương được phê duyệt trúng thầu với tổng giá hạng mục này là 4.642.750.000 VNĐ.
Hạng mục số 03 trong tổng số 10 hạng mục trong Danh sách hàng hóa trúng thầu |
Tuy nhiên, đối chiếu 02 loại thiết bị trong hạng mục trên với giá thị trường cùng thời điểm, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, thông số kỹ thuật từ trang 04-10, mục 2, chương V, E-HSMT cũng như các điều kiện về bảo hành, bảo trì mà chủ đầu tư đưa ra sẽ có giá như sau: Màn hình tương tác thông minh được các đơn vị trên thị trường cung cấp với mức giá dưới 50 triệu đồng/chiếc, tính theo số lượng 49 chiếc phải mua sắm sẽ có tổng giá là 2,450 tỷ đồng cho loại thiết bị này.
Đối với thiết bị số 02 là Bộ học liệu điện tử hỗ trợ giáo viên, với những tiêu chuẩn: Chất liệu: Nhựa; Màu sắc: Trắng; Kết nối: USB 2.0; Kích thước: 73 x 20 x 7,5mm; Mỗi 01 USB chứa bộ cài và mã key kích hoạt sử dụng bộ học liệu; Bảo mật dữ liệu, chống sao chép và nhiều chức năng theo yêu cầu của HSMT,… Thiết bị này trên thị trường có giá khoảng 15 triệu đồng/bộ, tính theo tổng số lượng 13 bộ sẽ có giá khoảng 195 triệu đồng.
Thông số kỹ thuật của thiết bị Bộ học liệu điện tử hỗ trợ giáo viên được quy định tại trang 9-10, E-HSMT |
Có thể thấy, tính toán tổng giá thành của 02 thiết bị theo đơn giá thị trường, hạng mục Bộ thiết bị Ngoại ngữ sẽ có giá khoảng 2,654 tỷ đồng, ước tính chênh lệch với giá nhà thầu trúng thầu cung cấp là hơn 1,9 tỷ đồng trên một hạng mục mua sắm.
Ngoài ra, tại nhiều gói thầu khác do Sở GD&ĐT tỉnh Tuyên Quang làm chủ đầu tư và Công ty Hoàng Cường làm bên mời thầu cũng có hiện tượng chênh lệch giá tương đối lớn.
PV sẽ tiếp tục thông tin!
Nguồn: Nhiều bất thường trong mua sắm thiết bị giáo dục tại Sở GD&ĐT tỉnh Tuyên Quang