Nhiều dư địa phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã
Thúc đẩy kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển bền vững |
Đóng góp gần 4% GDP
Trong thời gian qua, kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) đã có nhiều bước phát triển và đạt được một số kết quả rất đáng khích lệ. Theo đó, đã có sự thống nhất chung trong chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển KTTT, HTX thể hiện qua các nghị quyết, kết luận, chiến lược, kế hoạch, văn bản chỉ đạo đồng bộ, thống nhất, từ đó nhận thức chung trong xã hội về phát triển KTTT, HTX đã được nâng lên.
Thể chế, cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho KTTT, HTX phát triển được rà soát, sửa đổi, bổ sung phù hợp với từng thời kỳ, với nhu cầu hỗ trợ, trình độ phát triển của HTX và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước. Trong đó, có các chính sách hỗ trợ riêng và nội dung lồng ghép vào các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hỗ trợ phát triển của các ngành, lĩnh vực, qua đó huy động nguồn lực và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Khu vực KTTT, HTX được hỗ trợ về nhiều mặt (đào tạo, bồi dưỡng cho người lao động; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; chuyển giao công nghệ; tiếp cận vốn; đầu tư kết cấu hạ tầng...). Giai đoạn 2013-2022, có khoảng 2.600 HTX nông nghiệp được hỗ trợ về phát triển kết cấu hạ tầng với kinh phí là hơn 2.800 tỷ đồng. Trong năm 2023, có 11 tỉnh, thành phố triển khai hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho HTX nông nghiệp từ nhiều nguồn khác nhau với tổng kinh phí 250,1 tỷ đồng. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT đang thực hiện 01 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng cho các HTX với tổng mức đầu tư 440 tỷ đồng.
Khu vực KTTT đã khắc phục được một phần tình trạng yếu kém kéo dài, từng bước đổi mới gắn với cơ chế thị trường, bước đầu khẳng định là nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị ở cơ sở và sự phát triển kinh tế của thành viên. Các HTX đã cơ bản chuyển đổi mô hình từ HTX kiểu cũ kém hiệu quả sang mô hình HTX kiểu mới, tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Tính liên kết giữa các thành viên trong tổ chức KTTT, HTX được tăng cường, cùng nhau hợp sức, góp vốn, chia sẻ nguồn lực, lợi ích, kinh nghiệm, tạo mối liên kết giữa các thành viên theo hướng cộng đồng, tương trợ để cùng phát triển. Đồng thời, hợp tác giữa thành phần KTTT với các thành phần kinh tế khác được mở rộng.
Khu vực KTTT, HTX vừa đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế, vừa đóng góp gián tiếp thông qua tác động tới kinh tế hộ thành viên. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khu vực KTTT, HTX đóng góp gần 4% GDP. Ngoài ra, khu vực KTTT, HTX còn đem lại giá trị gia tăng cho kinh tế hộ thành viên, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế cá thể, hộ gia đình - hiện đang chiếm 30% GDP cả nước.
(Ảnh minh họa) |
Các sản phẩm của các HTX ngày càng đa dạng, phong phú, trong đó nhiều sản phẩm có giá trị cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thị trường. Trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, cả nước có trên 5.300 chủ thể, trong đó có 38,1% là từ các HTX. Khu vực KTTT, HTX góp phần tích cực trong việc tạo việc làm, sinh kế, cải thiện thu nhập cho người dân, qua đó xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.
Phát triển chưa tương xứng
Phát biểu trong Diễn đàn Kinh tế hợp tác, Hợp tác xã năm 2024 vừa tổ chức mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, những kết quả đạt được vẫn khiêm tốn, chưa tương xứng so với không gian, dư địa phát triển, chủ trương, đường lối của Đảng và khung khổ pháp luật.
Về tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, khu vực KTTT, HTX phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, yêu cầu, đòi hỏi. Tốc độ phát triển của khu vực này chỉ bằng một nửa tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tỉ trọng của khu vực kinh tế KTTT, HTX trong GDP của đất nước đang có xu hướng giảm qua các năm (đóng góp vào GDP của khu vực KTTT, HTX từ năm 2001-2020 từ 8,06% xuống còn 3,62%) Năng lực sản xuất kinh doanh còn yếu, manh mún. Chưa có nhiều HTX thật sự hiệu quả, có khả năng lan tỏa. Trình độ cán bộ quản lý HTX chưa cao. Đến năm 2023, số cán bộ quản lý HTX đạt trình độ sơ, trung cấp mới chiếm gần 36%, trình độ cao đẳng, đại học chỉ chiếm 23%.
Chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho KTTT tuy nhiều nhưng dàn trải, phân tán, chủ yếu là lồng ghép, thiếu tập trung, chưa thống nhất, thiếu nguồn lực, thậm chí không khả thi. Chưa được bố trí nguồn riêng từ ngân sách nhà nước mà lồng ghép vào nhiều chương trình nên nguồn lực hạn hẹp. Các chính sách về đất đai, tín dụng, hỗ trợ xây dựng hạ tầng… ít được thực hiện; tiếp cận tín dụng còn khó khăn.
Chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường ở mức rất thấp. Trong giai đoạn từ năm 2013-2021, chỉ có 2.600 HTX nông nghiệp được hỗ trợ về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ với số tiền khoảng 255 tỷ đồng.
Do đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu quán triệt, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 20-NQ/TW để "Phát triển KTTT cả về số lượng và chất lượng...; có chính sách ưu tiên cho các tổ chức KTTT trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phát triển các tổ chức KTTT gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức". Phát triển KTTT, HTX là yêu cầu thực tiễn khách quan của sự phát triển, không thể không làm, không thể đứng ngoài cuộc; do đó, chúng ta phải đổi mới tư duy, bắt đầu từ nhận thức; có tầm nhìn xa, tổng thể; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, huy động mọi nguồn lực, tạo động lực theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vươn lên với các khu vực, thành phần kinh tế khác.
Phát triển KTTT, HTX trong giai đoạn mới là một quá trình diễn ra không ngừng nghỉ, không có điểm dừng, đòi hỏi tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, tránh tư tưởng hình thức, nói không đi đôi với làm; làm phải có trọng tâm, trọng điểm, dễ làm trước, khó làm sau, đi từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp để đem lại những kết quả thiết thực. Chuyển đổi mô hình KTTT, HTX một cách linh hoạt, phù hợp đạt hiệu quả cao, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực đòi hỏi sự tham gia, chung sức của cả hệ thống chính trị, các HTX và người dân.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; đối với những vấn đề "đã chín, đã rõ", được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện, tiếp tục phát huy; những vấn đề chưa rõ, còn ý kiến khác nhau, chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn đổi mới, làm thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội. Cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược để thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển, trong đó có KTTT, HTX. Thủ tướng cho rằng, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của KTTT, HTX là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là nhiệm vụ chính trị và thường xuyên của các cấp, các ngành, các địa phương…/.
Nguồn:Nhiều dư địa phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã