Nhiều thách thức trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt
Tại Hội thảo Trao đổi về công tác triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại các địa phương khu vực miền Bắc và miền Trung, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên Môi trường) cho biết: Trong những năm qua, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước, Đảng, Quốc hội và Chính phủ luôn quan tâm chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo tiền đề để tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ môi trường thời gian tới.
Tuy nhiên, do sự phát triển kinh tế - xã hội, quá trình đô thị hóa và sự gia tăng dân số diễn ra ngày càng mạnh mẽ đã tạo ra áp lực lớn tới môi trường, trong đó có những vấn đề, thách thức không nhỏ trong quản lý CTRSH khi lượng CTRSH phát sinh ngày càng nhiều. Trong khi đó, việc kiểm soát, quản lý CTRSH còn nhiều hạn chế, dẫn đến nguy cơ gây ra tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống và sức khỏe của người dân.
Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã có những quy định mới mang tính đột phá, thay đổi cách thức quản lý, ứng xử với chất thải nói chung và CTRSH nói riêng. Một trong những điểm mới đó là quy định nguyên tắc phân loại CTRSH làm 3 loại: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; Chất thải rắn sinh hoạt khác. Quy định về việc thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển xử lý CTRSH thông qua khối lượng hoặc thể tích và các quy định khác nhằm hướng đến tăng cường tối đa việc tái chế và giảm tối đa CTRSH phải xử lý và phát thải ra môi trường. Để bảo đảm tính khả thi của cơ chế này, Luật đã quy định UBND cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể chất CTRSH với thời hạn áp dụng chậm nhất là ngày 31.12.2024.
Ngoài ra, để hướng dẫn, hỗ trợ triển khai hiệu quả công tác quản lý CTRSH, đặc biệt là công tác thu gom, vận chuyển, xử lý sau khi phân loại CTRSH tại địa phương theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 02/2022/TT- BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, trong đó đã quy định cụ thể về yêu cầu kỹ thuật đối với phương tiện vận chuyển, điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt, công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Bộ TN&MT đã ban hành hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt từ đó đến nay Bộ cũng đã có nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc các địa phương tập trung triển khai chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc phân loại CTRSH; đồng thời, tăng cường mạnh mẽ công tác truyền thông, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội như Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam để lan tỏa mạnh mẽ chính sách về phân loại CTRSH đến cộng đồng.
Bộ TN&MT đã gửi đến các Bộ, cơ quan ngang Bộ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội bộ thông tin, tuyên truyền nhằm hỗ trợ các cơ quan trung ương và địa phương triển khai công tác truyền thông, phổ biến, tuyên truyền về phân loại CTRSH tới từng hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng.
Bộ TN&MT cho biết, công tác quản lý CTRSH tại các địa phương trên cả nước vẫn còn nhiều hạn chế. |
Số liệu thống kê của Bộ TN&MT cho thấy, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tiếp tục gia tăng trên phạm vi cả nước. Cụ thể, năm 2019 tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh là 64.658 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị là 35.624 tấn/ngày, khu vực nông thôn là 28.394 tấn/ngày.
Hiện nay, tổng lượng chất thải rắn phát sinh là hơn 67.877 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị là 38.143 tấn/ngày, khu vực nông thôn là hơn 29.734 tấn/ngày. Đối với công tác thu gom vận chuyển, năm 2023 tại đô thị là 96,60%, nông thôn là 77,69%. Về cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt là 1.548 cơ sở, trong đó cơ sở đốt chất thải rắn sinh hoạt là 340 cơ sở; cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành mùn, phân hữu cơ là 30 cơ sở; cơ sở chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt là 1.178 cơ sở, trong đó có nhiều cơ sở không hợp vệ sinh.
Theo Bộ TN&MT, công tác quản lý CTRSH còn nhiều thách thức trong quản lý. Cụ thể, trong phân loại hiện vẫn chưa triển khai phân loại tại nguồn đồng bộ tại các địa phương. Trong thu gom vận chuyển, chưa cung cấp đủ dịch vụ thu gom CTRSH tại nhiều khu vực nông thôn, miền núi; thiếu thiết bị thu gom vận chuyển đáp ứng yêu cầu; thiếu địa điểm tập kết, trung chuyển đáp ứng quy định dẫn đến tồn đọng CTRSH kéo dài gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc cho người dân. Ngoài ra, công nghệ chôn lấp vẫn là chủ yếu (64%); 75% cơ sở xử lý CTRSH được nhà nước hỗ trợ vận hành…
Theo Bộ TN&MT, để triển khai quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương, Bộ TN&MT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố nghiên cứu, áp dụng Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt để xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn bảo đảm phù hợp các quy định tại Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn liên quan.
Trong đó cần lưu ý một số nội dung như: việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt nhằm thúc đẩy tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải, sản phẩm thải bỏ, tận dụng tối đa giá trị, kéo dài vòng đời của sản phẩm, vật liệu; việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt cần phù hợp hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, công nghệ xử lý chất thải hiện có; điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội, phù hợp nội dung quản lý chất thải trong các quy hoạch cấp tỉnh, quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia; nguồn lực tài chính của địa phương.
Mặt khác, UBND các tỉnh, thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân; triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt chậm nhất là ngày 31/12/2024 theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Nguồn: Nhiều thách thức trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt