Nhiều tiềm năng để khai thác “carbon Xanh" từ rừng ngập mặn
Việt Nam đã phục hồi hơn 4 nghìn ha rừng ngập mặn Gần 30ha trong dự án trồng rừng ngập mặn tại Cà Mau bị chết |
Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo quốc tế “Phát huy giá trị đa dụng của rừng ngập mặn cho mục tiêu giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP), phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức ngày 21/11.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị phát biểu tại hội thảo. |
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc tăng cường chính sách quản lý rừng. Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cũng nêu bật vai trò quan trọng của việc nâng cao hiệu quả và giá trị kinh tế của rừng ngập mặn ven biển ở Việt Nam, kêu gọi các tỉnh ven biển tăng cường nỗ lực bảo vệ và trồng rừng ngập mặn.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị chia sẻ, sau hội thảo, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chuyên môn hoàn thiện cơ chế chính sách lâm nghiệp trình Chính phủ phê duyệt và xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật, đông thời kêu gọi các tỉnh ven biển tăng cường nỗ lực bảo vệ rừng và trồng rừng ven biển.
Rừng ngập mặn là tài sản quý, tiềm năng để khai thác “carbon Xanh". |
Tại hội thảo, bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh: "Việc mất rừng ngập mặn nhanh chóng đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với khả năng phục hồi, đa dạng sinh học ven biển và sinh kế của hàng triệu người sống phụ thuộc vào các hệ sinh thái này. Việc khôi phục rừng ngập mặn không chỉ đơn thuần là một mệnh lệnh về môi trường mà còn là nghĩa vụ đạo đức đối với các thế hệ tương lai".
Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo. |
Bà Ramla Khalidi đánh giá cao sự lãnh đạo của Việt Nam trong công tác bảo tồn rừng ngập mặn. Bà Ramla Khalidi cũng nêu bật về các dự án hợp tác triển khai cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn gồm cả hoạt động trồng và phục hồi hơn 4.000 ha rừng ngập mặn và một dự án sắp tới do Canada tài trợ để bảo vệ và tạo thêm 1.000 ha rừng ngập mặn nữa.
Bà Ramla Khalidi cũng đề cập đến hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Chương trình toàn cầu Lời hứa khí hậu của UNDP do Chính phủ Anh hỗ trợ. Chương trình này tiến hành đánh giá trữ lượng carbon ở 28 tỉnh ven biển Việt Nam và xác định các lộ trình tài chính bền vững cũng như tiềm năng của thị trường carbon tại Việt Nam.
Các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo |
Tại hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ bài học kinh nghiệm, phân tích thị trường carbon, thuế carbon và Hệ thống thương mại phát thải (ETS), cũng như vai trò tiềm năng của chúng trong quản lý rừng bền vững, qua đó nhấn mạnh tầm quan trọng của tín chỉ carbon trong chiến lược môi trường toàn cầu.
Ông Alex White - Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn, Vương quốc Anh chia sẻ: "Vương quốc Anh nhận thấy tầm quan trọng của rừng ngập mặn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, và phát triển bền vững, cũng như trong việc tăng cường khả năng chống chịu khí hậu và tăng trưởng xanh. Sự hợp tác của chúng tôi với UNDP về rừng, sử dụng đất, và thiên nhiên tập trung vào việc tìm hiểu lợi ích của các hệ sinh thái rừng quan trọng này.
Ông Vũ Tấn Phương - Văn phòng Chứng chỉ Quản lý Rừng Bền vững (VFCO) đã trình bày về vai trò quan trọng của ngành lâm nghiệp Việt Nam trong việc lưu giữ và giảm phát thải carbon, chiến lược phát triển lâm nghiệp, và các biện pháp giảm nhẹ khí nhà kính phù hợp với đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cho các mục tiêu khí hậu. Ông Vũ Tấn Phương cũng chia sẻ về kế hoạch phát triển thị trường carbon, trong đó tập trung xây dựng khung pháp lý và cơ sở hạ tầng cho giao dịch carbon, nhằm thu hút khu vực tư nhân phát triển kinh tế phát thải ít carbon, và nâng cao khả năng cạnh tranh kinh doanh.
Bà Maitreyee Mukherjee, chuyên gia từ Singapore đã phân tích thị trường carbon, thuế carbon và Hệ thống thương mại phát thải (ETS) cũng như vai trò tiềm năng của chúng trong quản lý rừng bền vững, qua đó nhấn mạnh tầm quan trọng của tín chỉ carbon trong chiến lược môi trường toàn cầu. Singapore là quốc gia ASEAN đầu tiên triển khai thuế carbon lũy tiến vào năm 2019, bao quát 80% lượng phát thải carbon toàn quốc và đưa ra tín hiệu về giá cho toàn nền kinh tế.
Cũng tại hội thảo, ông Triệu Văn Lực - Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT đã trình bày báo cáo về Đề án “Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030” của Việt Nam. Theo ông những tiến bộ trong chính sách và hướng dẫn kỹ thuật để quản lý rừng bền vững, những thành tựu trong bảo vệ và trồng rừng, cũng như những thách thức phải đối mặt, gồm cả vấn đề sử dụng đất và khó khăn trong công tác trồng rừng ngập mặn.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nhất trí về việc cần có hành động toàn cầu và địa phương để bảo vệ rừng ngập mặn. Nhận thức được vai trò không thể thiếu của rừng ngập mặn trong bảo tồn đa dạng sinh học, giảm nhẹ biến đổi khí hậu và hỗ trợ kinh tế địa phương, các đại biểu kêu gọi tăng cường hợp tác liên ngành, tài chính bền vững, và lồng ghép bảo tồn rừng ngập mặn vào các chính sách khí hậu của quốc gia và quốc tế.
Nguồn:Nhiều tiềm năng để khai thác “carbon Xanh" từ rừng ngập mặn