Gần 30ha trong dự án trồng rừng ngập mặn tại Cà Mau bị chết
Cà Mau làm gì để khắc phục tình trạng hàng chục ha đất bị ô nhiễm? Cà Mau: Xin hỗ trợ khẩn cấp 222 tỷ đồng khắc phục gần 3km bờ sông bị sạt lở |
UBND tỉnh Cà Mau vừa có tờ trình gửi HĐND tỉnh này về việc ban hành nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án trồng rừng phòng hộ ven sông, gây bồi tạo bãi trồng rừng cửa sông, ven biển (dự án).
Theo UBND tỉnh Cà Mau, dự án được Thường trực HĐND tỉnh Cà Mau phê duyệt chủ trương đầu tư với quy mô: xây dựng 15km tường mềm giảm sóng và gây bồi; phục hồi, quản lý 390ha rừng ngập mặn tại các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển và Phú Tân.
Từ khi triển khai thực hiện đến nay, dự án đã được HĐND tỉnh điều chỉnh chủ trương đầu tư 2 lần. Gần đây nhất, Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư với quy mô: xây dựng kè bê tông ly tâm 2,1 km; xây dựng 16,6 km tường mềm giảm sóng và gây bồi; trồng mới 315,5ha rừng ngập mặn tại các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển và Phú Tân.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 179 tỷ đồng; trong đó ngân sách T.Ư hỗ trợ hơn 160 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương. Thời gian thực hiện từ năm 2018 - 2024 (năm 2024 - 2027 tiếp tục triển khai chăm sóc và bảo vệ rừng).
Ảnh minh họa |
Theo báo cáo của chủ đầu tư dự án, trong quá trình triển khai thực hiện dự án, gói thầu số 14 có nội dung thi công xây dựng tường mềm để giảm sóng và gây bồi, trồng rừng ngập mặn trên diện tích đất của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển (tổng diện tích 29,8ha rừng).
Dự án đã thi công hoàn thành các hạng mục của gói thầu. Riêng hạng mục trồng rừng được nghiệm thu hoàn thành vào ngày 17/9/2020 và đã chuyển qua giai đoạn chăm sóc, bảo vệ rừng 2 năm.
Ở giai đoạn chăm sóc, bảo vệ năm thứ 1 (năm 2021), cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt. Tuy nhiên, sang giai đoạn chăm sóc, bảo vệ năm thứ 2 (năm 2022), toàn bộ cây trồng trên diện tích nói trên bị chết. Mặc dù đơn vị thi công đã trồng dặm lại nhiều lần, nhưng toàn bộ diện tích rừng trồng không có khả năng sống thành rừng.
Theo báo cáo, nguyên nhân diện tích rừng trồng bị chết do đầu năm 2022 khu vực trên chịu ảnh hưởng của nhiều cơn bão và áp thấp, thời tiết cực đoan. Bên cạnh đó, khu vực rừng trồng gần bãi nghêu, có hàm lượng cát lớn, dễ bị xáo động theo sóng biển. Cát tràn vào khu vực trồng rừng vùi lấp gốc cây đang trong quá trình phát triển rễ thở. Tốc độ bồi lắng cát diễn ra nhanh hơn sự phát triển của cây trồng nên toàn bộ rễ thở bị vùi lấp, làm cho cây héo úa dẫn đến bị chết.
Từ những nguyên nhân nêu trên, ngành chức năng tỉnh Cà Mau đề xuất điều chuyển vị trí trồng 29,8ha rừng thuộc gói thầu số 14 sang vị trí trồng rừng phòng hộ ven biển thuộc lâm phần các đơn vị: Ban Quản lý rừng phòng hộ Đất Mũi; Ban Quản lý rừng phòng hộ biển Tây; Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ biển Tây. Đây là những nơi có điều kiện lập địa thuận lợi để cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Phần chi phí phát sinh liên quan đến việc trồng lại 29,8ha rừng, phía nhà thầu tư vấn khảo sát, thiết kế, đơn vị thi công và tư vấn giám sát cam kết tự bỏ nguồn kinh phí để thực hiện.
Nguồn:Gần 30ha trong dự án trồng rừng ngập mặn tại Cà Mau bị chết