Những đổi thay trong quản lý môi trường
Hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường |
Hoàn thiện chính sách, pháp luật
Để BVMT, cải cách thể chế tiệm cận hài hòa với chính sách, pháp luật BVMT trên thế giới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thời gian qua, ngành TN&MT đã rà soát, đánh giá thực tiễn, xác định đúng vấn đề cần sửa đổi, bổ sung của chính sách, pháp luật trong lĩnh vực BVMT, trên cơ sở đó, trình Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền các quy định pháp luật nhằm thiết lập hành lang pháp lý cho công tác BVMT, kiến tạo cho phát triển.
Chỉ tính trong giai đoạn 2016 - 2022, Bộ TN&MT đã tham mưu cho Chính phủ ban hành 23 Nghị định; Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 45 Chiến lược, Kế hoạch, Đề án, Chỉ thị, Chương trình hành động về BVMT, trong đó, phải kể đến Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về môi trường; Nghị định số 40/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường. Nghị định 40 được đánh giá đặt nền móng cho việc kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm, bởi đây là lần đầu tiên xác định các nhóm, loại hình sản xuất kinh doanh dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao để có biện pháp kiểm soát chặt chẽ.
Bảo vệ môi trường luôn được Chính phủ đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định |
Đánh dấu bước phát triển đột phá của hệ thống pháp luật về BVMT là sự ra đời của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Luật Bảo vệ môi trường 2020 tăng 9 nội dung so với Luật Bảo vệ môi trường 2014. Trong đó có các nội dung mới như: Đánh giá sơ bộ tác động môi trường; đăng ký môi trường; chất ô nhiễm khó phân hủy; vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải; cộng đồng dân cư; hạn ngạch phát thải khí nhà kính… Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã bổ sung “cộng đồng dân cư" vào phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng nhằm khẳng định vị trí, vai trò của nhóm đối tượng quan trọng này trong công tác BVMT, cũng như thực hiện một trong những mục tiêu xuyên suốt của Luật là bảo vệ sức khỏe người dân, đảm bảo người dân được sống trong môi trường trong lành. Ngoài ra, Luật cũng quy định về: Nguyên tắc BVMT; Chính sách Nhà nước về BVMT; Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động BVMT…
Kể từ khi Luật được thông qua, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung rà soát, xây dựng, trình ban hành, ban hành các văn bản theo thẩm quyền; chuẩn bị các điều kiện bảo đảm triển khai Luật hiệu quả. Đến nay, đã có 3 Nghị định của Chính phủ, 2 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 7 Thông tư được ban hành; 10 tỉnh, thành phố đã ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định về phí thẩm định cấp, cấp lại, điều chỉnh Giấy phép môi trường; 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành 21 văn bản quy định về quản lý chất thải rắn bao gồm các quy định về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế; tuyến đường, thời gian vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại, giá dịch vụ thu gom, xử lý chất thải rắn y tế, quản lý chất thải rắn sinh hoạt, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn xây dựng; một số tỉnh, thành phố đã ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).
Bên cạnh đó, các địa phương như Ninh Bình, Quảng Ninh, Hưng Yên… cũng đã xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch về BVMT 5 năm và hằng năm, các quy định về BVMT trên địa bàn tỉnh, thành phố; quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh, thành phố. Một số địa phương cũng đã ban hành quy chuẩn địa phương như Ninh Bình, Quảng Ninh, Hưng Yên,...
Cùng với đó, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường cũng được rà soát, sửa đổi và ban hành theo hướng hội nhập, đáp ứng yêu cầu BVMT trong tình hình mới. Hiện có 13 QCVN, 59 TCVN về môi trường được xây dựng và ban hành, Bộ TN&MT cũng đang tiếp tục xem xét ban hành 14 QCVN trong lĩnh vực BVMT để cụ thể hóa ngay quan điểm của Luật Bảo vệ môi trường 2020 là bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường của Việt Nam tương đồng với các nước phát triển và người dân Việt Nam phải được hưởng chất lượng môi trường ngang bằng với các nước tiên tiến trên thế giới.
Theo báo cáo của Bộ TN&MT, trong vòng 6 năm qua, Bộ TN&MT đã thẩm định, phê duyệt 82 báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC); 2.547 báo cáo ĐTM; 57 phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản; 47 đề án BVMT chi tiết. Bên cạnh đó, tính riêng trong 3 năm 2019 - 2021, các bộ, ngành đã phê duyệt 173 báo cáo và các địa phương phê duyệt 10.229 báo cáo ĐTM.
Thông qua công tác ĐMC, ĐTM, các chiến lược, quy hoạch phát triển đã điều chỉnh các định hướng phát triển, bố trí không gian phát triển và đầu tư phù hợp hơn về môi trường, bổ sung các biện pháp giảm thiểu tác động có hại đến môi trường; đặc biệt, đã kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, dừng triển khai đối với một số dự án lớn, có nguy cơ tiềm ẩn đối với môi trường. |
Kết hợp trong giám sát môi trường
Song song với hoàn thiện, văn bản pháp luật, quá trình đẩy mạnh kiểm soát, giám sát, giải quyết các cơ sở gây ô nhiễm môi trường đã hình thành mô hình giám sát có sự phối hợp “4 bên” (Tổng cục Môi trường, Sở TN&MT, các tổ giám sát cộng đồng tại địa phương và các dự án/cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao). Sự phối hợp nhịp nhàng, thống nhất giữa Trung ương, địa phương đã giúp các cơ quan chức năng quản lý tốt các cơ sở có nguồn thải lớn, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Nhiều dự án lớn, trong đó có FHS, Công ty Lee&Man tại Hậu Giang, Alumin Nhân Cơ, Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa; Công ty Cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn; Công ty Cổ phần thép Hòa Phát - Dung Quất, một số nhà máy nhiệt điện... đã được kiểm soát chặt chẽ về BVMT để đi vào vận hành chính thức, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của đất nước, cụ thể: sau khi vận hành cả 2 lò cao, FHS đã đóng góp 1.256 triệu USD tiền thuế vào ngân sách Nhà nước.
Tại các địa phương, hầu hết các Sở TN&MT đã ký kết các Chương trình phối hợp, Nghị quyết liên tịch với các cấp Hội địa phương. Qua đó, sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể, cộng đồng dân cư vào các hoạt động BVMT ở Trung ương cũng như ở địa phương đã ngày càng phát triển và đi vào thực chất, có định hướng rõ hơn về nội dung, phong phú hơn về hình thức. Nhiều hoạt động truyền thông, giáo dục môi trường của các tổ chức chính trị - xã hội không còn dừng lại ở mức nâng cao nhận thức mà đã tập trung vào tuyên truyền các phương pháp, kỹ năng thực hiện hành động BVMT, thực hiện các mô hình truyền thông lồng ghép trong các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều địa phương đã xây dựng được các mô hình, phong trào BVMT hiệu quả như: các mô hình thu gom rác thải, mô hình BVMT trong xây dựng nông thôn mới; mô hình kết hợp xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật tại cơ sở xử lý chất thải nguy hại; mô hình xử lý chất thải làng nghề; nhiều làng nghề áp dụng công nghệ, công đoạn sản xuất tiên tiến nhằm hạn chế phát thải chất thải ra môi trường.
Tập trung tuyên truyền các phương pháp, kỹ năng thực hiện hành động BVMT |
Một số bộ, ngành, địa phương như Bộ Công Thương; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Xây dựng; Bộ Quốc phòng; TP. Hà Nội; các tỉnh: Hậu Giang, Bình Dương, Nghệ An, Hưng Yên… cũng đã chủ động rà soát các dự án lớn, nhà máy thuộc phạm vi quản lý để yêu cầu chấn chỉnh phù hợp các biện pháp BVMT. Đồng thời, định kỳ hằng năm tổ chức họp Ban Chỉ đạo liên ngành thực hiện kế hoạch xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tính đến nay, đã có 372/435 cơ sở có tên tại Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 1/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ cơ bản đã hoàn thành xử lý triệt để, không còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chiếm tỷ lệ 85,52% (tăng 48,42% so với cuối năm 2015); 37/50 địa phương hoàn thành trên 70% việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg.
Với những nỗ lực đó, công tác BVMT đã chuyển từ thế bị động sang chủ động phòng ngừa, ứng phó giải quyết các vấn đề môi trường phát sinh.
Nhiều thủ tục hành chính không thực sự cần thiết trong quản lý môi trường đã được cắt giảm. Nghị định số 40/2019/NĐ-CP37 đã bãi bỏ 26 thủ tục hành chính về môi trường; Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP tiếp tục cắt giảm 18 thủ tục hành chính về môi trường so với Luật Bảo vệ môi trường 2014 (tương đương giảm 34%, vượt mục tiêu mà Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ đề ra trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025 là cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20%). |
Nguồn:Những đổi thay trong quản lý môi trường