Nợ toàn cầu cao kỷ lục, lên mức 92.000 tỷ USD
Theo báo cáo được Liên hợp quốc công bố ngày 12/7, nợ công toàn cầu đã tăng lên mức cao kỷ lục 92.000 tỷ USD vào năm 2022 khi các chính phủ phải vay tiền nhiều hơn để ứng phó với các cuộc khủng hoảng như đại dịch COVID-19, gánh nặng đặc biệt cao với các nước đang phát triển.
Reuters đưa tin, kể từ năm 2000, nợ công thế giới đã tăng hơn 5 lần, vượt xa Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, vốn đã tăng gấp 3 lần trong cùng kỳ. Gần 30% tổng nợ toàn cầu là của các nước đang phát triển. Trong đó, 70% là các khoản nợ của Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil. 59 quốc gia đang phát triển có thể chứng kiến tỷ lệ nợ công/GDP trên 60% - ngưỡng thể hiện mức nợ công cao.
Khoảng 3,3 tỷ người, tương đương gần một nửa dân số thế giới, sống ở các quốc gia đang chi nhiều hơn cho các khoản thanh toán lãi suất nợ hơn là cho giáo dục hoặc y tế. Tại châu Phi, khoản thanh toán lãi suất cao hơn chi phí cho giáo dục hoặc y tế.
Ảnh minh họa. |
Tổng thư ký Antonio Guterres giải thích: “Mức nợ không bền vững đó là kết quả của “sự bất bình đẳng được xây dựng trong hệ thống tài chính toàn cầu lỗi thời của chúng ta”. Trung bình, chi phí đi vay ở các nước châu Phi cao gấp 4 lần so với Mỹ và cao gấp 8 lần so với các nền kinh tế giàu có nhất châu Âu.
Theo ông Guterres, tình huống này là một sự thất bại mang tính hệ thống gây rủi ro cho hệ thống tài chính toàn cầu.
Nhóm Ứng phó Khủng hoảng Toàn cầu cũng đề xuất một số biện pháp để giải quyết tình hình, trong đó có cơ chế xử lý nợ hỗ trợ việc đình chỉ thanh toán, thời hạn cho vay dài hơn và lãi suất thấp hơn.
Báo cáo cho rằng các nước đang đứng trước lựa chọn khó khăn giữa trả nợ công hoặc phục vụ người dân. Liên hợp quốc kêu gọi các chủ nợ quốc tế nới rộng các điều kiện tài chính, với các biện pháp như tăng tiếp cận tài chính cho các nước đang chịu áp lực nợ công.
Báo cáo được công bố trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và các thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) trong các ngày 14 đến 18/7. Theo Reuters, chương trình nghị sự của hội nghị trên sẽ bàn đến việc đối xử với các quốc gia theo cái gọi là Khuôn khổ chung - một sáng kiến của G20 được đưa ra vào năm 2020 nhằm giúp các quốc gia nghèo trì hoãn việc trả nợ.
Nguồn:Nợ toàn cầu cao kỷ lục, lên mức 92.000 tỷ USD