Ô nhiễm bụi mịn khiến châu Á có số ca tử vong sớm cao nhất trên toàn thế giới
Theo một nghiên cứu gần đây do các nhà nghiên cứu của Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) thực hiện, lượng vật chất hạt mịn (PM2.5) ngày càng tăng trong không khí có liên quan đến khoảng 135 triệu ca tử vong sớm trên toàn thế giới.
Nghiên cứu cho thấy, số ca tử vong đã tăng 14% (khoảng thêm 7.000 ca mỗi năm) do các hiện tượng khí hậu như El Nino, lưỡng cực Ấn Độ Dương và dao động Bắc Đại Tây Dương.
Chính những hiện tượng thời tiết cực đoan này đã khiến nồng độ của các chất ô nhiễm trong không khí tăng lên, dẫn đến tác động nghiêm trọng hơn.
Ô nhiễm bụi mịn khiến châu Á có số ca tử vong sớm cao nhất trên toàn thế giới |
Bụi mịn PM2.5 đến từ khói, cháy từ các nhà máy điện, cháy rừng... được cho là tác nhân chính liên quan đến những ca tử vong sớm.
Bên cạnh đó, bụi mịn PM2.5 có hại cho sức khỏe khi con người hít phải do chúng có kích thước rất nhỏ và có thể xâm nhập vào trong máu, gây khó thở, bệnh tim và phổi cùng nhiều vấn đề khác.
Trong đó, châu Á có số ca tử vong sớm cao nhất do ô nhiễm bụi mịn, với hơn 98 triệu người, chủ yếu ở Trung Quốc (49 triệu ca) và Ấn Độ (26,1 triệu ca). Các nước Pakistan, Bangladesh, Indonesia và Nhật Bản cũng có nhiều ca tử vong sớm, khoảng 2 - 5 triệu người.
Nghiên cứu của Đại học Công nghệ Nanyang cũng cho thấy, 1/3 số ca tử vong sớm có liên quan đến đột quỵ, 1/3 là do bệnh tim, còn lại là do bệnh phổi và ung thư.
Phó Giáo sư Steve Yim - người đứng đầu nghiên cứu cho biết: "Phát hiện của chúng tôi cho thấy những thay đổi về khí hậu có thể làm tình trạng ô nhiễm không khí trở nên tồi tệ hơn. Đông Nam Á là khu vực duy nhất bị ảnh hưởng bởi cả ba hiện tượng khí hậu El Nino, lưỡng cực Ấn Độ Dương, dao động Bắc Đại Tây Dương và trở thành khu vực dễ bị 'tổn thương' nhất khi cả ba kiểu thời tiết này cùng xuất hiện một lúc".
Theo kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Môi trường Quốc tế vào tháng 4, nhiệt độ cao hơn, thay đổi kiểu gió, lượng mưa giảm có thể dẫn đến tình trạng không khí tù đọng và tích tụ các chất ô nhiễm trong khí quyển. Điều này dẫn đến nồng độ hạt PM2.5 cao hơn, đặc biệt có hại cho sức khỏe con người.
Do đó, các chuyên gia cũng nhấn mạnh sự cần thiết trong việc hiểu biết về các hiện tượng khí hậu khi giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí để bảo vệ sức khỏe con người trên toàn cầu.
Ngoài ra, để ngăn chặn những tác động ngắn hạn do ô nhiễm không khí như số lượng bệnh nhân khó thở và các vấn đề về hô hấp tăng đột biến, cơ quan chức năng nên có cảnh báo sớm để người dân trang bị khẩu trang N95 và hạn chế hoạt động ngoài trời khi có sương mù.
Về giải pháp dài hạn, những thay đổi trong quy hoạch đô thị và giao thông cũng như việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng không gây ô nhiễm phải được tăng cường để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm không khí do con người tạo ra.
Cùng với nghiên cứu nói trên, các nhà nghiên cứu đang theo dõi chất lượng không khí của Singapore trong những thập kỷ qua để hiểu rõ hơn về tình trạng ô nhiễm không khí tại quốc gia này.
Nguồn: Ô nhiễm bụi mịn khiến châu Á có số ca tử vong sớm cao nhất trên toàn thế giới