Ông chủ 5 thương hiệu đình đám Trần Lâm: Chỉ cách kiếm tiền triệu đô qua cuốn sách "Cất cánh trên sàn thương mại điện tử"
Trần Lâm - CEO Julyhouse và chủ sở hữu các thương hiệu Macaland, Loli&theWolf, HevieFood, BuB&MuM chuyên về chăm sóc nhà cửa, sắc đẹp. |
7 năm “lăn xả” thực chiến, anh Lâm đã tạo nhiều tiếng vang trong giới kinh doanh thương mại điện tử nhờ cái tính cách “lì lợm và tập trung tuyệt đối” theo đuổi ngành. Lâm khiến người ta phải ấn tượng bởi cường độ làm việc hăng say và quyết tâm không ngừng nghỉ, từ khâu nghiên cứu, làm việc với nhà máy, làm sản phẩm, bao bì, đến cả đóng gói, mang hàng đi gửi, giao hàng,... đều từng do một tay anh đảm trách.
Làm thuê, khởi nghiệp, lại làm thuê và… trở thành ông chủ lớn
Sau khi tốt nghiệp ngành cơ khí năm 2005, Trần Lâm đã có công việc ổn định tại một xưởng tinh dầu rộng lớn. Anh đã miệt mài “leo dốc” và ngày một tiến đến những vị trí cao hơn, nắm gần như toàn bộ quy trình vận hành, sản xuất và quản lý cả trăm nhân viên. Nhưng với Lâm, chỉ chôn chân ở một công việc như vậy là chưa đủ!
Năm 2016, có vốn liếng là 11 năm kinh nghiệm tích lũy cùng niềm tin phát triển mãnh liệt trên con đường riêng, sau 6 tháng ròng rã tự kinh doanh, kết quả Trần Lâm đạt được là… ngậm ngùi trở lại làm thuê. Thật không quá khi nói, Trần Lâm đã "no đòn" trong lần khởi nghiệp đầu tiên với sản phẩm tinh dầu xịt phòng. “Đi làm lại là một quyết định khó khăn, nhưng cần thiết. Với tâm thế học hỏi, tôi dẹp nỗi buồn sang một bên để bắt đầu một hành trình mới. Tôi đã gặt hái nhiều kiến thức bán hàng và phần nào nhìn được bài toán kinh doanh rộng lớn”, anh Lâm lạc quan chia sẻ lại.
Từ một ông giám đốc sản xuất có hơn cả thập kỷ kinh nghiệm, Lâm phải bắt đầu lại với công việc có mức lương chỉ ngót nghét 1/10 lúc trước, như một sinh viên mới tốt nghiệp. Chỉ còn hai bàn tay trắng, phải nuôi con nhỏ, và tiếp tục làm thuê ăn lương, anh vẫn một lòng kiên định tiếp tục theo đuổi giấc mơ khởi nghiệp. Lâm bộc bạch: "Cứ mỗi lần có khách, tôi lại cặm cụi đóng hàng, chạy ra in tạm một cái hóa đơn, vội vã dán vào hộp, rồi qua Ministop gửi hàng cho đơn vị vận chuyển. Cân bằng giữa đi làm, kinh doanh và chăm sóc gia đình ở thời điểm đó khá chật vật".
Khó khăn là vậy, nhưng tinh thần cầu tiến và niềm tin không lung lay vào chất lượng độc đáo của những đứa con tinh thần mà mình tự mò mẫm nghiên cứu, sản xuất, đã giúp Trần Lâm chạm gần hơn đến thành công. Chai nước tinh dầu xịt phòng thiên nhiên ngày đó trở thành tiền đề tạo nên danh tiếng của “ông cùi cùi”, đang thành công sở hữu hơn 150 mã hàng hoá, có số lượng bán ra dao động khoảng 1.000 đơn - hơn 5.000 đơn hàng/ngày (tính cả mùa cao điểm) đến từ các thương hiệu “phủ sóng” hiện nay: JulyHouse, Macaland, Loli & The Wolf, Heviefood và BuB&MuM.
Việc tìm hiểu bán hàng trên các kênh thương mại điện tử vào giai đoạn đầu 2017 - 2019 là bước ngoặt vô cùng quan trọng giúp anh phát triển kinh doanh và vững bước đến thời điểm này.
Ngoài kinh doanh, Trần Lâm còn là đại sứ thương hiệu của Lazada, cố vấn của nhiều tổ chức/ chương trình về khởi nghiệp, vận hạnh trên thương mại điện tử. |
Khi đam mê gắn liền hai tiếng “Việt Nam”
Kinh doanh mỹ phẩm, tinh dầu thiên nhiên có gì mà khao khát thế? Ở công ty cũ chẳng phải cũng làm vậy sao? Đấy là vài câu hỏi tôi đặt ra trong đầu trước khi nghe Trần Lâm bày tỏ tâm tư: Việt Nam chúng ta đang có những “mỏ vàng” chưa được khai thác hết. Đó là nguồn nguyên liệu thiên nhiên. Chỉ cần đưa được một phần nhỏ ra nước ngoài thì ngoại tệ sẽ ào ạt chảy về, Việt Nam sẽ vang danh khắp năm châu bốn bể.
Anh còn băn khoăn nhớ lại: "Tôi có dịp đi nhiều nước, tiếp xúc nhiều người và nhận thấy ở các nước phát triển, sản phẩm thiên nhiên, ứng dụng từ tinh dầu rất phổ biến. Trong khi nông sản Việt thừa sức sản xuất ra các mặt hàng đó, nhưng thường chỉ được bán thô. Suốt thời gian gắn bó với công xưởng cũ, tôi biết nơi đâu có nguồn nông sản chất lượng, tôi quen các nhà cung cấp và hiểu các xưởng sản xuất trong ngành, nắm rõ cả quy trình và công thức chế tạo sản phẩm. Nói chung, tôi am hiểu mọi thứ về tinh dầu, từ đó nuôi dưỡng trong mình khát khao muốn tạo ra các giải pháp đột phá. Thế nhưng, trái ngược với mong mỏi của tôi, công ty vẫn không có nhiều thay đổi.”
Mang theo nỗi ấm ức và lòng trăn trở sau mỗi chuyến công tác từ các nước trở về, Trần Lâm đã quyết tâm rời bỏ cái nơi sắp chôn vùi tuổi trẻ của mình trong sự ù lì; rời bỏ những người ngại cởi mở với các phương pháp mới, sợ thử nghiệm những ý tưởng độc đáo để bắt đầu hành trình tự sản xuất và kinh doanh tinh dầu của chính mình.
Đam mê cháy bỏng này cũng được Lâm truyền tải trong cuốn sách“Cất cánh trên thương mại điện tử” ra mắt đầu tháng 11/2023. Anh bộc bạch: “Tôi chọn “Cất cánh” làm tựa đề cho cuốn sách này để thể hiện mục tiêu trước mắt của chúng ta là thành công trên sàn thương mại điện tử. Cất cánh cũng thể hiện khát khao to lớn của tôi là đưa được sản phẩm nông sản Việt Nam qua bên kia bờ đại dương. Đây không phải ước mơ, mà là thực tế. Tôi và đồng đội đã rục rịch triển khai kế hoạch này”.
Tác giả Trần Lâm (bên phải) chia sẻ khát vọng “cất cánh” cùng các khách mời tham dự buổi ra mắt sách Cất cánh trên sàn thương mại điện tử tháng 11/2023. |
Bồi hồi nhớ lại lúc mới kinh doanh, Lâm vẫn cảm thấy tự hào về những ngày đầu, khi phải trực tiếp làm mọi thứ, trò chuyện với khách hàng, rồi đàm phán với đối tác. Rất áp lực, nhưng đó là những kỷ niệm và cảm xúc rất thật mà anh sẽ không thể tìm lại được!
Trần Lâm đã bắt đầu mô hình kinh doanh không chỉ với ý nghĩ kiếm tiền và làm giàu. Mà anh còn đang đại diện Việt Nam chèo lái cả một ước mơ vô cùng to lớn, không viển vông mà còn cực kỳ thực tế! Chúc anh và đồng đội chiến thắng, thành công cập bến những đại dương xanh.