Phát triển năng lượng hydrogen để phát thải ròng bằng “0”
Ngày 22/02/2024, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 07/2/2024.
Thực hiện các nhiệm vụ đề ra
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định phê duyệt Chiến lược.
Cụ thể, Bộ trưởng đề nghị chú trọng các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, bao gồm: cập nhật các chủ trương, định hướng đề ra trong Chiến lược để điều chỉnh, bổ sung, tích hợp vào các quy hoạch ngành Quốc gia và quy hoạch tỉnh; nghiên cứu, đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách có liên quan, nhất là chính sách khuyến khích sử dụng nhiên liệu hydrogen đối với phương tiện, thiết bị, hạ tầng giao thông xanh; nghiên cứu, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia trong lĩnh vực sản xuất, sử dụng, lưu trữ, vận chuyển hydrogen và lĩnh vực thu giữ/sử dụng các-bon phù hợp với các quy định, tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng các chương trình quốc gia về khoa học và công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng hydrogen và triển khai có hiệu quả các chương trình chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải nhà kính theo các chương trình hợp tác quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội nghị. |
Còn đối với các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp ngành năng lượng (EVN, PVN, TKV, Hóa chất, Xăng dầu,…) và các Hiệp hội ngành nghề... Bộ trưởng yêu cầu tập trung quán triệt, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Chiến lược; chủ động nghiên cứu, đề xuất và tích cực tham gia với các cơ quan có thẩm quyền trong việc xây dựng, ban hành các quy định, cơ chế chính sách khả thi để thúc đẩy phát triển năng lượng hydrogen; chủ động xây dựng, điều chỉnh các chiến lược, kế hoạch phát triển của doanh nghiệp, bảo đảm phù hợp với Chiến lược năng lượng hydrogen; tăng cường huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước để thực hiện các dự án đầu tư về năng lượng có nguồn gốc hydrogen.
Với chức năng của mình, các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương tập trung làm tốt công tác truyền thông phổ biến sâu rộng về vai trò, tầm quan trọng và các nội dung cốt lõi của Chiến lược; khẩn trương tham mưu xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các Kế hoạch cụ thể nhằm thực hiện các mục tiêu, giải pháp đề ra trong Chiến lược; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tập trung nghiên cứu, tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành các quy định, cơ chế chính sách liên quan, đồng thời theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các dự án năng lượng hydrogen; Định kỳ hàng tháng báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Chiến lược theo nhiệm vụ được phân công và kịp thời tham mưu với Lãnh đạo Bộ và cấp có thẩm quyền kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Phát triển năng lượng hydrogen sẽ thúc đẩy sử dụng nguồn năng lượng xanh, sạch, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát thải ròng bằng “0” của đất nước.
Cần thiết, tầm quan trọng của năng lượng hydrogen
Phát biểu tại hội nghị, đại diện Vụ Dầu khí và Than đã nêu tóm tắt các điểm chính của Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam theo Quyết định số 165/QĐ-TTg trong đó nêu bật quan điểm, mục tiêu sản xuất, sử dụng Hydrogen đến 2030, định hướng đến 2050 và các giải pháp cũng như nhiệm vụ của các Bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan để triển khai chiến lược.
Theo đại diện Vụ Dầu khí và Than, mục tiêu đặt ra trong Chiến lược năng lượng hdrogen là phát triển hệ sinh thái năng lượng hydrogen của Việt Nam dựa trên năng lượng tái tạo, bao gồm sản xuất, lưu trữ, vận chuyển, phân phối, sử dụng trong nước và xuất khẩu với hạ tầng đồng bộ, hiện đại để góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, thực hiện mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 theo lộ trình và cam kết của Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng bền vững, công bằng, công lý.
Để thực hiện được các mục tiêu đó, Chiến lược năng lượng hydogen đã đề xuất một loạt cơ chế, chính sách mới, gồm đa dạng hóa nguồn vốn, hình thức đầu tư, thu hút sự quan tâm đầu tư của các danh nghiệp ngoài nhà nước, sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế; tăng cường đầu tư về khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực; áp dụng các công cụ thị trường thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế carbon thấp, kinh tế tuần hoàn; ưu tiên đẩy mạnh hợp tác quốc tế và công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về lợi ích của nền kinh tế hydrogen và các chủ trương, chính sách của nhà nước trong lĩnh vực năng lượng sạch đến toàn xã hội.
Tại Hội nghị đã có 15 ý kiến phát biểu của đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ, Ngành trung ương, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước, các địa phương, các Cục, Vụ thuộc Bộ Công Thương, các Tập đoàn, Tổng Công ty, doanh nghiệp lớn trong ngành năng lượng, các Hội, Hiệp hội nghề nghiệp ngành năng lượng, các Tổ chức quốc tế như USAID, GIZ. Các ý kiến tập trung nêu lên sự cần thiết, tầm quan trọng của năng lượng hydrogen trong mục tiêu của Việt Nam về chuyển đổi năng lượng xanh, đưa phát thải ròng cacbon về “0” vào năm 2050. Các đại biểu tham dự Hội nghị cũng đánh giá cao quyết tâm, nỗ lực của Bộ Công Thương trong việc nhanh chóng xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược năng lượng hydrogen, cũng như xây dựng, ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược năng lượng hydrogen và tổ chức Hội nghị công bố Chiến lược, Kế hoạch triển khai Chiến lược chỉ sau 15 ngày Thủ tướng phê duyệt Chiến lược hydrogen.
Trước đây, tỷ lệ sản xuất hydro xanh toàn cầu từ quá trình điện phân nước là không đáng kể và năm 2020 chỉ chiếm 0,03% sản lượng hydro của thế giới. Tuy nhiên, đến năm 2030, khi các công nghệ điện phân phát triển vượt bậc và chi phí cho năng lượng tái tạo dự kiến sẽ giảm, hydro xanh sẽ là một lựa chọn khả thi hơn về mặt tài chính. Các quốc gia có tiềm năng cao về năng lượng tái tạo, có mối quan hệ thương mại tốt, ổn định chính trị và có vị trí địa lý gần các nhà nhập khẩu lớn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ hưởng lợi từ công nghệ này. Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh chóng. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam là hơn 8%. Sự tăng trưởng kinh tế này diễn ra đồng thời với sự gia tăng nhu cầu năng lượng và đòi hỏi các giải pháp sáng tạo để đảm bảo an ninh năng lượng. Năng lượng ở Việt Nam, chủ yếu được sản xuất từ than đá, ước tính chiếm khoảng 70% tổng lượng phát thải của Việt Nam vào năm 2030. Tháng 12/2021, tại COP26, Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào đến năm 2050. Tháng 12/2022, Việt Nam và các nước G7, châu Âu, Đan Mạch và Na Uy đã ký kết Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP), theo đó cam kết ban đầu trị giá 15,5 tỷ USD sẽ được huy động để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam, nhằm giảm 30% lượng phát thải cao nhất hàng năm từ ngành Năng lượng, gia tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo trong sản xuất điện từ 36% lên ít nhất 47% vào năm 2030, điều chỉnh giảm lượng than đá tối đa và đỉnh phát thải vào năm 2030 thay vì năm 2035. |
Nguồn: Phát triển năng lượng hydrogen sẽ góp phần quan trọng vào mục tiêu phát thải ròng bằng “0”