Phân hạng, quy trình và trịnh tự đánh giá sản phẩm OCOP
Đẩy mạnh xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP Phát triển du lịch nông thôn gắn với quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP |
Phân hạng
Theo Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình mỗi xã một sản phẩm (được Chính phủ phê duyệt heo Quyết định 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023), sản phẩm được phân hạng theo Bộ tiêu chí OCOP (One Commune One Product - OCOP) có tối đa là 100 điểm và chia thành 5 hạng. Cụ thể như sau:
Phân hạng sản phẩm theo Bộ tiêu chí OCOP: Hạng 5 sao: Tổng điểm trung bình đạt từ 90 đến 100 điểm, là sản phẩm đặc trưng, tiêu chuẩn chất lượng cao và hội tụ điều kiện để xuất khẩu; Hạng 4 sao: Tổng điểm trung bình đạt từ 70 đến dưới 90 điểm, là sản phẩm đặc trưng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và tiếp cận thị trường tốt, có tiềm năng nâng cấp lên hạng 5 sao; Hạng 3 sao: Tổng điểm trung bình đạt từ 50 đến dưới 70 điểm, là sản phẩm có đặc thù, được quản lý và thương mại ổn định, có thể nâng cấp lên hạng 4 sao; Hạng 2 sao: Tổng điểm trung bình đạt từ 30 đến dưới 50 điểm, sản phẩm được sản xuất, bước đầu hình thành chất lượng cụ thể, có thể tiếp tục nâng cấp để nâng lên hạng 3 sao; Hạng 1 sao: Tổng điểm trung bình đạt dưới 30 điểm, là sản phẩm sơ khai, chưa được hình thành trong thương mại, có thể nâng cấp lên hạng 2 sao.
(Ảnh minh họa) |
Đối tượng và tiêu chí đánh giá
Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm là căn cứ để đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, gồm 06 nhóm sản phẩm: Thực phẩm; Đồ uống; Dược liệu và sản phẩm từ dược liệu; Hàng thủ công mỹ nghệ; Sinh vật cảnh; Dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch.
Bộ tiêu chí của sản phẩm gồm 03 phần. Phần A: Các tiêu chí đánh giá về sản phẩm và sức mạnh cộng đồng (40 điểm), gồm: Tổ chức sản xuất; phát triển sản phẩm; sức mạnh cộng đồng; Phần B: Các tiêu chí đánh giá về khả năng tiếp thị (25 điểm), gồm: Tiếp thị; câu chuyện về sản phẩm; Phần C: Các tiêu chí đánh giá về chất lượng sản phẩm (35 điểm), gồm: Chỉ tiêu cảm quan, dinh dưỡng, tính độc đáo của sản phẩm; tiêu chuẩn sản phẩm; khả năng xuất khẩu, phân phối tại thị trường quốc tế.
Quy trình đánh giá
Công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được chia làm 03 cấp: cấp huyện, cấp tỉnh và cấp trung ương. Giấy chứng nhận cho các sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 5 sao có giá trị trong thời hạn 36 tháng, kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Đối với cấp xã, UBND cấp xã tổ chức đánh giá một số nội dung của Hồ sơ sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá sản phẩm OCOP, bao gồm các tiêu chí: Nguồn gốc sản phẩm/nguyên liệu địa phương; sử dụng lao động địa phương; Nguồn gốc ý tưởng sản phẩm; Bản sắc/trí tuệ địa phương. Căn cứ vào điều kiện và đặc điểm thực tế của địa phương, Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức họp với các bộ phận liên quan để lấy ý kiến về các nội dung đánh giá, sau đó ban hành Báo cáo đánh giá của UBND cấp xã về các tiêu chí trên.
Đối với cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP (Hội đồng cấp huyện), Tổ tư vấn (hoặc Tổ giúp việc) và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng; Hội đồng cấp huyện tổ chức đánh giá, phân hạng các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP; UBND cấp huyện ban hành Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá và Giấy chứng nhận cho các sản phẩm đạt 3 sao, tổ chức công bố kết quả. UBND cấp huyện chuyển hồ sơ các sản phẩm có số điểm đạt từ 70 điểm đến 100 điểm (từ 4 sao trở lên) lên UBND cấp tỉnh để đề nghị đánh giá, phân hạng, công nhận sản phẩm OCOP.
Đối với cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập Hội đồng, Tổ tư vấn Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh (Hội đồng cấp tỉnh) và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng; Hội đồng cấp tỉnh tổ chức đánh giá, xếp hạng các sản phẩm do cấp huyện đề xuất; UBND cấp tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá và Giấy chứng nhận cho các sản phẩm đạt 4 sao, tổ chức công bố kết quả; Trường hợp kết quả đánh giá của Hội đồng cấp tỉnh không đạt 4 sao, Hội đồng cấp tỉnh gửi trả kết quả (bằng văn bản) và hồ sơ về UBND cấp huyện; UBND cấp tỉnh chuyển hồ sơ các sản phẩm đạt từ 90 điểm đến 100 điểm lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị đánh giá, phân hạng, công nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia.
Đối với cấp Trung ương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập Hội đồng, Tổ tư vấn Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp trung ương (Hội đồng cấp trung ương) và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng; Hội đồng cấp trung ương tổ chức đánh giá, phân hạng các sản phẩm do UBND cấp tỉnh đề xuất; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá và Giấy chứng nhận cho các sản phẩm đạt 5 sao (là sản phẩm OCOP cấp quốc gia), tổ chức công bố kết quả. Trường hợp kết quả đánh giá không đạt 5 sao, Hội đồng cấp trung ương gửi trả kết quả (bằng văn bản) và hồ sơ về UBND cấp tỉnh: Đối với sản phẩm đánh giá không đạt 90 điểm, nhưng trên 70 điểm, UBND cấp tỉnh có thể căn cứ vào kết quả đánh giá của Hội đồng cấp trung ương để ban hành quyết định công nhận đạt 4 sao, cấp Giấy chứng nhận đạt 4 sao hoặc tổ chức đánh giá và phân hạng theo thẩm quyền được phân cấp; Đối với sản phẩm được Hội đồng Trung ương đánh giá hồ sơ không hợp lệ theo quy định, UBND cấp tỉnh hoàn thiện hồ sơ, đánh giá và phân hạng sản phẩm theo thẩm quyền được phân cấp./.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong giai đoạn 2021-2025, tính đến ngày 30/6/2023, có 63/63 tỉnh, Thành phố Trung ương đã xây dựng và ban hành Đề án/Kế hoạch triển khai Chương trình OCOP. Chương trình OCOP tiếp tục được các địa phương triển khai đồng bộ, rộng khắp, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn. Các địa phương tiếp tục chủ động ban hành chính sách riêng về hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP, đặc biệt là về phát triển vùng nguyên liệu, liên kết chuỗi giá trị, xúc tiến thương mại, khen thưởng sản phẩm OCOP.
Tính đến hết tháng 6/2023, cả nước đã có 9.852 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 66,9% sản phẩm 3 sao, 32,2% sản phẩm 4 sao, 0,6% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 42 sản phẩm 5 sao đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận. Đã có 5.069 chủ thể OCOP, trong đó có 38,5% là HTX, 24,4% là doanh nghiệp, 34,1% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.
Các địa phương đã khai thác được tiềm năng, thế mạnh để phát triển sản phẩm OCOP, điển hình như: vùng Đồng bằng sông Hồng, chiếm 31,36% tổng sản phẩm OCOP cả nước; vùng miền núi phía Bắc, chiếm 19,8% và vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 18,4%. Sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường, nâng cao đời sống người dân vùng nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương nói riêng và đất nước nói chung.
Nguồn:Phân hạng, quy trình và trịnh tự đánh giá sản phẩm OCOP