Phân loại rác thải tại nguồn: Bắt đầu từ thế hệ trẻ
Nâng cao hiệu quả triển khai phân loại rác thải tại nguồn |
Thống kê cho thấy, ở Việt Nam hiện nay, trung bình mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi nylon mỗi tháng và hơn 80% số đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần.
Các chất thải còn lại như thực phẩm thừa, vật dụng hỏng… được người dân để chung một túi, cho vào thùng rác bỏ đi mà không quan tâm những chất thải đó hoàn toàn có thể phân loại rồi đưa vào tái chế, phục vụ cho cuộc sống con người.
Mặt khác, vẫn còn nhiều người dân giữ một tâm lý chung, cho rằng việc phân loại rác là của đơn vị quản lý rác thải thực hiện.
Phân loại rác tại nguồn góp phần tiết kiệm được tài nguyên, mang lại lợi ích cho chính chủ nguồn thải. |
Trên thực tế, số lượng rác thải khổng lồ thu gom mỗi ngày không được phân loại tại nguồn đã và đang gây ra áp lực vô cùng lớn lên đội ngũ nhân viên vệ sinh môi trường, gây quá tải cho các bãi rác…
Do vậy, công tác phân loại rác thải tại nguồn là việc làm hết sức cần thiết nhằm giảm tải trọng chất thải rắn đổ về các khu tập trung chôn lấp rác. Đồng thời, có thể thu được nguồn lợi kinh tế lớn từ các rác thải có thể tái chế và tái sử dụng được.
Trăn trở từ thực tế trên, công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hải Phòng đã nghiên cứu, tìm tòi nhiều sáng kiến, giải pháp sao cho việc xử lý rác thải đạt hiệu quả cao và bền vững nhất.
Một trong những giải pháp mà đơn vị này lựa chọn đó là giáo dục ý thức, hình thành thói quen bảo vệ môi trường cho thế hệ trẻ để xây dựng thói quen từ “gốc”.
Theo đó, gần 1 năm qua, công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hải Phòng đã tổ chức hơn 50 hội nghị tại các trường học, tuyên truyền cho 30.000 học sinh trên địa bàn thành phố. Mục đích nhằm thay đổi nhận thức và nâng cao ý thức của các em học sinh trong công tác phân loại rác tại nguồn. Khuyến khích các em trở thành những người xung phong, tình nguyện, thậm chí hướng dẫn lại các thành viên trong gia đình cách thức phân loại rác thải để cùng thực hiện ngay tại nhà.
Trường THPT Trần Nguyên Hãn là đơn vị giáo dục đầu tiên của Hải Phòng được trải nghiệm tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Tràng Cát. |
Đặc biệt, công ty còn tổ chức đón tiếp nhiều đoàn giáo viên và học sinh đến tham quan quy trình sản xuất phân mùn compost tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Tràng Cát.
Được biết, quy trình sản xuất phân compost được thực hiện bán tự động. Rác thu gom được tập kết tại hố tiếp nhận rồi chuyển sang băng chuyền phân loại với nhiều kích cỡ lỗ sàn khác nhau. Tại công đoạn phân loại, các phế liệu được tận thu để tái chế thành nhiều vật liệu hữu ích. Phần chất hữu cơ từ giai đoạn sàn được đưa vào các bể ủ lên men sau đó chuyển qua giai đoạn ủ chín và sàn tuyển để thành phân compost. Trước khi đóng bao thành phẩm để lưu trữ và đưa ra thị trường tiêu thụ, phân compost được phối trộn thêm những thành phần dinh dưỡng như N, P, K theo đúng tiêu chuẩn chất lượng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Chứng kiến công đoạn “biến” rác thành phân hữu cơ trong quy trình sản xuất phân mùn Compost, em Đinh Hoàng Anh - học sinh lớp 10C11, trường THPT Trần Nguyên Hãn (quận Lê Chân) nêu cảm nhận: “Thông qua buổi trải nghiệm em được biết thêm về quy trình xử lý rác thải, hiểu thêm về công việc của các cô chú công nhân vệ sinh môi trường. Phân loại rác thải từ đầu nguồn không chỉ giúp các cô chú tiết kiệm thời gian, công sức mà còn tạo ra nguồn nguyên liệu dồi dào để làm phân bón. Đồng thời, giảm đáng kể lượng rác thải chôn lấp tác động tiêu cực đến môi trường”.
Đáng chú ý, thông qua việc tận dụng các loại rác thải tái chế, nhiều em có thêm kinh phí học tập, nuôi lợn đất và tham gia công tác từ thiện.
Học sinh trường THPT Thụy Hương trong một chuyến tham quan tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Tràng Cát. |
Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều điểm thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố đã được nhân viên của công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hải Phòng tiến hành phân loại rác thải tại chỗ.
Nếu không được phân loại, những chất thải có thể tái chế sẽ bị lẫn với chất thải hữu cơ và những chất gây ô nhiễm khác. |
Điển hình, tại tổ thu gom rác Vĩnh Niệm (phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân), gần chục chiếc xe đẩy chứa rác hữu cơ đang chờ được xử lý. Cùng với đó, bên cạnh những chiếc xe tải chuyên dùng đưa rác thải sinh hoạt đến điểm xử lý rác tập trung của thành phố, phía công ty cũng bố trí những chuyến xe chở rác hữu cơ riêng để phân loại rác.
Nữ lao công Ph. T. Th. cho hay, cảm thông và chia sẻ với những vất vả của nhân viên vệ sinh môi trường, nhiều gia đình đã có thói quen chủ động phân loại rác. Họ để riêng những phế liệu có thể tái chế rồi trao tận tay các lao công nhằm tránh lãng phí và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Theo chị Th., việc phân loại rác cũng đem lại một khoản “thu nhập bổ sung” tuy nhỏ nhưng rất đáng quý. “Những tấm bìa carton, giấy, vỏ chai nhựa… có thể tái chế, chúng tôi gom lại, bán cho các cơ sở thu mua phế liệu để thêm đồng mua sách, bút cho con”, chị Th. chia sẻ./.
Nguồn:Phân loại rác thải tại nguồn: Bắt đầu từ thế hệ trẻ