Phát huy phẩm chất của phụ nữ Việt Nam trong kỷ nguyên mới
Xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả đáp ứng yêu cầu kỷ nguyên phát triển mới của đất nước Từ quá khứ đến hiện tại: Khởi đầu một kỷ nguyên mới |
Từ khóa: Phát huy; phẩm chất; phụ nữ Việt Nam; kỷ nguyên mới.
1. Đặt vấn đề
Dòng chảy phát triển của lịch sử dân tộc đã ghi nhận, chứng minh, phụ nữ Việt Nam có vai trò quan trọng trong lịch sử phát triển đất nước. Để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, nhiều phụ nữ Việt Nam dũng cảm lên đường tham gia chiến đấu, phất cờ khởi nghĩa, nêu cao khí phách anh hùng, không sợ khó khăn, gian khổ, hy sinh qua các giai đoạn, thời kỳ lịch sử đã in đậm vào trong tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam, trở thành biểu tượng sáng ngời của bản lĩnh, ý chí và sức mạnh con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Thực tiễn chiến đấu và trong lao động sản xuất đã hình thành, tôi luyện nên phẩm chất của Phụ nữ Việt Nam Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang, xứng đáng với 8 chữ vàng mà Bác Hồ trao tặng.
2. Phẩm chất của phụ nữ Việt Nam từ quá khứ, hiện tại và tương lai
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nói phụ nữ là nói phân nửa của xã hội, nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội một nửa”1. Người còn nhấn mạnh: “phụ nữ ta là một lực lượng rất lớn, đã anh dũng trong kháng chiến cũng như trong cách mạng, không có phụ nữ, riêng nam giới không thể làm nổi công cuộc cách mạng”2.
Quan điểm, tư tưởng của Người đã chỉ rõ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của phụ nữ đối với sự phát triển của xã hội, không có phụ nữ, xã hội không thể tồn tại và phát triển được, không sản sinh ra được những anh hùng hào kiệt, danh nhân văn hóa thế giới cho dân tộc. Vì vậy, bất kỳ giai đoạn, thời điểm nào của lịch sử dân tộc, người phụ nữ cũng có vai trò đặc biệt quan trọng, không thể thiếu, đã tô đẹp cho cuộc sống và làm cho cuộc sống con người trở nên ý nghĩa, tràn đầy sức sống.
Dân tộc Việt Nam có truyền thống yêu nước nồng nàn, không chịu khuất phục trước khó khăn, thử thách, nhất là với giặc ngoại xâm. Hiếm có một quốc gia, dân tộc nào trên thế giới mà lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm dài tận 12 thế kỷ, với nhiều loại kẻ thù lớn, nhỏ, có tiềm năng, thế mạnh về kinh tế, quân sự khác nhau. Và ít có quốc gia nào như Việt Nam, hình ảnh phụ nữ “cưỡi con tuấn mã” phăng phăng ra mặt trận với một sức mạnh phi thường, đạp qua mọi sóng to, gió cả, giáng cho quân xâm lược những đòn chí mạng, khẳng khái tuyên bố với quân thù về ý chí, quyết tâm bảo vệ giang sơn Tổ quốc, như: Bà Trưng, Bà Triệu.
Ở thời điểm nào, giai đoạn nào của lịch sử cũng có sự đồng hành của phụ nữ Việt Nam, tuy thân hình nhỏ bé nhưng lại mang sức mạnh vô địch. Phẩm hạnh của phụ nữ Việt Nam được các thế hệ gìn giữ, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác; trở thành niềm tin, tiếp thêm sức mạnh vật chất, tinh thần để họ nỗ lực phấn đấu vươn lên trong công việc, cuộc sống, khẳng định vị thế, vai trò của mình với xã hội, cũng đảm đang, giỏi giang, thậm chí ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề họ còn giỏi hơn nam giới. Điều đó khẳng định vị thế xã hội của phụ nữ Việt Nam ngày nay đã vượt xa trên mọi phương diện, không còn sự phân biệt đối xử; tư tưởng trọng nam, khinh nữ đã được thay thế bằng những quan điểm, tư tưởng tiến bộ, nam giới hoạt động ở những lĩnh vực, ngành nghề nào thì nữ giới cũng hoạt động ở những lĩnh vực, ngành nghề đó.
Những phẩm chất của phụ nữ Việt Nam, như: cần cù, chịu thương, chịu khó; thuỷ chung; giàu lòng vị tha, nhân ái; đức hy sinh, rất mực yêu thương chồng, con, đảm việc nước, giỏi việc nhà; kiên cường, bất khuất trong chiến đấu đã tạo nên phẩm cách của phụ nữ Việt Nam, trở thành giá trị văn hóa đạo đức tốt đẹp của dân tộc, là biểu tượng sáng ngời của văn hóa Việt Nam.
Lịch sử dân tộc đã khắc sâu hình ảnh những người mẹ âm thầm nén những đau thương, mất mát, hy sinh góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, trở thành biểu tượng sáng ngời của khát vọng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Phẩm chất đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát thành 8 chữ vàng trao tặng: “Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang”.
Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mở cửa, hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, phẩm chất của phụ nữ Việt Nam tiếp tục được gìn giữ, phát huy và toả sáng vào những hoạt động phát triển kinh tế – xã hội, tham gia tích cực thực hiện các chính sách an sinh xã hội, xử lý, giải quyết các mối quan hệ bên trong, bên ngoài đời sống để xã hội “trong ấm, ngoài êm”.
Đảng và Nhà nước luôn khẳng định: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”3. Chính vì vậy, phụ nữ Việt Nam đã thể hiện được khát vọng, ước mơ, hoài bão của mình ở việc tích cực, chủ động có những hoạt động thiết thực, cụ thể trong các hoạt động vì sự tiến bộ, bình đẳng của phụ nữ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tiếng nói của phụ nữ Việt Nam thông qua những diễn đàn trao đổi, hợp tác khu vực và quốc tế để bảo vệ nhân phẩm phụ nữ, lên án những hành vi bạo lực gia đình, phân biệt đối xử của phụ nữ Việt Nam đã có được vị thế và sức ảnh hưởng lan tỏa.
Sự tham gia của phụ nữ vào hoạt động bộ máy nhà nước hiện nay cũng đã tăng lên cả về số lượng, chất lượng, có nhiều đồng chí giữ các chức vụ cao, từ ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch nước, ủy viên Trung ương Đảng… Tỷ lệ đại biểu Quốc hội là nữ trong giai đoạn 2021 – 2025 là 30,26%. Ở địa phương, tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là 29%, cấp huyện là 29,2%, cấp xã là 29,98%. Tỷ lệ lãnh đạo chủ chốt là nữ ở Ủy ban nhân dân các cấp là 37,7% cấp tỉnh, cấp xã là 24,94%4. Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam đứng thứ 96 quốc gia trên thế giới tham gia xếp hạng về bình đẳng giới trong tham chính.
Bên cạnh những thành tựu và ưu điểm của phụ nữ Việt Nam, trong thực tế cũng vẫn còn có hiện tượng bạo lực gia đình, chưa tôn trọng người phụ nữ, bản thân người phụ nữ có những suy nghĩ, hành động khiếm nhã, phản cảm trong xưng hô, ứng xử, tiếp xúc với Nhân dân, chưa thật làm tròn bổn phận trách nhiệm của người vợ, người mẹ, người con trong gia đình; còn bị cám dỗ bởi đồng tiền, chạy theo lối sống thực dụng, đơn giản về cách sống, từ đó, buông thả bản thân, vi phạm pháp luật. Trình độ, năng lực của một bộ phận phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp; tư tưởng trọng nam, khinh nữ vẫn còn ở một số địa phương; đời sống của một bộ phận người dân, trong đó có phụ nữ còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
3. Phát huy phẩm chất phụ nữ Việt Nam trong kỷ nguyên mới
Đảng ta đã chỉ rõ: “Phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao địa vị phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội là một trong những nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới”5.
Trước yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, sánh vai cường quốc năm châu thế giới, đặt ra cho việc huy động sức mạnh, hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam trong lịch sử, trong đó phát huy phẩm chất phụ nữ Việt Nam được đánh thức, khơi dậy một cách mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa ở các lĩnh vực hoạt động, tạo nên sự bứt phá, tăng tốc trên con đường tiến xa, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội. Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Thực tiễn nóng bỏng của đất nước đang đặt ra những vấn đề cấp bách cần giải quyết, Nhân dân đang mong chờ và kỳ vọng vào những quyết sách của Đảng, Nhà nước, của Quốc hội… phấn đấu sớm xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa sánh vai với các cường quốc năm châu”6.
Một là, đề cao vai trò của Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp trong tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam.
Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cần nhận rõ, sâu sắc vị trí, vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội trong tuyên truyền, giáo dục và tạo ra những sân chơi, tạo thêm cơ hội, điều kiện cho chị em phụ nữ bộc lộ tài năng, trí tuệ đóng góp vào sự phát triển gia đình và xã hội.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam các cấp cần bám sát cơ sở để tìm hiểu, lắng nghe những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của chị em phụ nữ để có sự phối kết hợp với chính quyền các cấp trong tham mưu, đề xuất, xây dựng chương trình, kế hoạch hành động phù hợp, linh hoạt, sáng tạo với từng địa bàn, yêu cầu, tính chất công việc, cuộc sống gia đình của các cấp Hội đặt ra. Những hoạt động tuyên truyền, giáo dục của Hội cần thiết thực, cụ thể, gắn với môi trường công tác, cuộc sống của từng chị em, theo đó cần tập trung vào tuyên truyền giáo dục, phổ biến pháp luật bình đẳng giới, chống bạo lực gia đình, kế hoạch hóa gia đình, pháp luật hôn nhân gia đình, phòng, chống ma tuý, tác hại của rượu, bia; thực hiện tiến bộ công bằng xã hội…
Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp cần quan tâm giúp đỡ những chị em có hoàn cảnh khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa, đồng thời Hội thực sự phải đồng hành với chị em ở mọi lúc, mọi nơi, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đứng về phía người phụ nữ để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp cho người phụ nữ yếu thế. Đối với những phụ nữ có hoàn cảnh gia đình khó khăn, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp phải kịp thời có mặt, giúp đỡ cả về vật chất, tinh thần; có cách nghĩ, cách làm đúng đắn, phù hợp, hiệu quả để khích lệ, cổ vũ, động viên, tạo kế sinh nhai cho những phụ nữ có hoàn khó khăn chủ động vươn lên, từng bước làm chủ cuộc sống. Đảng chỉ rõ: “Các cấp hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam cần đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, khắc phục tình trạng “hành chính hóa”, hướng mạnh hoạt động về cơ sở, khu dân cư, chăm lo thiết thực quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho hội viên, không phô trương, hình thức, không chạy theo thành tích; phát huy vai trò chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước về chủ trương, chính sách liên quan đến phụ nữ”7.
Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp, nhất là ở cơ sở luôn đồng hành với phụ nữ, phải thực sự là diễn đàn dân chủ, nơi hội tụ cho sức mạnh, ý chí và bản lĩnh của i phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ mới. Gắn việc xây dựng Hội Liên hiệp phụ nữ trong sạch, vững mạnh, đấu tranh với hiện tượng thờ ơ, bàng quang, được chăng hay chớ, không có động cơ, ý chí phấn đấu vươn lên trong công việc, cuộc sống; sống buông thả, không quan tâm, chăm lo đến gia đình.
Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, phong trào đoàn kết, giúp đỡ, tương trợ nhau trong phát triển kinh tế – xã hội, xoá đói giảm nghèo, lan tỏa những mô hình hay, cách làm sáng tạo, giữ gìn, phát huy phẩm chất phụ nữ Việt Nam trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng văn hóa gia đình. Tổ chức phong trào văn hóa văn nghệ, sinh hoạt câu lạc bộ ở từng khu vực địa bàn gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng hình tượng phụ nữ Việt Nam hiện đại gắn với chuẩn mực đạo đức cách mạng “năng động, sáng tạo, hiệu quả” có tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu đựng khó khăn, gian khổ, giám chịu trách nhiệm.
Hai là, phát huy vai trò nêu gương của phụ nữ Việt trong tham gia hoạt động kinh tế, thực hiện chương trình phát triển vì sự tiến bộ phụ nữ.
Phát huy vai trò nêu gương của phụ nữ Việt Nam về thực chất là đề cao tính tích cực, chủ động của chính bản thân người phụ nữ trong các hoạt động của mình. Mỗi phụ nữ Việt Nam phải là những bông hoa đẹp trong vườn hoa xã hội chủ nghĩa, cần nhận thức và hành động đúng với phong tục truyền thống của gia đình, quê hương và xã hội, đó là những cách thức giải quyết hiệu quả những tình huống xảy ra trong công việc, cuộc sống.
Phát huy vai trò của các tổ chức, lực lượng trong xã hội trong đẩy mạnh chương trình phát triển sự tiến bộ của phụ nữ, làm cho mỗi phụ nữ không được ngộ nhận, say xưa trên chiến thắng ngủ quên trên vòng nguyệt quế, làm tròn đúng vai, đúng việc mà tạo hóa đã ban tặng cho phụ nữ Việt Nam. Thông qua các phương tiện thông tin truyền thông lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng những tấm gương phụ nữ có ý chí, nghị lực vươn lên làm giàu chính đáng, xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ; những mô hình, cách thức, phương pháp nuôi dạy con cái, chăm lo gia đình hay, sáng tạo của phụ nữ cần được nhân rộng điển hình tiên tiến; đặc biệt là những tấm gương phụ nữ không ngại khó, ngại khổ có nhiều đóng góp vào sự bình đẳng giới, xóa bỏ các hủ tục, quan niệm lạc hậu ở các vùng nông thôn, đưa người phụ nữ tham gia sôi nổi vào các hoạt động của Hội Liên hiệp phụ nữ, của địa phương. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Mỗi một người và tất cả phụ nữ phải hăng hái nhận lấy trách nhiệm của người làm chủ đất nước, tức là phải ra sức thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội”8.
Ba là, mỗi phụ nữ Việt Nam cần thường xuyên học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ về mọi mặt.
Học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ về mọi mặt là yêu cầu tất yếu khách quan của phụ nữ Việt Nam, đó là sự năng động, tích cực trong các hoạt động công tác, thường xuyên tự học, tự nghiên cứu tìm hiểu kỹ năng sống để vun vén, xây đắp cho gia đình mình ngày càng văn minh, hạnh phúc. Trau dồi đạo đức, phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam. Đặt ra những yêu cầu cao cho bản thân gắn vào tổ chức, sống có trách nhiệm, tình thương với gia đình và xã hội. Thường xuyên “tự soi”, “tự sửa” điều chỉnh thái độ, hành vi, suy nghĩ, lời nói đúng với phẩm chất của phụ nữ Việt Nam, đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên thời kỳ mới. Phát huy mặt tích cực, hạn chế, khắc phục khuyết điểm của bản thân để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương, từng gia đình; là trung tâm của sự gắn kết, trao truyền các giá trị văn hóa tốt đẹp đó cho từng thành viên gia đình.
Phát huy vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao địa vị phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội là một trong những nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới.
4. Kết luận
Những phẩm chất của phụ nữ Việt Nam luôn được gìn giữ, phát huy và toả sáng trong mọi điều kiện, hoàn cảnh lịch sử. Đó là sự ghi nhận, đánh giá của Đảng, Nhà nước và Nhân dân cho những cống hiến, hy sinh của phụ nữ Việt Nam cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Non sông gấm vóc nước Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp rực rỡ”9. Vì vậy, bất luận trong mọi điều kiện, hoàn cảnh phụ nữ Việt Nam cần giữ gìn và phát huy phẩm chất tốt đẹp của mình để cùng với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, thịnh vượng, sánh vai cường quốc năm châu.
Chú thích:
1, 9. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 7. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 340, 340.
2. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 13. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 74.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 169.
4. Tôn Ngọc Hạnh (2024). Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/chinh-tri-xay-dung-dang/-/2018/996002/dong-gop-cua-phu-nu-viet-nam-qua-gan-40-nam-tien-hanh-cong-cuoc-doi-moi.aspx.
5, 7. Ban Chấp hành Trung ương (2007). Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
6. Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội (khóa XV). https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/phat-bieu-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-tai-phien-khai-mac-ky-hop-thu-8-quoc-hoi-khoa-xv-119241021113227895.htm.
8. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 10. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 317.
Nguồn: Phát huy phẩm chất của phụ nữ Việt Nam trong kỷ nguyên mới
Có thể bạn quan tâm
Tin mới nhất
Kinh tế xanh: Khai thác, nâng cao giá trị sản phẩm từ rong biển

Gia tăng giá trị nông sản từ sản phẩm OCOP

Đắk Lắk: Động lực mới cho sự phát triển

Hà Nội xây dựng hệ thống đa kênh hỗ trợ thành lập doanh nghiệp

Quy định khung giá bán lẻ điện bình quân
