Phát sinh dư nợ tín dụng xanh gần 637 nghìn tỷ đồng
Theo ông Đào Minh Tú, ngành Ngân hàng với tư cách là kênh cung ứng tài chính quan trọng của nền kinh tế, luôn xác định vai trò, trách nhiệm trong việc “xanh hóa” dòng vốn đầu tư cho mục tiêu phát triển bền vững, xuất phát từ bốn yếu tố:
Thứ nhất, sự gia tăng các quy định về ESG đòi hỏi các ngân hàng phải tuân thủ và cập nhật liên tục những đổi mới trong quy định và chính sách để ngày càng thể hiện trách nhiệm với môi trường và xã hội
Thứ hai, nâng cao uy tín của ngân hàng thông qua việc tích hợp và minh bạch các vấn đề liên quan đến ESG.
Thứ ba, cải thiện hiệu quả quản trị rủi ro, vì rủi ro ESG không đứng độc lập hay tách biệt, mà còn liên đới tới các rủi ro của tổ chức tín dụng (gồm rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro thanh khoản, rủi ro chiến lược, rủi ro danh tiếng); và Thứ tư, các tổ chức tín dụng có cơ hội mở rộng thị trường, phát triển các sản phẩm tín dụng trong quá trình tiếp nhận các dòng vốn đầu tư xanh từ các tổ chức tài chính quốc tế khi áp dụng ESG.
Đã có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh/Ảnh minh họa. |
Bên cạnh đó, Phó Thống đốc NHNN cũng cho biết, nhiều tổ chức tín dụng, trên cơ sở quy định của Ngân hàng Nhà nước, đã chủ động hợp tác, tiếp nhận các nguồn vốn xanh, hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức tài chính quốc tế để xây dựng quy chế nội bộ thực hiện quản lý rủi ro môi trường và xã hội cho một số hoạt động cấp tín dụng đối với khách hàng. Giai đoạn 2017-2023, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng bình quân đạt hơn 22%/năm.
Tính đến đến 31/3/2024, đã có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt gần 637 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội của hệ thống tổ chức tín dụng tăng trưởng đều qua các năm, đến nay đạt khoảng 2,9 triệu tỷ đồng, tương đương hơn 21%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.
Ông Đào Minh Tú cho rằng, các giải pháp triển khai của ngành ngân hàng thời gian qua đã góp phần thúc đẩy quá trình xanh hóa hoạt động ngân hàng, kịp thời đáp ứng nhu cầu về nguồn vốn để thực hiện các dự án xanh, thân thiện với môi trường; giúp nâng cao nhận thức và thực thi các quy đinh về bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp đang sử dụng nguồn lực từ hệ thống ngân hàng, từ đó điều chỉnh hành vi tiến tới thực hành các tiêu chuẩn ESG, xanh hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững của nền kinh tế.
Về kế hoạch của ngành Ngân hàng trong thực hành ESG thời gian tới, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tăng cường quản lý rủi ro môi trường, xã hội và rủi ro khí hậu trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn lực để tài trợ vốn cho các ngành, lĩnh vực kinh tế xanh, các dự án mô hình kinh tế góp phần thực hiện các yêu cầu về đổi mới mô hình tăng trưởng quốc gia, phát thải thấp.
Ngoài ra, NHNN sẽ tích cực tham gia các diễn đàn trong nước và quốc tế về tín dụng xanh, ngân hàng xanh, thực hành ESG và tăng trưởng bền vững; đồng thời thúc đẩy các hoạt động truyền thông, đào tạo nâng cao nhận thức và chất lượng của nguồn nhân lực ngành ngân hàng nhằm đáp ứng các yêu cầu triển khai về thực hành ESG cũng như các tiêu chuẩn quốc tế trong phát triển bền vững.
Nguồn:Phát sinh dư nợ tín dụng xanh gần 637 nghìn tỷ đồng