Phát triển các chuỗi sản xuất, liên kết và tiêu thụ nông sản
Thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua các sàn thương mại điện tử Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản |
Những năm gần đây, nông sản là mặt hàng chiến lược, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế của tỉnh Hòa Bình. Quy mô xuất khẩu các sản phẩm nông sản ngày càng được mở rộng với nhiều thị trường đòi hỏi chất lượng cao như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU… Để nông sản của tỉnh tiếp tục mở rộng thị trường, gia tăng giá trị xuất khẩu thì sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị liên kết đang được đẩy mạnh. Qua đó giúp nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập cho nông dân, bảo đảm cho các chủ thể tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm và đầu tư có hiệu quả.
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình cho biết, diện tích cây ăn quả có múi toàn tỉnh hiện khoảng 10,24 nghìn ha trong đó diện tích kinh doanh đạt 9,17 nghìn ha; sản lượng ước đạt 21 vạn tấn. Diện tích được chứng nhận an toàn thực phẩm, VietGAP, hữu cơ đến nay khoảng 1.700 ha chiếm khoảng 20% diện tích cây có múi toàn tỉnh, giá trị thu nhập bình quân ước đạt 330-350 triệu đồng/ha/năm.
Phát huy thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, các địa phương trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản. |
Diện tích gieo trồng rau ổn định khoảng 14 ngàn ha/năm, năng suất 152-156 tạ/ha, sản lượng hảng năm trên 22 vạn tấn/năm, giá trị thu nhập từ 180-200 triệu/ha/năm. Một số địa phương đã hình thành vùng sản xuất tập trung, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm như: vùng sản xuất Bí xanh, bí đỏ, dưa hấu, dưa chuột, lặc lày,...tại các huyện Kim Bôi, Tân Lạc, Yên Thủy; sản xuất rau hữu cơ huyện Lương Sơn, vùng rau susu huyện Mai Châu, Tân Lạc; sản xuất tỏi tía huyện Mai Châu. Diện tích đã được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, VietGAP, hữu cơ.... với diện tích 310ha.
Đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh phát triển về số lượng và nâng cao về chất lượng. Hiện có 41 trang trại chăn nuôi lợn nái, lợn hậu bị và lợn thịt quy mô từ 300-3.000 con với tổng số 20.700 con lợn nái có 71 trang trại chăn nuôi gia cầm; 07 trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng thương phẩm quy mô 5.000-70.000 con sản xuất được hơn 24 triệu quả trứng/năm; 05 cơ sở chăn nuôi gà giống quy mô từ 10.000-170.000 con, cung cấp khoảng 25 triệu con gà giống/năm và 16,8 triệu quả trứng giống/năm). Toàn tỉnh hiện có 2,7 nghìn ha nuôi trồng thủy sản, có 4,89 nghìn lồng nuôi cá trên hồ thủy điện Hòa Bình; sản lượng nuôi trồng thủy sản hàng năm đạt trên 12 nghìn tấn. Giá trị sản phẩm trung bình trên diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản (đến năm 2023) bình quân đạt 220 triệu đồng/ha, trong đó nhóm sản phẩm đặc sản (cá lăng, cá bỗng, cá trắm đen...); có 09 sản phẩm OCOP được chứng nhận 3 sao trở lên.
Bên cạnh việc thúc đẩy sản xuất các sản phẩm chủ lực thì hoạt động sơ chế, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm cũng được chú trọng, góp phần nâng cao chất lượng và tăng giá trị của nông sản trên địa bàn. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 618 cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm nông lâm thủy sản, với sản lượng trung bình đạt 20.979,47 tấn đạt 7,14% so với tổng sản lượng sản phẩm nông lâm thủy sản trên toàn tỉnh là 293.732 tấn.
Trên địa bàn tỉnh có 100 chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn. |
Ngay sau khi Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, ngày 5/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (Nghị định 98) được ban hành, UBND tỉnh đã khẩn trương triển khai thực hiện. Đồng thời, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ để hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp tiếp cận với các chính sách theo Nghị định.
Xác định các sản phẩm quan trọng, chủ lực của địa phương là cơ sở thực hiện Nghị định 98, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2793/QĐ-UBND về việc phê duyệt các ngành hàng, sản phẩm quan trọng cần khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ thực hiện, phân cấp phê duyệt hỗ trợ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 2994/QĐ-UBND về việc ban hành Danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Hòa Bình.
UBND tỉnh lồng ghép các nội dung hoạt động liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản trong các kế hoạch, đề án, chương trình... nhằm tăng cường, phát triển các chuỗi liên kết, mở rộng thị trường không chỉ trong khu vực mà hướng tới đẩy mạnh xuất khẩu. Các nội dung hỗ trợ cụ thể và tỷ lệ định mức hỗ trợ cho nông dân, chủ trang trại, doanh nghiệp, HTX... được xây dựng đảm bảo theo các nội dung quy định tại Nghị định. Công tác tuyên truyền, vận động được triển khai qua nhiều hình thức, thường xuyên trong các hoạt động, chương trình của mỗi sở, ngành, lĩnh vực, địa phương...
Thống kê đến hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 100 chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn với các lĩnh vực sản xuất rau, quả; thủy sản; chăn nuôi; chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản; trong đó có 4 chuỗi liên kết là sản phẩm chủ lực được ngân sách hỗ trợ. Từ năm 2018 - 2022, có 10 dự án liên kết, gồm 8 dự án cấp tỉnh, 2 dự án cấp huyện được phê duyệt; trong đó 6 dự án cấp tỉnh, 2 dự án cấp huyện được nghiệm thu và giải ngân nguồn vốn hỗ trợ, 2 dự án cấp tỉnh xin dừng hỗ trợ thực hiện. Kinh phí triển khai liên kết theo quyết định được cấp có thẩm quyền phê duyệt là 64.091 triệu đồng, đạt 62,74% (ngân sách Nhà nước hỗ trợ 10.812 triệu đồng).
Nhiều diện tích trồng trọt tại các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ thực phẩm, nông sản trên địa bàn tỉnh được cấp các chứng nhận VietGAP, hữu cơ... đồng nghĩa với thị trường ngày càng mở rộng. Đồng thời, các doanh nghiệp, HTX ký hợp đồng cung ứng nông sản với đối tác, hệ thống siêu thị theo giá cố định thỏa thuận từng năm nên nông hộ tập trung sản xuất theo kế hoạch và tiêu chuẩn chất lượng mà không phải lo lắng về đầu ra sản phẩm. Nhờ sản xuất áp dụng quy trình quản lý chất lượng đồng bộ, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh tiếp tục có trên 4.200 tấn sản phẩm chế biến, rau, quả, phở, mía các loại... của tỉnh được xuất khẩu sang các thị trường: Nhật Bản, Anh quốc, Hoa Kỳ, Canada, Hàn Quốc, Trung Quốc...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tập trung đánh giá những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, HTX, nông dân khi tiếp cận và thực hiện chính sách theo Nghị định 98. Đồng thời, tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tăng cường tập huấn thực hiện Nghị định 98 tới các doanh nghiệp, HTX được đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh và thực hiện tốt liên kết chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông sản; có kế hoạch về nguồn vốn hỗ trợ ổn định theo giai đoạn, tránh tình trạng chỉ hỗ trợ được trong năm đầu; cần xác định được dự án, nội dung hỗ trợ và cách làm phù hợp với điều kiện thực tế tại từng địa bàn... để phát huy hiệu quả thực hiện Nghị định 98 trong thời gian tới.
Nguồn:Phát triển các chuỗi sản xuất, liên kết và tiêu thụ nông sản