Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ
Phát triển nông nghiệp hữu cơ giải quyết bài toán kinh tế và môi trường Hậu Giang: Sản xuất nông nghiệp hữu cơ |
Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đến phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Cụ thể, tại huyện Hàm Thuận Nam địa phương này triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, giữ vững và phát huy thương hiệu thanh long Bình Thuận. Trong đó, tập trung, dồn sức sản xuất thanh long an toàn, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư chế biến từ quả thanh long; ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất.
Tính đến cuối năm 2022, diện tích sản xuất thanh long của huyện Hàm Thuận Nam là 13.699 ha, trong đó có 7.624 ha/4.711 hộ/218 tổ, nhóm được cấp chứng nhận VietGAP, chiếm 56% tổng diện tích thanh long của huyện. Ngoài ra, huyện Hàm Thuận Nam còn áp dụng chương trình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích được công nhận là 457 ha và 100 ha được cấp chứng nhận sản xuất hữu cơ. Năm 2022, huyện Hàm Thuận Nam thực hiện dự án liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch, chế gắn với tiêu thụ sản phẩm thanh long an toàn, theo hướng GlobalGAP tại dịch vụ sản xuất thanh long Hàm Kiệm, với diện tích 103,6 ha.
Thanh long là một trong những cây trồng chủ lực được các địa phương đẩy mạnh hình thành vùng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. |
Hiện nay, trên địa bàn thị xã La Gi có tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm là 1.648 ha, trong đó có 313 ha trồng rau các loại, tập trung chủ yếu ở các xã Tân Tiến, Tân Bình và phường Bình Tân. Đây là những vùng sản xuất nhiều chủng loại rau, trong đó rau ăn lá chiếm khoảng 35% - 45%, rau ăn quả chiếm khoảng 50% - 65%, rau gia vị chiếm khoảng 35 - 5%.
Trong những năm qua, UBND thị xã La Gi đã có nhiều hỗ trợ cho các hộ dân trên địa bàn các xã, phường để triển khai thực hiện mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP và đã đạt được một số kết quả nhất định. Cụ thể, như mô hình trồng rau an toàn tại xã Tân Bình và phường Bình Tân, với nhiều chủng loại là cải bẹ xanh, cải ngọt, dưa leo, khổ qua, súp lơ, hành lá, ớt, bầu, bí,... Hiệu quả từ mô hình trồng rau theo quy trình an toàn tại các xã, phường trên đã cho lợi nhuận cao hơn so với rau sản xuất thường từ 1,2 – 1,5 lần/vụ. Với những hiệu quả từ việc sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP, thị xã La Gi đã thành lập Hợp tác xã rau sạch Tân Bình với quy mô 10 hộ/3,5 ha.
Phát huy những kết quả đã đạt được tại các vùng sản xuất hữu cơ trên địa bàn, tỉnh Bình Thuận phấn đấu đến năm 2025, diện tích đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ của toàn tỉnh đạt khoảng 1,5 - 2% và đến năm 2030 đạt 2,5 - 3% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 1 - 1,3% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong tỉnh và đến năm 2030, con số này đạt khoảng 2 - 3%. Cùng với đó, diện tích nuôi thủy sản hữu cơ đạt khoảng 1 - 1,2% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh vào năm 2025 và 2,5 - 3% vào năm 2030.
Tỉnh đã đề ra định hướng phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên các loại cây trồng đến năm 2030 như: lúa (3.000 ha), rau đậu (350 ha), thanh long (1.250 ha), sầu riêng (500 ha)… tại các vùng chuyên canh nông nghiệp như: Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Tân, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam…
Trên cơ sở đánh giá về điều kiện sinh thái, sản phẩm có thế mạnh và thị trường tiêu thụ, xác định các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, định hướng phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung. Trong đó, tại các vùng trồng như Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong sẽ phát triển trồng trọt hữu cơ bao gồm lúa với diện tích canh tác gần 1.950 ha đến năm 2025 và khoảng 3.000 ha đến năm 2030. Đồng thời, định hướng đến năm 2030 sẽ có khoảng 350 ha rau đậu hữu cơ.
Ngoài ra còn có các loại cây ăn trái hữu cơ như thanh long, xoài, sầu riêng, mít, cây có múi, nhãn, điều được quy hoạch phát triển rộng ở các địa phương có thế mạnh. Trong đó, cây dược liệu hữu cơ được thực hiện theo Đề án phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Phấn đấu đưa cây dược liệu trở thành một trong những sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp Bình Thuận, có các sản phẩm dược liệu được công nhận là sản phẩm OCOP.
Nuôi trồng thủy sản tại các địa phương đang được đẩy mạnh kiểm soát dịch bệnh, chất lượng đối tượng nuôi. |
Địa phương này còn hướng đến mục tiêu phát triển chăn nuôi bò thịt đạt chuẩn hữu cơ quy mô 6.000 con; đàn lợn hữu cơ 6.800 con; Riêng lĩnh vực thủy sản, tỉnh xác định nuôi trồng thủy sản hữu cơ với các loài thủy sản bản địa, đặc sản ở các huyện Đức Linh, Tánh Linh và Hàm Thuận Bắc, với diện tích mặt nước khoảng 35 ha đến năm 2025, khoảng 80 ha đến năm 2030. Ngoài ra, tỉnh còn hướng tới mục tiêu phát triển lâm sản hữu cơ với việc phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, khai thác các sản phẩm tự nhiên có từ rừng…
Nhằm triển khai hiệu quả những mục tiêu trên, UBND tỉnh cho rằng cần nâng cao nhận thức, hiểu biết về sản xuất nông nghiệp hữu cơ đến các địa phương, người sản xuất… Mặt khác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và thực thi các chính sách, pháp luật, các tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ để tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong sử dụng, nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, người sản xuất và nhà quản lý về việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, giám sát, chứng nhận nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo vùng tập trung đã được xác định, hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, gắn với liên kết sản xuất. Thúc đẩy liên kết trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ giữa nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác để tập trung ruộng đất và tổ chức sản xuất hữu cơ, hình thành vùng sản xuất hữu cơ hàng hóa quy mô lớn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, quy trình sản xuất tiên tiến, tạo ra sản phẩm hữu cơ đồng nhất về chất lượng gắn với chế biến, tiêu thụ. Vận động nông dân, doanh nghiệp tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Nguồn:Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ