Phát triển du lịch cộng đồng thành mô hình sinh kế hiệu quả
Hai huyện vùng cao Nam Đông và A Lưới là vùng đất có nhiều tiềm năng về tự nhiên, còn lưu giữ bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Vân Kiều… Đây là lợi thế đang được địa phương khai thác để phát triển mô hình du lịch cộng đồng, qua đó góp phần phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số miền núi, nâng cao đời sống của người dân.
Theo UBND huyện A Lưới, nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh, với khí hậu mát mẻ, phong cảnh hoang sơ hùng vĩ, cộng đồng dân cư bản địa giàu bản sắc văn hóa chính là những yếu tố khiến A Lưới trở nên đặc biệt, có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. A Lưới thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa lễ hội như: phiên chợ vùng cao, tái hiện tục đi Sim, liên hoan ẩm thực, lễ hội cồng chiêng, biểu diễn nhạc cụ truyền thống... tại Trung tâm văn hóa huyện.
Du lịch vùng cao A Lưới cũng có những sản phẩm nổi trội, như chợ phiên vùng cao, văn nghệ dân gian, ẩm thực… Có nhiều suối, thác đẹp đang khai thác phát triển du lịch sinh thái như thác A Nôr, suối Pâr Le…; nghề dệt thổ cẩm Dèng của dân tộc Tà Ôi, Lễ hội A Da Koonh (mừng lúa mới) của người Pa Cô được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia… Hiện ở huyện vùng cao A Lưới có 5 làng văn hoá du lịch cộng đồng, 24 điểm du lịch, 33 cơ sở lưu trú (trong đó 24 homestay, 9 nhà nghỉ). Các làng du lịch cộng đồng và các điểm du lịch ở A Lưới chủ yếu nằm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Du khách trải nghiệm làm bánh a quát cùng đồng bào tại Làng du lịch cộng đồng A Nôr, xã Hồng Kim, huyện A Lưới. |
Từ lợi thế về cảnh quan, văn hóa và ẩm thực đặc trưng nên các điểm du lịch, làng du lịch cộng đồng ở A Lưới hiện có lượng khách ổn định, hoạt động tốt. Đặc biệt, Làng du lịch cộng đồng A Nôr (xã Hồng Kim) là sản phẩm OCOP 3 sao của A Lưới, trở thành điểm du lịch cấp tỉnh và năm 2019, được chọn là một trong ba làng du lịch cộng đồng tiêu biểu của Việt Nam. Cùng với sản phẩm du lịch độc đáo, đồng bào Tà Ôi, Bru Vân Kiều mở thêm dịch vụ du lịch trải nghiệm, trekking, dịch vụ mua bán các mặt hàng lưu niệm, sản phẩm truyền thống.
Để phát triển du lịch cộng đồng, thời gian qua, huyện A Lưới đã nỗ lực quảng bá, xúc tiến du lịch tại các hội chợ, chợ phiên được tổ chức tại địa phương và trên toàn quốc. Đặc biệt vào giữa tháng 5 vừa qua, UBND huyện A Lưới phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh tổ chức Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc miền núi tỉnh Thừa Thiên-Huế lần thứ XV năm 2024. Ngoài các hoạt động chính, tại Ngày hội còn trưng bày, trình diễn nghề thủ công truyền thống như dệt dèng, đan lát; liên hoan ẩm thực với các món ăn mang đậm bản sắc truyền thống của đồng bào các dân tộc gắn với quảng bá các điểm đến, tour du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại huyện A Lưới.
Thời gian qua, huyện đã liên kết được trên 15 công ty lữ hành thường xuyên đưa khách đến A Lưới; thiết lập được các tour du lịch ngoại tỉnh với Quảng Trị, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam và thành phố Huế. Đặt du lịch A Lưới trong điều kiện mở, nằm trong mối liên kết với du lịch tại ba tỉnh trong khu vực Quảng Trị, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế.
Kết nối tuyến du lịch của bốn huyện miền núi: A Lưới cùng với Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang (tỉnh Quảng Nam); mở rộng phạm vi kết nối trên tuyến du lịch thuộc các huyện Đakrông, Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) và tuyến biên giới thuộc các bản Ka Lô, huyện Ka Lưm và Cô Tài, huyện Sa Muội cùng một số vùng có tiềm năng thuộc tỉnh Sa-la-van và tỉnh Sê-kông (nước bạn Lào).
Thông qua các lễ hội, liên hoan ẩm thực cùng với những hoạt động phục vụ khách du lịch tại các làng du lịch cộng đồng ở A Hươr-Pa E (xã Quảng Nhâm), A Ka1 (xã A Roàng), A Nôr (xã Hồng Kim), các nhà hàng và tại một số điểm du lịch sinh thái như: Suối A Lin, Thác A Nôr, suối Pâr Le..., huyện A Lưới đang xây dựng chương trình du lịch theo chu kỳ bốn mùa trong năm, phù hợp với điều kiện khí hậu, văn hóa truyền thống của các dân tộc và cơ sở vật chất hiện có, tạo giá trị tiện ích cho du khách.
Để các điểm du lịch cộng đồng ở A Lưới trở thành mô hình sinh kế hiệu quả, chính quyền đã có những chính sách như hỗ. Cụ thể, UBND huyện A Lưới đã hỗ trợ các chủ homestay, các điểm lưu trú tập huấn kỹ năng buôn, bán. Còn tại các điểm du lịch cộng đồng, UBND huyện đã tổ chức tập huấn xây dựng khu du lịch cộng đồng; tập huấn nâng cao chế biến món ăn; tập huấn kỹ thuật trang trí cảnh quan, lưu trú…
Là một huyện miền núi, cách thành phố Huế khoảng 50km, Nam Đông nằm trong thung lũng được bao bọc bởi nhiều dãy núi cao, điều kiện tự nhiên phong phú, thổ nhưỡng khí hậu trong lành, đa dạng về văn hóa và có phong cảnh nên thơ hữu tình. Nhắc đến Nam Đông, không thể bỏ qua những nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Cơ Tu (chiếm 43% dân số toàn huyện) từ kiến trúc nhà Gươl (thôn Dỗi), nhà mồ hay trang phục truyền thống, dụng cụ âm nhạc dân tộc…đến hệ thống suối, thác, hang động, thảm thực vật, rừng nguyên sinh và hệ thống các hồ chứa lớn như Tả Trạch, Thượng Lộ và Thượng Nhật.
Huyện Nam Đông còn biết đến là địa phương còn lưu giữ nhiều khu chiến tích cách mạng như Đồn Nam Đông, Đồn Khe Tre, địa đạo Ka Tư…, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Vào cuối tháng 3/2023, UBND huyện Nam Đông đã tổ chức Lễ khai trương chợ phiên Nam Đông tại Nhà Văn hóa dân tộc huyện. Từ đó đến nay, chợ phiên được duy trì 2 lần/tháng vào mỗi dịp cuối tuần đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách gần xa.
Chợ phiên Nam Đông là hoạt động được huyện tổ chức nhằm giới thiệu, quảng bá, hỗ trợ kết nối, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc sản của huyện, nhất là các nông sản, hàng hóa đặc trưng của bà con dân tộc Cơ Tu trên địa bàn. Bên cạnh đó còn tạo ra sản phẩm du lịch, điểm đến mới hấp dẫn để người dân, du khách đến tham quan, mua sắm vào mỗi dịp cuối tuần, qua đó từng bước kích cầu du lịch, khai thác tối đa để phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Tại mỗi phiên chợ, ngoài việc trải nghiệm ẩm thực truyền thống của đồng bào Cơ Tu, sản phẩm nông đặc sản của huyện, du khách còn được giao lưu văn hóa, văn nghệ với những tiết mục đặc sắc mang đậm bản sắc các dân tộc.
Đời sống văn hóa đa dạng của đồng bào Cơ Tu trên địa bàn là lợi thế để địa phương này khai thác, phát triển du lịch cộng đồng. Ảnh: LC. |
Ngoài chợ phiên, du lịch cộng đồng bản Dỗi (xã Thượng Lộ) là một điểm đến mới, một góc nhìn khác về du lịch Huế nói chung, du lịch Nam Đông nói riêng với nhiều cảnh quan thiên nhiên, văn hóa được bảo tồn. Làng du lịch cộng đồng Bản Dỗi (xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông), nơi có 100% đồng bào DTTS sinh sống. Với quyết tâm chuyển dịch du lịch cộng đồng trở thành mô hình sinh kế làm giàu cho đồng bào, chính quyền huyện Nam Đông đã tổ chức tập huấn làm du lịch chuyên nghiệp cho 40 người tham gia làm du lịch trong làng.
Từ nguồn đầu tư từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, UBND huyện Nam Đông đã làm đường, kéo điện vào để đáp ứng tốt nhất cho du khách. Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, làng du lịch Bản Dỗi đã phát triển toàn diện với 5 homestay. Điện, đường… và cảnh quan ở Bản Dỗi trở nên khang trang, để lại ấn tượng tốt trong lòng du khách. Nhờ đó, 40 lao động tham gia lam du lịch cộng đồng ở Bản Dỗi có thu nhập ổn định, đời sống ngày càng được nâng cao.
Phát triển du lịch gắn với giải quyết việc làm, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là định hướng của các huyện miền núi trong tỉnh. Để du lịch sinh thái, cộng đồng ở miền núi phát triển mang tính bền vững, cần phải bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống bản địa gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; kết hợp với cảnh quan thiên nhiên, điều kiện khí hậu và huy động nguồn lực từ người dân để phát triển du lịch tại A Lưới và Nam Đông hiệu quả, thúc đẩy kinh tế-xã hội khu vực miền núi bền vững.
Nguồn:Phát triển du lịch cộng đồng thành mô hình sinh kế hiệu quả