Phát triển du lịch từ tài nguyên văn hóa bản địa
Mù Cang Chải có hệ sinh thái tự nhiên đa dạng, khí hậu mát mẻ cùng với hệ thống di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng của đồng bào các dân tộc H’Mông, Thái. Trong đó, ruộng bậc thang Mù Cang Chải là sự kết tinh những sáng tạo của người dân miền núi với tập quán canh tác lúa nước cộng đồng các dân tộc vùng núi cao. Tổng diện tích ruộng bậc thang Mù Cang Chải có khoảng 7.000 ha ở tất cả 14 xã và thị trấn, trong đó diện tích được khoanh vùng bảo vệ là 852,9 ha, tập trung ở 6 xã: La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình, Kim Nọi, Mồ Dề và Lao Chải với 16 thôn bản.
Năm 2007 ruộng bậc thang Mù Cang Chải được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích Danh thắng cấp quốc gia, sau 12 năm, ngày 31/12/2019 Thủ tướng Chính phủ ký quyết định cấp Bằng xếp hàng di tích quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải. Đây trở thành nguồn tài nguyên du lịch quan trọng, là tiềm năng, lợi thế để phát triển các sản phẩm du lịch với nhiều sắc thái văn hóa đặc sắc, biến di sản thành tài sản, tạo sinh kế cho người dân...
Đông đảo du khách đến Mù Cang Chải mùa lúa chín. Ảnh: BTQ. |
Mù Cang Chải còn có các điểm đến như: Võng Lúa, Rừng Trúc, Sống Khủng Long, đặc biệt khu bảo tồn và sinh cảnh Chế Tạo, đèo Khau Phạ, cùng với đó là những nét văn hóa riêng, đậm bản sắc văn hóa các dân tộc: H’Mông, Thái, Mù Cang Chải đang là điểm thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Cùng với những danh lam, thắng cảnh, với 2 dân tộc chính là Mông và Thái, Mù Cang Chải còn nhiều nét văn hóa đặc trưng, riêng có, được hình thành từ lâu đời với những giá trị văn hóa truyền thống về lễ hội, phong tục, tập quán, trang phục, nghề truyền thống, văn nghệ, ẩm thực, nhà ở....
Với trên 90% dân số là đồng bào Mông, Mù Cang Chải có nhiều phong tục tập quán, nét văn hóa đặc sắc riêng có cũng như cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp. Bởi vậy, phát huy thế mạnh tại chỗ, thời gian qua huyện luôn chú trọng bảo tồn và phục dựng các lễ hội, tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian, nghề truyền thống phục vụ phát triển du lịch. Điển hình như: Lễ hội hoa tớ dày, Lễ mừng cơm mới, Festival khèn Mông; các hoạt động chào mừng Tết Độc lập 2/9 hàng năm với các trò chơi đánh quay truyền thống của người Mông, tổ chức hội chợ thương mại, hoạt động phiên chợ vùng cao; thi chọi dê, gặt lúa nhanh, cày bừa giỏi, vẽ hoa văn trên vải bằng sáp ong... thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan trải nghiệm”.
Thời gian qua, Mù Cang Chải cũng chú trọng xây dựng các đội văn nghệ quần chúng gắn với các bản du lịch cộng đồng phục vụ du khách. Hiện nay, ngoài các đội văn nghệ chuyên nghiệp và các đội ở các cơ quan, tổ chức, sự nghiệp thì 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện cũng như phần lớn các bản của các xã đều có đội văn nghệ quần chúng, góp phần lưu giữ và phát huy các loại hình nghệ thuật của địa phương.
Để du lịch thực sự trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn của huyện, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mù Cang Chải lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định mục tiêu “quyết tâm xây dựng Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch- là điểm đến “Bản sắc, An toàn, Thân thiện”, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn là huyện nghèo, đến năm 2030 không còn là huyện nghèo”...
Chính quyền các cấp đã đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Chương trình hành động số 10/CTr - UBND ngày 16/9/2021 về thực hiện nghị quyết số 21 – NQ/HU về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc sản gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2025…
Về xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương, Mù Cang Chải đẩy mạnh phát triển sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp thương hiệu các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP như Chè Shan tuyết Púng Luông, Mật ong hoa tự nhiên Mù Cang Chải, các sản phẩm du lịch cộng đồng. Hoàn thành xây dựng thương hiệu sản phẩm Gạo nếp tan Khau Phạ; Sơn tra khô thái lát. Khuyến khích, hỗ trợ các gia đình làm dịch vụ du lịch đầu tư, nâng cấp mở mới phát triển kinh doanh các dịch vụ về du lịch.
Phát huy các giá trị văn hóa bản sắc phục vụ phát triển du lịch cộng đồng, các đội văn nghệ bản sắc tham gia luyện tập và biểu diễn phục vụ khách du lịch đem lại nguồn thu từ hoạt động biểu diễn đồng thời góp phần bảo tồn và giữ gìn bản sắc dân tộc. Triển khai đưa vào vận hành, khai thác khu nghỉ dưỡng ruộng bậc thang La Pán Tẩn; tour du lịch sống lưng khung long, rừng thông, thác rồng xã Dế Xu Phình, Rừng trúc Mồ Dề, Púng Luông; Nơi thành lập đội du kích Khau Phạ, bãi đá cổ Lao Chải, đỉnh Lùng Cúng xã Nậm Có.
Các địa phương chú trọng bảo tồn giá trị văn hóa trong phát triển du lịch trên địa bàn. |
Trong năm 2023, du lịch huyện Mù Cang Chải có nhiều khởi sắc khi thu hút trên 370 nghìn lượt khách du lịch, doanh thu từ du lịch đạt trên 360 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Huyện cũng đã ra mắt 22 sản phẩm du lịch, hỗ trợ du lịch mới; đặc biệt tổ chức thành công Lễ công bố quyết định và trao chứng nhận Di sản văn hóa phi vât thể quốc gia nghệ thuật Khèn Mông, Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông 3 huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn; khai mạc Festival Khèn Mông và Lễ hội hoa Tớ dày năm 2023.
Những năm qua, huyện đã khôi phục nhiều lễ hội có sự hiện diện của tiếng khèn, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa. Huyện cũng đưa múa khèn vào các trường học để giảng dạy; triển khai các chương trình bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, trong đó có khèn Mông. Nghệ thuật khèn của người Mông được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, đó là niềm tự hào của người dân tộc Mông của tỉnh Yên Bái.
Hiện nay, huyện thành lập rất nhiều câu lạc bộ như: Câu lạc bộ múa khèn của các xã Mồ Dề, Khao Mang, Lao Chải... Huyện đã 3 lần tổ chức thành công Hội thi trình diễn khèn Mông, thu hút đông đảo các đội tham gia với nhiều màn biểu diễn chất lượng, hay, hấp dẫn. Ngoài ra, huyện tiếp tục từng bước sưu tầm, khai thác, bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật múa khèn và nhạc cụ khèn Mông để tổ chức tốt các nghi lễ tín ngưỡng văn hóa dân tộc truyền thống và các hoạt động văn hóa cộng đồng, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của huyện Mù Cang Chải, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Yên Bái.
Năm 2024, huyện Mù Cang Chải phấn đấu thu hút trên 350 nghìn lượt khách du lịch, trong đó có 55 nghìn lượt khách quốc tế; doanh thu từ du lịch đạt trên 350 tỷ đồng. Thời gian tới, Mù Cang Chải sẽ tăng cường kết nối giao thông với các trung tâm du lịch và đô thị lớn. Đẩy mạnh triển khai thực hiện các quy hoạch mang tính định hướng phát triển du lịch, duy trì và mở rộng thị trường du lịch nội địa. Huyện cũng lên phương án tập trung phát triển các sản phẩm phù hợp với thị trường nội địa như du lịch cuối tuần, du lịch lễ hội, du lịch cộng đồng. Chú trọng khai thác, phát triển các loại hình du lịch thể thao, trải nghiệm, mạo hiểm. Khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch bổ trợ - du lịch lịch sử, văn hóa.
Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, huyện Mù Cang Chải đang tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân 14 xã, thị trấn hình thành, ra mắt các sản phẩm du lịch theo phương châm “Mỗi xã có ít nhất một sản phẩm du lịch đặc trưng” thu hút du khách.
Nguồn:Phát triển du lịch từ tài nguyên văn hóa bản địa