Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam
1. Đặt vấn đề
Ngày nay sự phát triển của khoa học – công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data), internet vạn vật, công nghệ số, nhân lực số… dần dần sẽ phá vỡ cấu trúc của thị trường lao động truyền thống, do đó việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trở thành yếu tố then chốt đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ (năm 1991) khẳng định: “Nguồn lao động dồi dào, con người Việt Nam có truyền thống yêu nước, cần cù, sáng tạo, có nền tảng văn hóa, giáo dục, có khả năng nắm bắt nhanh khoa học và công nghệ…đó là nguồn lực quan trọng nhất”1. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 2, (khóa VIII) nêu rõ: “Muốn tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa thắng lợi phải phát triển mạnh giáo dục – đào tạo, phát huy nguồn lực con người, yếu tố cơ bản của sự phát triển nhanh và bền vững”2.
Tại Đại hội XI (năm 2011), Đảng nhấn mạnh: phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao “là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học – công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững”3. Đây là dấu mốc quan trọng trong nhận thức của Đảng về vai trò của nhân tố con người, coi phát triển nguồn nhân lực là một trong ba đột phá quan trọng để phát triển bền vững đất nước.
Đại hội XII (năm 2016) của Đảng tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của nguồn nhân lực: “lấy khoa học – công nghệ, tri thức và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực chủ yếu”4 cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trên cơ sở đó, Đại hội XII đề ra phương hướng, nhiệm vụ: “Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho đất nước, cho từng ngành, từng lĩnh vực với những giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung cho giải pháp đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực trong nhà trường cũng như trong quá trình sản xuất – kinh doanh, chú trọng nâng cao tính chuyên nghiệp và kỹ năng thực hành”5.
Kế thừa tinh thần các đại hội trước, Đại hội XIII (năm 2021)đã nhấn mạnh đến 3 đột phá chiến lược: về thể chế, về nguồn nhân lực, về hệ thống kết cấu hạ tầng. Đại hội cũng đặt ra yêu cầu phải “Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế (công dân toàn cầu)”6. Đây là chủ trương hết sức đúng đắn, thể hiện tầm nhìn, tư duy chiến lược của Đảng ta về phát triển nguồn nhân lực trong thời kỳ mới.
2. Thực trạng phát triển nguồn nhân lực qua gần 40 năm đổi mới
Nguồn nhân lực Việt Nam đang ngày càng tăng cùng với sự gia tăng của dân số. Theo số liệu của Cục dân số, tính đến hết năm 2023, quy mô dân số cả nước ước đạt 100,3 triệu người, trong lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 52,4 triệu người. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động năm 2023 là 68,9%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ ước tính là 14,1 triệu người, chiếm 27%. Nhìn chung, qua từng năm chất lượng nguồn nhân lực càng ngày tăng. Theo thống kê của Tổng cục Thống kê (2023), tỷ trọng người lao động có trình độ sơ cấp chiếm 4,7%; trung cấp chiếm 4,3%; cao đẳng 3,7%; đại học trở lên 10,9%. Tỷ trọng này ở các trình độ cao đẳng và đại học ngày càng có xu hướng gia tăng, từ 8,7% trình độ đại học năm 2016 lên 10,9% năm 20207.
Theo báo cáo chỉ số phát triển con người Việt Nam (2021), năng suất lao động của toàn nền kinh tế Việt Nam theo giá hiện hành ước đạt 171,3 triệu đồng/lao động (tương đương 7.398 USD/lao động, tăng 538 USD so với năm 2020). Theo giá so sánh, năng suất lao động trong năm 2021 tăng 4,71% do trình độ của người lao động được cải thiện (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2021 đạt 26,1%, cao hơn mức 25,3% của năm 2020)8.
Không chỉ gia tăng về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam cũng có những cải thiện rõ rệt. Từ năm 1990 đến năm 2022, giá trị HDI của Việt Nam thay đổi từ 0,492 lên 0,726, tăng gần 50%. Vào những năm 1990 khi UNDP đưa ra chỉ số phát triển con người HDI, Việt Nam ở vị trí tương đối thấp trong bảng xếp hạng, tính đến năm 2023, chỉ số HDI của Việt Nam là 107/191 quốc gia, tăng 8 bậc trong bảng xếp hạng9. Chỉ số vốn nhân lực của Việt Nam tiếp tục cao hơn mức trung bình của các nước có cùng mức thu nhập, mặc dù mức chi tiêu công cho y tế, giáo dục và bảo trợ xã hội thấp hơn. Việt Nam là một trong những nước ở khu vực Đông Á – Thái Bình Dương có điểm cao nhất về chỉ số vốn nhân lực. Điều này phản ánh những thành tựu lớn trong giáo dục phổ thông và y tế trong những năm qua. Nhìn chung, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam đã có sự cải thiện rõ rệt. Số lao động có trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn kỹ thuật phù hợp với công việc được giao đang ngày càng tăng lên.
Tuy nhiên, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo ở Việt Nam còn khá lớn, chất lượng đào tạo thấp, cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý. Nguồn nhân lực chất lượng cao giữa các ngành, các lĩnh vực, địa phương còn chưa đồng bộ, thiếu cán bộ, chuyên gia đầu ngành trong nhiều lĩnh vực, năng suất lao động còn thấp so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Năng suất lao động của Việt Nam năm 2020 đạt 18,4 nghìn USD, chỉ bằng 11,3% mức năng suất của Singapore; 23% của Hàn Quốc; 24,4% của Nhật Bản. So với các nước trong khu vực Đông Nam Á chỉ cao hơn năng suất lao động của Campuchia (gấp 2,4 lần); Myanmar (1,6 lần); Lào (gấp 1,2 lần)10. Tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” là vấn đề nan giải trong thị trường lao động.
3. Một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực Việt Nam
Với khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, dân giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc, bè bạn năm châu. Mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Trong tiến trình đó, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một yếu tố then chốt, đóng vai trò chiến lược trong chính sách phát triển của quốc gia.
Một là, nâng cao nhận thức về nguồn lực con người, coi phát triển nguồn lực con người là chiến lược quốc gia, mục tiêu của phát triển, là trung tâm của công cuộc đổi mới. Trong thời gian tới Việt Nam cần tập trung nguồn lực xây dựng con người Việt Nam, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực theo hướng tiếp tục thực hiện mục tiêu: “Nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức cho con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, của kinh tế tri thức và xã hội học tập. Đúc kết và xây dựng hệ giá trị chuẩn của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”11.
Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển. Phát triển con người, nhân lực Việt Nam một cách toàn diện về phẩm chất đạo đức, nhân cách, kế thừa và phát huy những đức tính tốt đẹp, như: chăm chỉ, cần cù, sáng tạo, yêu lao động; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Giáo dục truyền thống lịch sử, lòng yêu nước và khát vọng xây dựng quốc gia, dân tộc phồn vinh, hạnh phúc. Con người vừa có trí tuệ, nhân cách, năng lực, thể chất tốt… đáp ứng yêu cầu của thời đại mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hai là, tạo bước đột phá về giáo dục và đào tạo gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Theo đó cần tập trung phát triển giáo dục và đào tạo theo hướng xây dựng triết lý giáo dục phù hợp với nền văn hóa, bản sắc con người Việt Nam. Giáo dục và đào tạo theo hướng lấy người học làm trung tâm, phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của người học, xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên, quản lý giáo dục có phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn tốt. Các trường đại học phải tiên phong trong đổi mới giáo dục và đào tạo, tăng cường hợp tác quốc tế, xây dựng các chương trình, giáo dục chuẩn quốc tế hướng tới xây dựng đội ngũ sinh viên, nhân lực trẻ theo hướng đáp ứng yêu cầu của “công dân toàn cầu”.
Ba là, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trên tất cả các lĩnh vực, tập trung vào các lĩnh vực như khoa học – công nghệ, các lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đánh giá: “Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; còn nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, chưa quan tâm đúng mức đến kỹ năng xã hội, kỹ năng sống và khả năng tự học, kỹ năng sáng tạo”12. Do đó, cần xây dựng, quy hoạch phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao, các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu, xác định đây là yếu tố kiên quyết bảo đảm thành công cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời nhanh chóng rút ngắn chênh lệch khoảng cách với các quốc gia khác trên thế giới.
Bốn là, hoàn thiện hệ thống chính sách về thu hút, sử dụng và đãi ngộ nhân tài. “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, do đó, cần chú trọng xây dựng chính sách đãi ngộ tốt để thu hút nhân tài, nhất là trong các lĩnh vực cơ quan sự nghiệp, hành chính nhà nước, khoa học – công nghệ, tạo điều kiện cho người tài phát huy tối đa năng lực sở trường, xây dựng tốt các chính sách về tiền lương, nhà ở… Bên cạnh chế độ đãi ngộ tốt, cần tập trung xây dựng môi trường làm việc lành mạnh; xây dựng cơ chế đánh giá, bổ nhiệm dựa trên năng lực và những đóng góp với tập thể, đơn vị. Công tác tuyển dụng phải đi đôi với sử dụng hiệu quả, đúng chuyên ngành, thế mạnh. Khắc phục hiện trạng “trải thảm đỏ đón nhân tài” nhưng lại sử dụng không hiệu quả, không đúng chuyên ngành gây lãng phí nhân lực.
4. Kết luận
Để thực hiện được mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII đề ra. Việt Nam cần có nhiều giải pháp tổng thể để thúc đẩy nền kinh tế, xã hội đất nước, trong đó cần tập trung xây dựng và hoàn thiện các chính sách nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, coi đó là kế sách hàng đầu để nâng cao vị thế và tiềm lực của đất nước, đưa đất nước sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2007). Văn kiện Đảng toàn tập. Tập 51. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 151.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2015). Văn kiện Đảng toàn tập. Tập 55. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 175.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 130.
4. 5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 90, 116.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
7, 8, 9. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/827302/phat-trien-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-theo-tinh-than-dai-hoi-xiii-cua-dang.aspx.
10. Một số vấn đề về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam. https://tcnn.vn/news/detail/35262/Mot-so-van-de-ve-phat-trien-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-o-Viet-Nam.html.
11. Đảng Cộng sản Việt Nam (2014). Văn kiện Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI). H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 8.
12. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 70.
Nguồn: Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam
Có thể bạn quan tâm
Tin mới nhất
Hà Giang đặt mục tiêu đón 3,5 triệu lượt khách trong năm 2025

Đắk Lắk: "Bỏ phố về vườn": Lựa chọn của người trẻ dám nghĩ, dám làm

Lâm Đồng rà soát, xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường

Soobin Hoàng Sơn lọt top 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024

Trình UNESCO đưa “Võ cổ truyền Bình Định” vào danh sách Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại
