Phước Trạch: Nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả cao
Tây Ninh: Trồng vú sữa hoàng kim Tây Ninh: Áp dụng dây chuyền sản xuất tự động phát triển nghề làm bánh tráng |
Một hộ dân ở xã Phước Trạch trồng và bán đọt rau móp.
Xã Phước Trạch, huyện Gò Dầu có diện tích tự nhiên hơn 1.126 ha, trong đó có trên 920 ha đất nông nghiệp, phần lớn là trồng lúa nước, số còn lại trồng rau màu các loại. Những năm qua, do ảnh hưởng của thời tiết và giá cả nông sản, diện tích nông nghiệp có chiều hướng thu hẹp. Được Hội Nông dân các cấp và các ngành chức năng tạo điều kiện, nhiều nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế về đất đai, khí hậu, thị trường, góp phần tăng thu nhập, bảo đảm cuộc sống ổn định. Đáng lưu ý, ở địa phương này có các mô hình trồng rau nhút, rau móp và nuôi ba ba... đạt hiệu quả.
Diện tích đất trồng rau nhút ngày càng tăng
Nhà anh Lê Hồng Hậu (sinh năm 1977) ở bìa ấp Xóm Mía, nơi tiếp giáp với đồng ruộng, hai bên hông nhà là hai đám ruộng trồng rau nhút. Trên mặt ruộng ngoài những luống rau nhút, còn được phủ xanh một lớp bèo cám. Anh Hậu cho biết, nhà anh có hơn 30 cao (3.000m2) ruộng đất sình lầy và bị nhiễm phèn. Hơn 10 năm trước, anh làm lúa nhưng năng suất thấp, thu hoạch khó khăn vì máy phóng lúa không xuống được. Từ đó, anh chuyển qua trồng rau nhút. Theo anh Hậu, rau nhút dễ trồng, mau thu hoạch và bán dễ dàng.
Với diện tích hơn 30 cao, mỗi tháng anh thu hoạch 6 đợt, mỗi đợt cắt liên tiếp 3 ngày. Sau khi cắt xong một đợt, anh bón phân (Urê và lân), khoảng 5 ngày sau anh thu hoạch tiếp. Giá rau nhút hiện nay thương lái đến nhà mua là 8.000 đồng/kg. Giá cả có lúc lên xuống, tính bình quân những năm qua, gia đình anh Hậu thu nhập mỗi tháng khoảng 8 triệu đồng.
Anh Hậu cho biết thêm, để thân cây rau nhút được trắng (không bị nhiễm phèn vàng) và không bị giập khi có gió mạnh, anh nuôi bèo cám chung với rau nhút. Không chỉ có tác dụng bảo vệ rau nhút, mà chính bèo cám anh cũng bán được. Cứ sau mỗi đợt thu hoạch rau nhút, anh Hậu lại vớt bèo bán cho những hộ nuôi cá. Giá bèo trước đây 20.000 đồng/bao (25kg), hiện nay anh bán 22.000 đồng/bao.
Mỗi đợt anh thu hoạch khoảng 18 bao bèo (mỗi tháng thu hoạch 6 đợt). Tính ra tiền bán bèo cũng khá. Anh Hậu khẳng định, thu nhập mỗi năm từ 30 cao ruộng trồng rau nhút của anh hơn hẳn làm 1 ha lúa. Gần đây gia đình anh Hậu thuê thêm 10 cao ruộng kế bên mở rộng diện tích trồng rau nhút. Hiện 10 cao ruộng rau nhút này chuẩn bị thu hoạch.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Trạch Nguyễn Văn Tân cho biết, thấy hộ anh Hậu trồng rau nhút có hiệu quả khá cao, một số hộ dân ở ấp Xóm Mía từng bước chuyển đổi những đám ruộng lúa kém hiệu quả trồng rau nhút. Số hộ trồng và số diện tích đất trồng rau nhút ở ấp Xóm Mía tăng lên từng năm. Hiện nay, có hơn 10 hộ dân ở ấp này trồng rau nhút, tổng diện tích hơn 10 ha.
Anh Hậu thu hoạch rau nhút .
Trồng rau móp- mô hình mới ở Phước Trạch
Thời gian gần đây đi trên quốc lộ 22B, đoạn qua địa bàn xã Phước Trạch, nếu ai để ý, sẽ thấy bên lề đường có một phụ nữ bày bán mấy thau ốc bươu vàng và đặc biệt là bên cạnh đó có một sạp đọt rau móp non mướt. Đó là sạp rau móp của gia đình anh Nguyễn Văn Đông, ngụ ấp Xóm Mía.
Anh Đông cho biết, gia đình anh có 50 cao (5.000m2) ruộng lúa sản xuất kém hiệu quả. Cách đây 3 năm, nhận thấy rau móp ngoài thiên nhiên ngày càng khan hiếm, mà nhu cầu người cần dùng thì ngày càng tăng, nên gia đình anh chuyển sang trồng cây rau móp bán đọt non. Để có cây giống trồng, gia đình anh tự tìm kiếm ngoài môi trường tự nhiên trên tuyến sông Vàm Cỏ đông, nên tốn chi phí không nhiều, chủ yếu bỏ công đi tìm.
Trước khi xuống giống, anh cày xới đất cho tơi xốp. Trồng được trên 25 ngày, cây giống bén rễ. Khi cây bén rễ thì bón phân đạm. Đây là giống rau sông mọc ngoài môi trường tự nhiên, nên không cần bón phân nhiều và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh.
Từ lúc xuống giống đến khi cây cho đọt để thu hoạch khoảng 3 đến 4 tháng. Hiện nay, mỗi ngày vợ chồng anh thu hoạch đọt non rau móp một lần vào buổi sáng, giá bán lẻ 40.000 đồng/kg. Bình quân, mỗi ngày gia đình anh Đông có thu nhập khoảng 300.000 đồng từ tiền bán đọt rau móp.
Đây là mô hình mới ở địa phương, đến nay, toàn xã chỉ có một hộ anh Đông trồng loại rau này.
Anh Tân chăm sóc ba ba .
Nuôi ba ba thu nhập khá
Anh Nguyễn Văn Tân- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã chia sẻ, vào năm 2016, anh cùng một số hội viên nông dân xã đi tham quan, học tập kinh nghiệm mô hình nuôi ba ba ở xã Tân Hoà, huyện Tân Châu. Qua tìm hiểu, anh thấy ba ba dễ nuôi, dễ bán mà thu nhập khá.
Nhưng lúc ấy anh chưa có điều kiện để nuôi, đến năm 2019, anh tận dụng các khoảng đất trống bên hông nhà đầu tư nuôi ba ba. Từ nguồn vốn của gia đình và vay thêm vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội anh xây 8 hồ (mỗi hồ 50m2) nuôi ba ba, với tổng vốn 280 triệu đồng. Anh hợp đồng với một hợp tác xã nuôi ba ba ở tỉnh Hậu Giang theo phương thức mua con giống và bán lại sản phẩm (theo giá thị trường lúc bán) thả nuôi ba đợt, với 3.000 con giống.
Sau 18 tháng thả nuôi, anh Tân bắt đầu thu hoạch, tổng số tiền thu hoạch từ 3.000 con ba ba giống này được 290 triệu đồng. Trừ tiền con giống và chi phí thức ăn, gia đình anh Tân lãi 170 triệu đồng. Anh Tân đang nuôi 4.000 con ba ba. Trong đó có 1.200 con chuẩn bị thu hoạch.
Theo anh Tân, ba ba dễ nuôi, hồ nuôi xây gạch cao 1,3m, dài và chiều rộng thì theo diện tích đất mình có. Dưới đáy hồ đổ một lớp cát xây nhà, để ba ba không bị trầy xước. Trên mặt hồ thả lục bình che mát. Thức ăn cho ba ba là thức ăn công nghiệp và cá tươi. Ba ba ít bị bệnh, nếu có bị ghẻ là do cắn nhau. Khi phát hiện con nào bệnh, nổi lên mặt nước vớt ra nuôi riêng và xử lý bằng thuốc kháng sinh. Sau 18 tháng thả nuôi là thu hoạch. Trọng lượng ba ba chênh lệch từ 700g đến 1,5kg/con. Giá thu mua hiện nay loại 1 là 310.000 đồng/kg, giá thấp nhất 140.000 đồng/kg (loại 5). Tính bình quân khoảng 165.000 đồng/kg.
Anh Tân cho biết thêm, bước đầu thấy nuôi ba ba có hiệu quả, một số hội viên nông dân ở đây đầu tư nuôi. Để trao đổi, giúp nhau về kinh nghiệm trong chăn nuôi cũng như tiêu thụ sản phẩm, những người nuôi ba ba ở địa phương lập tổ hợp tác lấy tên là Tổ hội nghề nghiệp nuôi ba ba ấp Xóm Mía. Tổ có 6 hộ thành viên, với 36 hồ nuôi (mỗi hồ 50m2), nuôi khoảng 11.000 con ba ba.
Nguồn: Phước Trạch: Nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả cao