Tây Ninh: Áp dụng dây chuyền sản xuất tự động phát triển nghề làm bánh tráng
Tây Ninh: Liên kết tiêu thụ nông sản doanh nghiệp và nông dân cùng hưởng lợi Tây Ninh: Vẻ đẹp từ những điều bình dị |
Máy tráng bánh tự động tại cơ sở Thuỷ Nên |
Từ lâu, vùng đất Trảng Bàng nổi tiếng với nghề làm bánh tráng, bánh tráng không chỉ là một món ăn mang đậm hương vị quê hương, chiếc bánh tráng còn chứa đựng rất nhiều tâm huyết của những người làm nghề với mong muốn gìn giữ và phát triển nghề truyền thống.
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều cơ sở sản xuất bánh tráng siêu mỏng, được quảng cáo rầm rộ với du khách trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, với người dân khu vực Gò Dầu, Trảng Bàng, không ai là không biết đến thương hiệu bánh tráng siêu mỏng Thuỷ Nên đã có mặt trên thị trường hơn 20 năm qua.
Ông Đoàn Thanh Thuỷ- chủ cơ sở sản xuất bánh tráng Thuỷ Nên cho biết, gia đình ông bắt đầu làm nghề bánh tráng từ năm 2000, ban đầu ông và vợ chỉ mở lò tráng bánh thủ công. Đến năm 2002, nhận thấy nhu cầu thị trường lớn, việc tráng bánh thủ công vất vả, số lượng bánh không nhiều và chất lượng cũng không đồng đều, nên ông quyết định đầu tư chiếc máy tráng bánh tự động, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng bánh.
Theo ông Thuỷ, nghề làm bánh tráng thủ công đòi hỏi người tráng phải có kỹ thuật khéo léo. Trong đó, công đoạn tráng bánh là khó nhất, múc từng vá bột đổ đều lên mặt vải căng trên nồi nước sôi để bánh chín. Khi bánh chuyển từ màu trắng đục sang trong vắt thì dùng ống tre nhấc ra. Người tráng bánh phải quen tay thì chiếc bánh tráng mới tròn và độ dày mỏng đều nhau.
Bên cạnh đó, việc phơi bánh cũng phụ thuộc rất nhiều vào tình hình thời tiết, rất vất vả. Vì vậy, sản lượng bánh không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường. Có kinh nghiệm nhiều năm, chứng kiến bao thăng trầm của nghề làm bánh tráng, năm 2002, ông Thuỷ và gia đình đã tìm tòi, học hỏi và quyết định tập trung vốn đầu tư máy móc hiện đại. Với chiếc máy đầu tiên, dù chỉ mới dừng lại ở mức bán tự động, nhưng nhờ vậy những chiếc bánh của cơ sở Thuỷ Nên có độ mỏng rất đều nhau, được người tiêu dùng đón nhận.
|
Công nhân gỡ bánh trên vỉ. |
Với mong muốn tiếp tục cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao sản lượng và chất lượng, giảm bớt sức lao động, năm 2017, ông quyết định đầu tư hơn 10 tỷ đồng để xây dựng và lắp đặt dây chuyền sản xuất bánh tráng mới, tự động hoàn toàn từ khâu tráng bánh đến công đoạn sấy khô bánh. Ông Thuỷ cho biết, những năm gần đây, thị trường bánh tráng trong nước ngày càng mở rộng, người tiêu dùng rất ưa chuộng loại bánh tráng siêu mỏng vì sự tiện dụng, phù hợp với mọi lứa tuổi.
Cũng theo ông Thuỷ, dây chuyền sản xuất bánh tráng tự động tại cơ sở Thuỷ Nên khép kín từ khâu nấu bột, tráng đến sấy bánh bằng lò hồng ngoại. Những chiếc bánh tráng được sản xuất ra vừa mềm, vừa mỏng, khi dùng để cuốn với thịt và rau, người dùng không phải nhúng nước nhưng bánh vẫn không bị vỡ, nát. Nhờ vậy, sản phẩm bánh tráng siêu mỏng của cơ sở Thuỷ Nên được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh lựa chọn.
Là người tiên phong đầu tư hệ thống máy móc làm bánh tráng mỏng ở địa phương, đến nay cơ sở sản xuất bánh tráng Thuỷ Nên của ông Đoàn Thanh Thuỷ đã xây dựng được thị trường tiêu thụ ổn định, có chỗ đứng trong lòng khách hàng. Trung bình mỗi ngày, cơ sở sản xuất khoảng 1 tấn sản phẩm. Gia đình ông tạo công ăn việc làm cho khoảng 10 lao động địa phương với thu nhập từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Theo ông Thuỷ, những năm qua, cơ sở sản xuất bánh tráng của gia đình ông không đi tiếp thị, cũng không trực tiếp phân phối đến các điểm bán hàng, mà sản xuất ra bao nhiêu, đều có thương lái đến tận xưởng thu mua. Thị trường bánh tráng ngày càng được mở rộng.
Gắn bó với cơ sở sản xuất bánh tráng Thuỷ Nên từ những ngày đầu, anh Trần Văn Quân, ngụ ấp Trảng Sa, xã Đôn Thuận (thị xã Trảng Bàng) cho biết, từ khi cơ sở Thuỷ Nên mới thành lập, anh đã đến làm việc tại đây, đến nay hơn 20 năm gắn bó với nghề làm bánh tráng, hiện mức thu nhập của anh là hơn 13 triệu đồng/tháng.
Anh Quân cho biết, quy trình làm bánh tráng tại cơ sở Thuỷ Nên khép kín, gần như sử dụng máy móc ở tất cả các khâu, từ nấu bột, đưa qua van sang máy tráng bánh, qua hệ thống nấu hơi tráng ra vỉ. Sau đó, thay vì phơi dưới ánh nắng mặt trời, các vỉ được dây chuyền tự động đưa sang ngăn sấy. Ở bước cuối, người công nhân chỉ lấy các vỉ bánh xếp chồng lên nhau rồi đưa sang công đoạn gỡ bánh khỏi vỉ, sau đó, bánh được đưa vào khuôn để cắt thành miếng nhỏ, làm phẳng và đóng gói bằng máy dập để đưa ra sản phẩm hoàn chỉnh.
Nhờ vậy, quy trình sản xuất của chiếc bánh tráng tại cơ sở Thuỷ Nên được rút ngắn thời gian và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo anh Quân, trước đây, việc tráng bánh thủ công tốn rất nhiều công sức, lại phụ thuộc thời tiết nên chất lượng và sản lượng không cao. Từ khi ông Thuỷ đầu tư máy móc vào sản xuất đã giúp cải tiến năng suất lao động lên rất nhiều, người lao động không còn phải vất vả. Đối với những lao động mới vào làm việc mức lương cũng ổn định, trung bình khoảng 6 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Nguồn: Áp dụng dây chuyền sản xuất tự động phát triển nghề làm bánh tráng