Quản lý nguồn nước hiệu quả là điều tiên quyết để thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp
Mới đây, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam dẫn đầu đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đã khảo sát mô hình trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án) được thực hiện tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh niên Phú Hòa (xã Tân Hội, Tân Hiệp, Kiên Giang).
Thu hoạch lúa tại huyện Hòn Đất (Kiên Giang). Ảnh: Nguyên Anh |
Hiện nay, toàn tình Kiên Giang sẽ có 12/15 huyện, thành phố tham gia vào Đề án với 8 mô hình điểm ở vùng thâm canh lúa, quy mô 50ha/mô hình và 8 mô hình lúa hữu cơ – tôm sinh thái ở vùng luân canh lúa – tôm, quy mô 10ha/mô hình. Tổng diện tích xuống giống trong các mô hình điểm là 440ha.
Để hỗ trợ kỹ thuật, tỉnh Kiên Giang sẽ tổ chức 120 lớp tập huấn cho nông dân trong và ngoài mô hình về quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL theo quy trình đã được Cục Trồng trọt ban hành. UBND tỉnh Kiên Giang cũng đã quyết định phân bổ nguồn kinh phí gần 5,8 tỷ đồng triển khai Đề án trên địa bàn tỉnh, giao Sở NN-PTNT thực hiện.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá ruộng lúa mô hình tại HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thanh niên Phú Hòa bà con nông dân đã thực hiện đúng quy trình canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL của Cục Trồng trọt. Điều này thể hiện rõ ý thức đồng hành của bà con nông dân, đây là sự thành công bước đầu của Đề án.
Theo Thứ trưởng Nam, Đề án đã tạo được sự chuyển hướng tích cực trong sản xuất lúa, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để giảm chi phí đầu tư, hạ giá thành. Ước năng suất vụ lúa thu đông đạt 5 tấn/ha, với giá 9.000 đồng/kg, nông dân sẽ đạt doanh thu 45 triệu đồng/ha, trong khi mức chi phí chỉ khoảng 12 triệu/ha, lợi nhuận 33 triệu đồng/ha là rất lý tưởng.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị các thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh niên Phú Hòa tiếp tục áp dụng các kỹ thuật được chuyển giao, hướng đến phát triển nghề sản xuất lúa hiệu quả, bền vững. Mô hình sẽ tạo ra cơ chế liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ lúa gạo cho nông dân với mục tiêu đầu vào chất lượng với giá hợp lý, áp dụng quy trình kỹ thuật để giảm chi phí, nâng cao lợi nhuận, đầu ra với mức giá hợp lý, chia sẻ lợi nhuận trong chuỗi giá trị lúa gạo.