Quảng Ninh: Cát biển - giải pháp gỡ khó cho các công trình giao thông
Lượng cát phục vụ tại dự án Đường ven sông giai đoạn 1 (từ nút giao Đầm Nhà Mạc đến đường tỉnh 338) hiện mới chỉ đảm bảo được gần 20%. |
Điểm lại các dự án giao thông trọng điểm, tỉnh triển khai thời gian qua như: Nút giao Đầm Nhà Mạc, nút giao Hạ Long Xanh, đường ven sông... đều là những công trình giao thông mang ý nghĩa động lực, tạo kết nối mới cho không gian phía Tây của tỉnh phát triển. Tuy nhiên đến nay, có những dự án đã hơn 3 năm thi công, một số lần phải gia hạn tiến độ nhưng đích hoàn thành vẫn chưa thể xác định chính xác.
Ông Nguyễn Thiên Hiếu, nhà thầu thi công nút giao Đầm Nhà Mạc, cho biết: Triển khai dự án trong tâm thế khẩn trương, nhà thầu đã huy động đông nhân lực, phương tiện để đẩy mạnh thi công toàn diện các hạng mục ngay sau khi khởi công dự án vào tháng 9/2020. Có điều, trong quá trình tổ chức thi công, dự án liên tiếp gặp khó khăn từ mặt bằng, dịch bệnh, địa hình phức tạp và đặc biệt nguồn nguyên vật liệu san lấp khan hiếm. Vì thế, tiến độ hiện chưa đảm bảo theo kế hoạch đề ra.
Tại dự án Đường ven sông giai đoạn 1 (từ nút giao Đầm Nhà Mạc đến đường tỉnh 338) cũng sau hơn 3 năm thi công, ngoài 2 cầu sông Rút và sông Chanh đáp ứng được yêu cầu tiến độ, thì tại các tuyến đường dẫn, cát để thi công xử lý lún nền đường được đắp “nhỏ giọt”. Theo tính toán từ phương án thiết kế, dự án cần trên 410.000m3 cát, tuy nhiên đến nay mới chỉ đắp được khoảng 82.500m3, đạt gần 20% so với tổng nhu cầu. Nguyên nhân là do các mỏ đủ điều kiện pháp lý để cung cấp cho dự án tại khu vực phía Bắc có trữ lượng khai thác rất thấp, một số mỏ tại tỉnh Phú Thọ tạm dừng khai thác dẫn đến việc nguồn cung rất khan hiếm. Hiện nhiều đoạn đường chưa có vật liệu để đắp nền, vẫn ngập trong nước. Tương tự, dự án Đường ven sông giai đoạn 2 (từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều) cần khoảng 1,3 triệu m3 cát, đến nay vẫn chưa tìm được nguồn cung cấp cát cho dự án. Đây là một trong nhiều dự án không chỉ ở Quảng Ninh mà trên địa bàn cả nước cũng đang gặp tình trạng tương tự, chậm tiến độ do thiếu nguồn nguyên vật liệu san lấp. Điều này không chỉ gây tốn kém thời gian, lãng phí nguồn lực nhà nước mà còn gây khó khăn cho chủ đầu tư và các nhà thầu khi công tác tổ chức thi công kéo dài.
Ngày 21/3, tỉnh tổ chức hội nghị trao đổi, thông tin về quy trình thực hiện sử dụng cát biển để làm nền đường. |
Trong bối cảnh đó, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã thường xuyên kiểm tra và chỉ đạo tìm các giải pháp thay thế vật liệu san lấp như: Sử dụng vật liệu thải từ mỏ than, thay đổi phương án thiết kế một số vị trí lún phức tạp bằng cọc bê tông đất thay cho vật liệu là cát đắp... Tuy nhiên, chi phí phát sinh lớn, nguồn vật liệu thải từ mỏ than không đảm bảo chất lượng, các giải pháp chưa thực sự khả thi để tháo gỡ khó khăn cho các dự án.
Trước thông tin thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiên cứu các giải pháp nhằm đa dạng nguồn vật liệu, Bộ GT-VT đã triển khai thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường tại một số khu vực phía Nam. Tuy nhiên, do quy mô thử nghiệm nhỏ, cấp thiết kế thấp, do đó chưa thể đánh giá chính xác các tác động khi sử dụng cát biển để xây dựng đường ô tô và chưa áp dụng đại trà. Trên cơ sở đó, Quảng Ninh đã chủ động đề xuất được là địa phương đầu tiên được mở rộng thí điểm ở các dự án với cấp quy mô, cấp thiết kế cao hơn.
Ngày 20/3 vừa qua, Quảng Ninh tổ chức hội nghị trao đổi, thông tin về quy trình thực hiện sử dụng cát biển để làm nền đường. Nhiều chuyên gia cho rằng, Quảng Ninh là địa phương có nhiều điều kiện để mở rộng thí điểm khi sở hữu hơn 250km đường bờ biển với hơn 6.000km2, lượng cát biển dồi dào. Bên cạnh đó, các dự án khó khăn của tỉnh có nhiều yếu tố tương đồng khi vị trí thi công tại khu vực ngập mặn. Do vậy, việc Quảng Ninh mở rộng thí điểm là điều kiện quan trọng để các bộ, ngành, chuyên gia giám sát, đánh giá mức độ tác động và báo cáo Chính phủ.
Ông Lê Văn Dương, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ GT-VT) cho biết: Đến thời điểm hiện tại, công tác thí điểm cát biển làm vật liệu đắp nền đường đã cho ra một số kết quả tương đối khả quan, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, môi trường, kết cấu quan trắc độ lún, biến dạng qua thời gian đầu cho thấy nền đường ổn định. Với dữ liệu có được, thời gian tới, sau khi thực hiện thí điểm ở Quảng Ninh đối với các dự án cao hơn, Viện sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép giai đoạn trước mắt sử dụng cát biển ở những nơi đã bị nhiễm mặn. Quá trình sử dụng cát biển cũng cần nghiên cứu dùng vải địa kỹ thuật, màng chống thấm hạn chế nhiễm mặn ra môi trường xung quanh...
Tình trạng khan hiếm nguồn cát từ lâu đã cản trở lớn, ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng các dự án giao thông, kỳ vọng là địa phương mở rộng thí điểm vật liệu thi công mới, cát biển sẽ sớm được sử dụng đại trà cho các dự án. Điều này sẽ góp phần quan trọng trong tháo gỡ khó khăn do khan hiếm cát hiện nay, đảm bảo tiến độ để các dự án đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư.
Nguồn: Cát biển - giải pháp gỡ khó cho các công trình giao thông