Quảng Ninh: Đẩy mạnh các mô hình kinh tế nông nghiệp tập thể
Quảng Ninh lập những kỳ tích phát triển mới Quảng Ninh: Du lịch nỗ lực về đích |
Tổ hợp tác trồng cây dược liệu Kim Sơn (TX Đông Triều) được thành lập từ đầu năm 2023, trên cơ sở phát triển mô hình trồng cây Cát Sâm do anh Trịnh Xuân Dương khởi xướng và 54 thành viên khác góp vốn. Mô hình này nhận được sự hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi từ HND TX Đông Triều để sản xuất. Mặc dù mới trồng gần 8 tháng, tuy nhiên đến nay, vườn cát sâm Kim Sơn với trên 1.000 gốc đang phát triển tươi tốt, cây hợp đất, khoẻ mạnh, nhiều cây đã ra hoa, kết quả và hiện đang vào giai đoạn tạo củ.
Mô hình trồng cây Cát Sâm ở Tổ hợp tác trồng cây dược liệu Kim Sơn. |
Đối với HTX dịch vụ nông nghiệp Bình Dương, TX Đông Triều, các mô hình sản xuất chính của đơn vị đang triển khai là trồng ớt Hàn Quốc, ngô ngọt, nuôi cá, ếch, lươn trong bể bạt không bùn. Đây là mô hình HTX được HND TX Đông Triều đặt nhiều kỳ vọng bởi sự năng động của mỗi xã viên, đã chủ động, sáng tạo trong các mô hình sản xuất, đặc biệt là việc tiếp cận và ứng dựng công nghệ hiện đại vào sản xuất thực tế.
Cùng với Tổ hợp tác trồng cây dược liệu Kim Sơn và HTX dịch vụ nông nghiệp Bình Dương, kể từ năm 2021 đến nay, hàng chục các HTX, tổ hợp tác, mô hình liên kết sản xuất, chi, tổ hội nghề nghiệp... đã được HND các cấp tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ, đỡ đầu để hình thành mới hoặc duy trì, tăng cường sự phát triển. Cụ thể, năm 2021, các cấp HND tỉnh trực tiếp tư vấn, hướng dẫn, vận động cán bộ hội viên nông dân thành lập mới 17 hợp tác xã, 25 tổ hợp tác. Năm 2022, hỗ trợ thành lập mới 21 hợp tác xã và 24 tổ hợp tác, tổ liên kết. Năm 2023, tính đến thời điểm này, HND các cấp tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ thành lập 16 hợp tác xã, 15 tổ hợp tác.
Có thể thấy, các mô hình kinh tế tập thể do tổ chức HND tư vấn, hướng dẫn thành lập, hỗ trợ, định hướng hoạt động cơ bản hoạt động có chất lượng, hiệu quả, các thành viên liên kết chặt chẽ trong sản xuất, giúp nhau về kiến thức, kinh nghiệm, nguồn vốn. Nhiều HTX, tổ hợp tác xây dựng được chuỗi giá trị trong sản xuất và đã có những đóng góp nhất định vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, tạo việc làm, cải thiện, nâng cao đời sống cho hội viên nông dân.
Điểm chung của các HTX, Tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất nông nghiệp là đã chú trọng phát triển và huy động nguồn vốn góp của thành viên, hoạt động liên kết giữa các HTX, tổ hợp tác được mở rộng. Thông qua các HTX, tổ hợp tác đã thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng sản lượng, chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị, thu nhập, cải thiện đời sống người nông dân, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Sự hỗ trợ của các cấp hội nông dân là động lực để các mô hình kinh tế nông nghiệp tập thể phát triển.
Mô hình nuôi lươn trong bể bạt không bùn của HTX dịch vụ nông nghiệp Bình Dương, TX Đông Triều. |
Để đạt kết quả trong việc phát triển các mô hình HTX, tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất, tổ hội nghề nghiệp… Hội Nông dân tỉnh đã sớm tập trung chỉ đạo, triển khai tích cực các hoạt động tư vấn, hướng dẫn thành lập, định hướng hỗ trợ các mô hình kinh tế tập thể; chủ động tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức kinh tế tập thể, hợp tác xã cho nông dân; chủ động hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác, các câu lạc bộ, chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp trong hoạt động đào tạo nghề, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất.
Hội Nông dân tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị tín dụng trên địa bàn để nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ nhóm tín chấp vay vốn, tạo nguồn lực về vốn cho các mô hình HTX, tổ hợp tác phát triển sản xuất. Hội Nông dân các cấp đã tổ chức trên 40 hội nghị tuyên truyền công nghệ số cho trên 1.500 hội viên nông dân là chủ cơ sở kinh doanh, sản xuất, trang trại, gia trại; tổ chức 23 hội nghị tập huấn hướng dẫn tạo tài khoản quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử. Trong đó, 108 sản phẩm OCOP của 53 nhà cung cấp đã giao dịch thương mại trên sàn Postmart. Hội nông dân phối hợp tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực cho đội ngũ quản lý, điều hành các câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã; tổ chức các hội thảo liên kết 6 nhà trong sản xuất, tiêu thụ nông sản; tổ chức các buổi tư vấn, đối thoại, phổ biến kiến thức quy định pháp luật về sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản thực phẩm chất lượng, an toàn theo chuỗi cho gần 1.000 chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh...
Hiện toàn tỉnh đang có trên 650 hợp tác xã, 146 tổ hợp tác. Các HTX, tổ hợp tác đã và đang góp phần tích cực trong quá trình xây dựng nông thôn mới, chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm; đặc biệt góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, xóa đói giảm nghèo ở các vùng nông thôn.
Nguồn: Đẩy mạnh các mô hình kinh tế nông nghiệp tập thể