Quảng Ninh: Để ngư dân có nơi neo đậu tàu, thuyền an toàn
Quảng Ninh: Giữ màu xanh của biển Quảng Ninh: Thợ mỏ nhiều sáng kiến |
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản,đến hết tháng 6/2023, toàn tỉnh có 6.005tàu cá. Trong đó có 1.433 tàu cá chiều dài dưới 6m do UBND cấp xã quản lý; 3.768 tàu cá có chiều dài từ 6m đến dưới 12m hoạt động tại vùng ven bờ; 573 tàu cá có chiều dài từ 12m đến dưới 15m hoạt động tại vùng lộng; 231 tàu cá có từ 15m trở lên hoạt động ở vùng khơi.
Cùng với đó, trên vùng biển do Quảng Ninh quản lý còn lượng lớn tàu, thuyền đánh bắt thuỷ sản đến từ các tỉnh, thành khác. Bởi vậy, việc tìm địa điểm tránh trú bão an toàn, thuận tiện cho tàu, thuyền luôn được địa phương quan tâm.
Giai đoạn I của dự án Khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng kết hợp cảng cá loại I tại huyện Vân Đồn đã được hoàn thành và bàn giao sử dụng. Ảnh: Minh Đức |
Căn cứ theo Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2023 tầm nhần đến năm 2050 và Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 12/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trên địa bàn Quảng Ninh có 12 khu neo đậu tránh trú bão.
Trong số này, hiện có 4 khu neo đậu tránh trú bão đã đầu tư xây dựng và được Bộ NN&PTNT công bố năm 2023, gồm: Khu neo đậu tránh trú bão tại xã Tiến Tới (huyện Hải Hà); khu neo đậu tránh trú bão khu vực vụng sú Thoi Dây (thôn phúc tiến, xã Tân Lập, huyện Đầm Hà); khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền nghề cá Cẩm Thủy (TP Cẩm Phả) và khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng tại huyện Vân Đồn. Tuy nhiên, 4 khu này mới chỉ đáp ứng nhu cầu neo đậu cho 23,8% số lượng tàu cá của tỉnh (1.431 tàu).
Để đảm bảo an toàn mỗi khi bão về, Sở GTVT đã công bố 66 vị trí tự nhiên có điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền tránh, trú bão trên địa bàn và được các địa phương tuyên truyền, thông báo rộng rãi đến người dân. Các khu vực này đều là nơi có điều kiện địa hình tự nhiên thuận lợi, được che chắn tốt về sóng, gió, dòng chảy; luồng vào đủ rộng, sâu để các tàu cá trung bình có thể vào tránh, trú.
Tàu, thuyền di chuyển về neo đậu tại khu vực vùng biển kín đối diện Công viên hoa Hạ Long (TP Hạ Long) để tránh cơn bão số 1 năm 2023. |
Sở NN&PTNT thường xuyên phối hợp cùng UBND các địa phương rà soát những điểm neo đậu, các dự án khu neo đậu tránh trú bão trên địa bàn để kịp thời bổ sung những hạng mục còn thiếu, ưu tiên bố trí kinh phí, tập trung đầu tư dứt điểm một số điểm tránh, trú bão cho tàu thuyền đảm bảo đủ điều kiện sử dụng, đưa vào công bố theo quy định hiện hành của Bộ NN&PTNT. Đồng thời, các địa phương thường xuyên tuyên truyền, thông báo các vị trí neo đậu tránh, trú bão để người dân được biết; tổ chức giải tỏa, di chuyển bè nuôi trồng thuỷ sản của người dân vây quanh, gây khó khăn về luồng lạch cho tàu, thuyền mỗi khi di chuyển vào cảng, bến, khu neo đậu tránh trú bão.
Ông Hoàng Văn Tính (thôn Tân Phú, xã Tân Lập, huyện Đầm Hà) cho biết: Khu neo đậu tránh trú bão Thoi Dây đã được đầu tư bài bản, giúp người dân địa phương thuận tiện neo đậu tàu thuyền. Bến này có sức chứa hơn 80 tàu. Rất mong Nhà nước tiếp tục đầu tư khu tránh, trú bão khác trên địa bàn để bà con ngư dân thêm yên tâm mỗi khi mùa bão đến.
Được biết, để tạo điều kiện, đáp ứng nhu cầu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên địa bàn tỉnh, đầu năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện các giải pháp chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, gắn với công tác quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản năm 2023 trên địa bàn tỉnh; trong đó có hạng mục đầu tư xây dựng, hoàn thiện cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại các địa phương. Đồng thời, nghiên cứu phương án đầu tư mới 2 khu neo đậu kết hợp cảng cá là bến Mũi Ngọc (TP Móng Cái), cảng cá Hà Phong (TP Hạ Long) và 4 khu neo đậu tàu cá tại Quảng Hà (huyện Hải Hà), Vĩnh Trung (TP Móng Cái), vụng Ổ Lợn (huyện Vân Đồn) và bến Xưởng (TX Quảng Yên).
Nguồn: Để ngư dân có nơi neo đậu tàu, thuyền an toàn