Xây dựng thương hiệu đưa doanh nghiệp Việt hội nhập kinh tế toàn cầu
(Ảnh: Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ) |
Năm 2023, VinFast, một thương hiệu thuộc Tập đoàn Vingroup, đã tạo dấu ấn khi niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ vào ngày 15/8. Đây không chỉ là bước tiến đột phá của Vingroup mà còn là niềm tự hào của doanh nghiệp Việt Nam trên con đường toàn cầu hóa. Cùng với đó, vào năm 2024, theo báo cáo của Brand Finance, Viettel tiếp tục dẫn đầu với giá trị thương hiệu đạt 8,9 tỷ USD, giữ vị trí thương hiệu giá trị nhất Việt Nam trong 9 năm liên tiếp kể từ năm 2015. Vinamilk đứng thứ hai với giá trị thương hiệu đạt 2,6 tỷ USD, mặc dù giảm 11% so với năm 2023, nhưng vẫn giữ vững vị thế trong top các thương hiệu giá trị nhất Việt Nam.
Để đạt được những thành tựu đó, doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức và có chiến lược lâu dài, bền bỉ về xây dựng, phát triển thương hiệu. Việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang là xu hướng chung trên thế giới, tạo ra cơ hội mở rộng hợp tác kinh tế. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra thách thức về cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm, thương hiệu từ nhiều quốc gia khác.
Theo bà Tạ Hoàng Lan, Phó Trưởng phòng Phát triển năng lực xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, doanh nghiệp cần chủ động thích ứng, thay đổi không ngừng để đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ thị trường; quan tâm đến bảo hộ sở hữu trí tuệ, coi đây là chìa khóa quan trọng để xây dựng chỗ đứng cho hàng Việt. Ngoài ra, cần gia tăng tìm kiếm các liên kết xây dựng thương hiệu qua kết nối cung cầu giữa nhà sản xuất, nhà phân phối trong và ngoài nước, thu hút đầu tư để sản xuất, xuất khẩu hàng hóa chất lượng.
Trong thời đại số ngày nay, bảo hộ sở hữu trí tuệ vừa là nền tảng, vừa là công cụ để các doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu. Ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc, Chủ tịch Hội Sở hữu Trí tuệ Việt Nam từng chia sẻ rằng: Muốn bảo vệ nhãn hiệu hiệu quả trên thị trường quốc tế cần thực hiện các hoạt động sau: Thực hiện chiến lược bảo hộ nhãn hiệu toàn diện; Nâng cao nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ; Định giá, khai thác giá trị nhãn hiệu và đẩy mạnh xuất khẩu, ứng dụng công nghệ.
Mặc dù đã có nhiều tiến bộ, nhưng không thể phủ nhận rằng doanh nghiệp Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức trong việc xây dựng thương hiệu quốc tế. Theo khảo sát, khoảng 86% doanh nghiệp Việt Nam đã chú trọng hơn đến việc xây dựng thương hiệu. Để vượt qua những thách thức này, doanh nghiệp cần có tầm nhìn khát vọng và chiến lược phát triển thương hiệu rõ ràng. TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, nhấn mạnh rằng việc xây dựng, phát triển thương hiệu không phải là công việc ngày một ngày hai mà đòi hỏi một chiến lược, quá trình lâu dài, tỉ mỉ và chuyên nghiệp. Điều này phụ thuộc vào nội tại của doanh nghiệp, đặc biệt là ở người lãnh đạo.
Ngoài ra, nhà nước cần kiến tạo, hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất, xuất khẩu về mặt cơ chế, chính sách pháp lý, sở hữu trí tuệ; kết nối giao thông vùng nguyên liệu, tín dụng, xây dựng dữ liệu thông tin, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; tăng cường xây dựng thương hiệu quốc gia; hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu và gia tăng các biện pháp bảo hộ thương hiệu cho doanh nghiệp.
Bảo vệ nhãn hiệu trên thị trường quốc tế là một quá trình đòi hỏi chiến lược dài hạn và sự chủ động từ phía doanh nghiệp. Bằng cách đăng ký bảo hộ sớm, nâng cao nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ, định giá đúng giá trị nhãn hiệu và ứng dụng công nghệ hiện đại, doanh nghiệp Việt Nam có thể xây dựng thương hiệu vững chắc, nâng cao uy tín và mở rộng thị trường một cách hiệu quả.
Nguồn:Xây dựng thương hiệu đưa doanh nghiệp Việt hội nhập kinh tế toàn cầu