Quảng Ninh: Gìn giữ màu xanh cho Vịnh Hạ Long
Môi trường xanh, sạch trên Vịnh Hạ Long càng thu hút khách du lịch bốn phương. Ảnh: BQL Vịnh Hạ Long cung cấp. |
Những năm qua, Quảng Ninh đã nghiêm túc triển khai nhiều biện pháp hiệu quả để bảo vệ, bảo đảm tính toàn vẹn của Vịnh Hạ Long theo Công ước Di sản thế giới, các chính sách về phát triển bền vững của UNESCO và pháp luật của Việt Nam. Đồng thời, thường xuyên trao đổi và duy trì mối quan hệ với UNESCO, mạng lưới di sản biển thế giới, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN), Hiệp hội Các vịnh đẹp nhất thế giới... nhằm trao đổi, đề xuất hỗ trợ kinh nghiệm, tài chính, kỹ thuật phục vụ quản lý di sản, bảo vệ môi trường, bảo tồn các giá trị di sản Vịnh Hạ Long. Cùng với đó, tranh thủ hợp tác với các dự án quốc tế nhằm huy động thêm nguồn lực, tiếp cận với những giải pháp bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long hiệu quả, bền vững. Nổi bật phải kể đến Dự án JICA do Chính phủ Nhật Bản tài trợ với số vốn hơn 100 triệu yên (hơn 20 tỷ đồng). Dự án triển khai thành 2 giai đoạn (từ năm 2009 đến năm 2016) với nhiều hoạt động thiết thực, như: Trồng rừng ngập mặn; giáo dục nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long; hỗ trợ tàu vận chuyển rác thải trên Vịnh; nghiên cứu ứng dụng thu gom, phân loại rác thải…
Tỉnh đã phê duyệt Đề án rà soát, xác định hiện trạng tài nguyên Khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan Vịnh Hạ Long với 2.500ha rừng tự nhiên núi đá để cập nhật vào hồ sơ quản lý rừng phục vụ công tác bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch sinh thái theo hướng bền vững đối với kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Đồng thời, chỉ đạo Ban Quản lý Vịnh Hạ Long xây dựng đề cương nghiên cứu thành lập khu bảo tồn thiên nhiên Vịnh Hạ Long nhằm bảo tồn nghiêm ngặt tài nguyên tự nhiên khu vực Vịnh Hạ Long theo tiêu chí của khu bảo tồn thiên nhiên.
Chung tay tham gia dọn vệ sinh, thu gom phao xốp trên Vịnh Hạ Long. |
Để công tác bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long đạt hiệu quả cao, tỉnh cũng tích cực chỉ đạo các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát, kiểm soát các hoạt động có nguy cơ ảnh hưởng tới tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường vịnh; giám sát chất lượng môi trường, việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường... Theo đó, tỉnh đã kiên quyết thực hiện di chuyển 354 hộ dân ở các làng chài lên sinh sống tại khu tái định cư trong năm 2014 với mục tiêu ổn định cuộc sống cho ngư dân và giảm áp lực về môi trường trên vịnh. Cùng với đó, tiến hành lắp đặt thiết bị phân ly dầu nước cho 100% tàu du lịch hoạt động trên vịnh nhằm giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước thải; nâng cấp hệ thống xử lý nước thải tại các điểm tham quan; thực hiện nghiêm túc, thường xuyên công tác thu gom rác thải trôi nổi…
Việc ứng dụng công nghệ trong công tác bảo vệ môi trường được đẩy mạnh. Điển hình như áp dụng công nghệ xử lý nước thải Jokaso tại đảo Ti Tốp, đảo Đầu Gỗ, Vung Viêng, Ba Hang; sử dụng thiết bị camera giám sát hành trình lắp đặt tại các điểm tham quan trên Vịnh Hạ Long kịp thời phát hiện hành vi xâm hại tới cảnh quan di sản; ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong quản lý các tài nguyên thiên nhiên và môi trường Vịnh Hạ Long.
Các lực lượng chức năng kiểm tra việc thay thế sử dụng sản phẩm nhựa một lần trong hành trình tham quan Vịnh Hạ Long trên tàu du lịch. Ảnh: Phan Hằng |
Đặc biệt, tỉnh đã sớm triển khai chương trình “Vịnh Hạ Long không rác thải nhựa” thông qua việc tuyên truyền, nhắc nhở du khách để lại các sản phẩm từ nhựa dùng một lần trước khi tham quan Vịnh Hạ Long từ năm 2019. Đến nay, sau 5 năm triển khai, chương trình đã tạo sự đồng thuận của các doanh nghiệp, các đơn vị lữ hành, chủ tàu du lịch, người dân, du khách và tiếp tục được triển khai hiệu quả thông qua các hoạt động tuyên truyền thường xuyên, xử lý nghiêm túc các trường hợp vi phạm.
Cùng với đó, các chương trình phối hợp giữa các đơn vị, địa phương được triển khai như chiến dịch “Hãy làm sạch biển”, “Ngày Chủ nhật xanh”; dự án “Xây dựng mô hình cộng đồng quản lý, thu gom và xử lý rác thải nhựa vùng ven biển Vịnh Hạ Long”… đã huy động được sự tham gia sôi nổi, trách nhiệm của cộng đồng người dân, du khách nhằm chung tay góp phần bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long.
Tuổi trẻ Quảng Ninh đồng loạt ra quân chiến dịch “Hãy làm sạch biển” chào mừng kỷ niệm 30 năm Ngày Vịnh Hạ Long được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới lần thứ nhất 17/12 (1994-2024). |
Xác định trong quá trình phát triển đô thị, Vịnh Hạ Long vẫn đứng trước những thách thức không nhỏ về vấn đề môi trường. Do đó, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, cần tiếp tục có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, ngành, địa phương, sự chung tay của cộng đồng cũng như thu hút các nguồn lực bên ngoài từ các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế nhằm triển khai công tác bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long ngày càng đồng bộ, hiện đại, chuyên nghiệp và bền vững.
Nguồn: Gìn giữ màu xanh cho Vịnh Hạ Long