Quảng Ninh “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em”
Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có 347.194 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó có gần 140.000 trẻ em dưới 6 tuổi; trẻ em vùng đồng bào DTTS chiếm 12,3%. Toàn tỉnh có 4.534 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và 8.506 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
Hội Nữ doanh nhân tỉnh Quảng Ninh trao tặng 30 xe đạp cho 30 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn thuộc TP Hạ Long và thị xã Quảng Yên trong Lễ Phát động Tháng hành động vì trẻ em 2024. |
Xác định công tác bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ em là vấn đề có tính chiến lược và lâu dài, tỉnh đã có nhiều giải pháp thúc đẩy thực hiện các mục tiêu vì trẻ em, bên cạnh việc thực hiện đầy đủ các chính sách pháp luật đối với trẻ em, tỉnh còn ban hành các chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ trẻ em về giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, trợ giúp xã hội.
Từ năm 2021-2023, tỉnh đã ban hành 7 nghị quyết chuyên đề về trẻ em, trong đó có 5 nghị quyết chính sách hỗ trợ giáo dục cho trẻ em, với ngồn ngân sách tỉnh chi thực hiện các nghị quyết đặc thù đến hàng nghìn tỷ đồng, ngoài ra mỗi năm huy động nguồn lực xã hội hoá hơn 20 tỷ đồng chăm sóc trẻ em và trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Việt Nam tặng 100 suất học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vượt khó trong học tập trong Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em 2024. |
Đặc biệt, qua hơn ba năm đầu thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030, kết quả thực hiện các mục tiêu vì trẻ em có chuyển biến rõ nét so với năm đầu giai đoạn (2021), tiêu biểu là các mục tiêu về chăm sóc sức khoẻ dinh dưỡng cho trẻ em, giáo dục cho trẻ em, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Bên cạnh công tác chăm sóc trẻ em nói chung, tỉnh Quảng Ninh dành nhiều quan tâm và hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Các cơ quan, tổ chức xây dựng nhiều mô hình đỡ đầu, trợ giúp trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng, nay đã phát triển thành phong trào rộng khắp trên toàn tỉnh. Năm 2023 các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm nhận đỡ đầu hàng tháng gần 2.000 trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn với số tiền gần 14 tỷ đồng. Tiêu biểu như: Hội LHPN tỉnh với mô hình “Mẹ đỡ đầu”, triển khai từ năm 2020 đến nay đã vận động đỡ đầu hàng tháng 435 trẻ em (91 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và 344 trẻ em mồ côi); Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh vận động các cơ quan, doanh nghiệp đỡ đầu 270 trẻ; Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh nhận “Con nuôi biên phòng” và Chương trình nâng bước em tới trường, đỡ đầu 111 trẻ; Tỉnh Đoàn phân công các cơ sở Đoàn đỡ đầu 496 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; Hội Bảo trợ Người khuyết tật và trẻ em mồ côi tỉnh đỡ đầu 36 trẻ; Các huyện, thị xã, thành phố vận động đỡ đầu trên 300 trẻ, trong đó TP Hạ Long đỡ đầu 120 trẻ với mức 1 triệu đồng/trẻ/tháng.
69 tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trực tiếp ký giấy nhận đỡ đầu 120 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng cho đến khi các em đủ 18 tuổi. Ảnh: Hoàng Nga |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế ở Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung, trẻ em vẫn đang đối mặt với nhiều nguy cơ như các vấn đề về tai nạn thương tích, bạo hành, xâm hại trẻ em... Đòi hỏi sự chung tay và trách nhiệm của cả cộng đồng trong công cuộc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em 2024 với chủ đề “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em” gắn với triển khai hoạt động hè với chủ đề “Hè vui an toàn, học ngàn điều hay”, các hoạt động vui chơi cho trẻ trên địa bàn tỉnh cũng được tăng cường trong năm học và trong các dịp hè với nhiều lớp kỹ năng sống, trong đó chú trọng lồng ghép các nội dung về kỹ năng bơi lội, kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại.
Nguồn: Quảng Ninh “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em”