Hà Nội: 22°C
Thừa Thiên Huế: 19°C
TP Hồ Chí Minh: 29°C
Quảng Ninh: 25°C
Hải Phòng: 25°C

Quảng Ninh hướng tới trung tâm kinh tế biển hiện đại

Với hơn 250km bờ biển, trên 6.000km2 mặt biển, trên 1.000km2 diện tích hải đảo, Quảng Ninh là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển. Thời gian qua tỉnh dành sự quan tâm đặc biệt, ưu tiên phát triển ngành kinh tế này, nòng cốt là các hoạt động cảng, dịch vụ và công nghiệp ven biển... Qua đó từng bước đưa Quảng Ninh sớm trở thành một trong các trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước, là cửa ngõ, động lực phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, góp phần kết nối kinh tế biển của đất nước với khu vực và thế giới.
Quảng Ninh hướng tới trung tâm kinh tế biển hiện đại
2 tàu biển Celebrity Solstice (quốc tịch Malta) và Noordam (quốc tịch Hà Lan) đưa hơn 4.700 du khách đến Hạ Long, ngày 12/11/2024. Ảnh: Hoàng Quỳnh

Động lực từ Nghị quyết số 15-NQ/TU

Là cửa ngõ thông ra biển của cả vùng đồng bằng sông Hồng - vùng trung du miền núi phía Bắc, kinh tế biển của tỉnh Quảng Ninh luôn đóng vai trò quan trọng, là động lực phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nói chung, phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Đây là động lực tăng trưởng có đóng góp không nhỏ vào những thành tựu kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trên cơ sở những tiềm năng, lợi thế nổi trội, thời gian qua tỉnh ưu tiên dành nguồn lực cho phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển; khuyến khích huy động mọi nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển, bến bãi và hạ tầng kết nối cảng biển theo hướng đồng bộ, hiện đại; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nâng cao chất lượng, giảm thời gian, chi phí vận tải và dịch vụ logistics...

Quảng Ninh hướng tới trung tâm kinh tế biển hiện đại
Cảng Cái Lân (TP Hạ Long) bốc xếp gần 154.000 tấn hàng rời cho 5 tàu vào làm hàng đầu năm 2025. Ảnh: Nguyễn Thanh

Năm 2019 tỉnh có nghị quyết riêng về phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển (Nghị quyết số 15-NQ/TU). Mục tiêu của nghị quyết là đưa Quảng Ninh thành một trong những trung tâm kinh tế biển hàng đầu của cả nước, đồng thời đóng vai trò là cửa ngõ và động lực cho sự phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, liên kết với hệ thống cảng biển nước sâu. Các địa phương trọng tâm trong chiến lược này gồm Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Quảng Yên, Vân Đồn, Cô Tô, Hải Hà.

Sau khi Nghị quyết 15-NQ/TU được ban hành, BTV Tỉnh ủy đã nhanh chóng thành lập Ban Chỉ đạo phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển cho giai đoạn đến năm 2025, với tầm nhìn mở rộng đến năm 2030. HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, đề ra những nhiệm vụ cụ thể và phân công rõ trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện theo những mục tiêu Nghị quyết đề ra.

Ưu tiên đặc biệt trong giai đoạn này được tỉnh lựa chọn là phát triển đột phá về hạ tầng cảng biển. Theo đó, nhằm nâng công suất tối đa cho các bến cảng hiện hữu, tỉnh thực hiện sắp xếp lại các bến cảng, có lộ trình di dời các cơ sở hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; chỉ đạo rà soát tổng thể các bến cảng, bến phao neo tại khu vực Con Ong - Hòn Nét; hệ thống lại các bến cảng, luồng lạch để đánh giá, điều chỉnh quy mô, chức năng phù hợp với định hướng phát triển cảng biển của tỉnh; đồng thời thu hút đầu tư vào lĩnh vực cảng biển... Với nhiều giải pháp đồng bộ, giai đoạn 2019-2021 Quảng Ninh thu hút được 9 dự án với tổng mức đầu tư hơn 60.000 tỷ đồng.

Quảng Ninh hướng tới trung tâm kinh tế biển hiện đại
KCN Sông Khoai thuộc KKT biển Quảng Yên là một trong những KCN thu hút nhiều dự án lớn vào đầu tư sản xuất. Ảnh: Phạm Tăng

Cùng với đó, tỉnh đầu tư nhiều dự án động lực để hoàn thiện kết cấu hạ tầng đấu nối đến hệ thống cảng biển Quảng Yên, Vân Đồn, Hải Hà, Móng Cái và các KCN, KKT. Trong đó, hoàn thành và đưa vào khai thác đường nối KCN Cái Lân đến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; đường kết nối đường tỉnh 331 với đường tỉnh 338 (TX Quảng Yên); đường trục chính thứ 2 của KCN Cảng biển Hải Hà; đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả; cao tốc Vân Đồn - Móng Cái… Nhiều dự án hạ tầng quan trọng như Bến cảng cao cấp Ao Tiên, Cảng khách quốc tế Hòn Gai, Bến Cảng tổng hợp Vạn Ninh đã được triển khai. Tỉnh đang tiến hành 6 dự án đầu tư cho phát triển cảng biển và dịch vụ hậu cần, logistics, diện tích quy hoạch 6.956ha ở KKT ven biển Quảng Yên.

Đến nay sau hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU, chiến lược phát triển kinh tế biển của tỉnh có những bước tiến. Rõ nét nhất là tổng doanh thu dịch vụ cảng biển giai đoạn 2019-2023 đạt trên 14.840 tỷ đồng; tỷ trọng đóng góp của dịch vụ này vào GRDP của tỉnh đạt khoảng 0,49%, tăng 0,07% so với năm 2018. Từ năm 2019 trung bình mỗi năm có khoảng 12,95 triệu lượt khách đến Quảng Ninh. Khách du lịch biển đảo ghi nhận đạt 43,3 triệu lượt, vượt 184% so với kế hoạch và mục tiêu đề ra cho năm 2025 trong Nghị quyết. Nhiều khách sạn đạt tiêu chuẩn 4-5 sao cùng các sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng cao liên quan đến du lịch biển đảo đã được đầu tư, đưa vào hoạt động; phát huy giá trị của Di sản, Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.

Quảng Ninh hướng tới trung tâm kinh tế biển hiện đại
Bến cảng cao cấp Ao Tiên. Ảnh: Tạ Đức Quyền (Giám đốc Điều hành Bến cảng quốc tế Ao Tiên)

Ngành thủy sản có sự phát triển toàn diện, bao gồm nuôi trồng, khai thác và chế biến. Năm 2024 toàn tỉnh có 11.252 cơ sở NTTS, trong đó nuôi biển khoảng 10.200ha, tập trung chủ yếu ở Vân Đồn, Cẩm Phả, Cô Tô, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái, Hạ Long; mang thu nhập ổn định cho người dân khu vực này. Tại TP Cẩm Phả, hoạt động NTTS đang tạo việc làm cho 1.500 lao động trên địa bàn; sản lượng nuôi trồng mỗi năm đạt 19.100 tấn, mang lại giá trị kinh tế gần 1.200 tỷ đồng.

Ngành công nghiệp ven biển được thúc đẩy theo hướng bền vững với việc ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm nâng cao năng suất và bảo vệ môi trường, qua đó tăng cường tỷ trọng công nghiệp chế biến và chế tạo. Quy mô ngành kinh tế hàng hải ngày càng gia tăng, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong giá trị gia tăng của kinh tế biển. Tổng sản lượng hàng hoá thông qua cảng 5 năm (2019-2023) đạt 627,7 triệu tấn; bình quân đạt 124,1 triệu tấn/năm, vượt mục tiêu đến năm 2025.

Quảng Ninh hướng tới trung tâm kinh tế biển hiện đại
Mô hình nuôi cá chim vây vàng tại phường Cẩm Đông (TP Cẩm Phả). Ảnh Hải Hà

Phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế biển của cả nước

Với mục tiêu tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của kinh tế biển vào GRDP, tỉnh phấn đấu đến năm 2030 kinh tế biển chiếm 25% tổng kinh tế của tỉnh; xây dựng Quảng Ninh là một trong những trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ giao thương quốc tế; doanh thu dịch vụ cảng biển khoảng 25.000 tỷ đồng,... Trong đó ưu tiên các ngành, nghề: Du lịch và dịch vụ biển; kinh tế hàng hải; phát triển KKT ven biển; NTTS và khai thác thủy sản bền vững; công nghiệp ven biển theo hướng thân thiện môi trường; năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.

Để tiếp tục đánh thức tiềm năng, thế mạnh của biển, tỉnh đang tập trung rà soát, hiện thực hóa các quy hoạch và có định hướng dài hơi cho phát triển. Trong đó chú trọng kêu gọi thu hút đầu tư và hỗ trợ đầu tư hạ tầng cảng biển; hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối để làm cơ sở thu hút đầu tư ngoài ngân sách; nâng cao chất lượng, dịch vụ cảng biển.

Quảng Ninh hướng tới trung tâm kinh tế biển hiện đại
Nuôi trồng thủy sản tại vùng biển Vân Đồn. Ảnh: Nguyễn Duy

Tỉnh tiếp tục nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách đủ mạnh để thu hút đầu tư vào các KKT, tạo nguồn hàng cho các hãng tàu về làm hàng tại các cảng của tỉnh; thu hút, kêu gọi các tập đoàn tài chính, ngân hàng mở chi nhánh, văn phòng đại diện tại Quảng Ninh. Đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp có kinh nghiệm, năng lực tài chính và ý tưởng đầu tư đồng bộ hệ thống cảng biển, hậu cần logistics, kinh doanh đa loại hình dịch vụ theo chuỗi đạt chuẩn quốc tế; tiếp tục triển khai các giải pháp quảng bá thương hiệu, định vị thương hiệu hệ thống cảng biển Quảng Ninh đến các hãng tàu lớn, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ cảng biển trên thế giới. Đặc biệt trong chiến lược phát triển kinh tế biển, tỉnh luôn chú trọng gắn với giữ gìn giá trị, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa vùng biển Quảng Ninh.

Để chuẩn bị đón đầu xu thế phát triển mới, khai thác tốt lợi thế, tiềm năng trong xu hướng dịch chuyển toàn cầu, rất cần sự quan tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cảng biển; triển khai các giải pháp vận tải kết hợp, nhằm tiết kiệm cước vận tải, hỗ trợ doanh nghiệp tăng khả năng quay vòng vốn, giảm thời gian chạy rỗng, tăng cường kiểm soát chi phí nhiên liệu, phụ tùng, vật tư, sửa chữa... Đồng thời tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu thị trường vận tải, tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng nhằm từng bước gia tăng, chiếm lĩnh thị phần quốc tế… Qua đó đưa Quảng Ninh trở thành một trung tâm kinh tế biển bền vững của cả nước, cửa ngõ trung chuyển hướng biển của khu vực trên cơ sở phát triển du lịch - dịch vụ kết nối khu vực và quốc tế; là một trong những trung tâm logistics trọng điểm của cả nước.

Nguồn: Quảng Ninh hướng tới trung tâm kinh tế biển hiện đại

Đặng Dung
quangninh.gov.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin mới nhất

Quảng Ninh: Động lực tăng trưởng kinh tế từ các dự án ngoài ngân sách

Quảng Ninh: Động lực tăng trưởng kinh tế từ các dự án ngoài ngân sách
Cùng với các dự án đầu tư công, các dự án đầu tư ngoài ngân sách chiếm một số lượng lớn nguồn vốn đầu tư, khi được phát huy hiệu quả, tạo ra động lực tăng trưởng lớn cho nền kinh tế của tỉnh, nhất là trong bối cảnh tỉnh Quảng Ninh quyết tâm cán đích năm 2025 ở mức tăng trưởng kinh tế trên 14%.

Bắt giữ nghi phạm gây cháy rừng nghiêm trọng tại Hàn Quốc

Bắt giữ nghi phạm gây cháy rừng nghiêm trọng tại Hàn Quốc
Thông tin từ giới chức Hàn Quốc, quốc gia này đã bắt giữ một nghi phạm gây ra thảm hoạ cháy rừng khiến hàng chục người tử vong và bị thương.

Giám sát chặt chẽ nguồn khoáng sản chưa khai thác

Giám sát chặt chẽ nguồn khoáng sản chưa khai thác
Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, địa phương đã đẩy mạnh công tác bảo vệ, giám sát chặt chẽ nguồn khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn.

Chủ động "xã hội hoá" để biến bãi rác thành vườn hoa

Chủ động "xã hội hoá" để biến bãi rác thành vườn hoa
Nằm sát đường Lê Duẩn với phố Ô Đông Lầm, hơn 20 năm nay, một bãi đất trống bị biến tướng thành bãi rác gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị. Nhằm góp phần giữ gìn cảnh quan khu dân cư, hưởng ứng lời kêu gọi từ chính quyền địa phương, người dân Tổ dân phố số 1 phường Phương Liên - Trung Tự (quận Đống Đa) đã cùng nhau xã hội hoá để cải tạo nơi đây. “Chiến dịch” đã thu hút sự chung tay của bà con, và giờ đây bãi rác thải đã biến thành vườn hoa đẹp.

Bất động sản xanh trở thành xu hướng mới tại các thành phố vệ tinh Hà Nội

Bất động sản xanh trở thành xu hướng mới tại các thành phố vệ tinh Hà Nội
Năm 2024 đánh dấu làn sóng mạnh mẽ của xu hướng sống xanh và đầu tư bền vững tại các thành phố vệ tinh quanh Hà Nội như Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam... Bên cạnh việc được dẫn dắt bởi hạ tầng kết nối, mặt bằng giá hợp lý và dư địa phát triển dài hạn, thị trường còn chứng kiến sự bứt phá của các dự án kiến tạo theo tiêu chuẩn xanh quốc tế, mang đến không gian sống trong lành, tiện ích nghỉ dưỡng và tiềm năng sinh lời hấp dẫn.