Quảng Ninh: Phát triển du lịch từ văn hóa bản địa
Quảng Ninh: Du lịch tăng tốc về đích Quảng Ninh: Đẩy mạnh các mô hình kinh tế nông nghiệp tập thể |
Thi đẩy gậy tại Hội hoa sở Bình Liêu năm 2022. Ảnh tư liệu |
Huyện Bình Liêu đang hoàn tất công tác chuẩn bị cho Hội hoa sở năm 2023, dự kiến diễn ra trung tuần tháng 12 tới. Với nhiều hoạt động đặc sắc, mang đậm dấu ấn địa phương như: Chương trình nghệ thuật; thể thao, trò chơi dân gian; thi tách vỏ sở; thi ẩm thực; thi trưng bày cụm dong riềng... Hội hoa sở năm nay hứa hẹn thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Gắn với biểu tượng một loài hoa đặc trưng của vùng miền núi, biên giới Bình Liêu, Hội hoa sở được huyện Bình Liêu tổ chức thường niên từ năm 2015. Ông Hoàng Ngọc Ngò, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Hội hoa sở góp phần tôn vinh, quảng bá, giới thiệu vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa, con người nơi đây. Qua đó thúc đẩy phát triển du lịch địa phương, từng bước khẳng định dấu ấn đặc sắc, thế mạnh của du lịch Bình Liêu.
Người Dao tại xã Kỳ Thượng (TP Hạ Long) tham gia vào mô hình du lịch cộng đồng tại Am Váp Farm. Ảnh tư liệu |
Huyện Bình Liêu còn tổ chức nhiều hoạt động du lịch khác dựa trên thế mạnh văn hóa bản địa, đó là cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào DTTS. Tiêu biểu là Lễ hội đình Lục Nà, Hội Soóng Cọ, Ngày hội kiêng gió, Hội Mùa vàng, Ngày hội Văn hóa - thể thao các dân tộc... Điểm nhấn của các lễ hội này là những màn biểu diễn hát dân ca, trò chơi dân gian, nghi lễ của đồng bào DTTS, sắc màu trang phục, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng..., là những yếu tố níu chân du khách.
Các địa phương khác như Móng Cái, Ba Chẽ, Vân Đồn, Tiên Yên... cũng tích cực khai thác nguồn dư địa từ bản sắc văn hóa các đồng bào DTTS để phát triển du lịch. Huyện Ba Chẽ đang chú trọng phát triển các lễ hội gắn với hệ thống đình, chùa. như: Lễ hội Bàn Vương; Lễ hội Miếu Ông - Miếu Bà; Lễ hội đình Làng Dạ. Trong các lễ hội, du khách được trải nghiệm các nghi lễ cấp sắc, nhảy lửa, múa rùa, múa vật chày, thêu thổ cẩm, hát páo dung, thi nấu xôi ngũ sắc, thi trang phục dân tộc... là các hoạt động mang đậm bản sắc các dân tộc Dao, Tày, Sán Chay ở Ba Chẽ. Những năm qua, các lễ hội không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân về tâm linh, mà còn phát triển du lịch, thu hút du khách trong và ngoài tỉnh tới tham quan, chiêm bái.
Huyện Tiên Yên có Lễ hội đua thuyền truyền thống xã Đồng Rui; Lễ hội đình Đồng Đình; Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc Dao, Sán Chỉ, Tày, Sán Dìu; chợ phiên Hà Lâu... TP Hạ Long có Hội làng Bằng Cả; TP Móng Cái có Ngày hội Văn hóa - Thể thao - Du lịch các dân tộc, gắn với phiên chợ Pò Hèn (xã Hải Sơn)...
Tái hiện nghi lễ rước dâu của dân tộc Sán Chỉ. Ảnh: Nguyễn Dung |
Quảng Ninh hiện có 42 thành phần DTTS với hơn 162.000 người. Thời gian qua tỉnh đã có nhiều quyết sách để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực này, trong đó du lịch gắn với văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS được coi là giải pháp quan trọng.
Bên cạnh phục hồi, duy trì và phát huy những lễ hội truyền thống, các địa phương cũng tích cực phát triển các CLB sinh hoạt văn hóa dân gian; bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể; xây dựng mô hình văn hóa truyền thống các DTTS. Tỉnh đang tập trung đầu tư 4 làng DTTS: Làng dân tộc Tày ở Bản Cáu, xã Lục Hồn (huyện Bình Liêu); Làng dân tộc Sán Chỉ tại thôn Lục Ngù, xã Húc Động (huyện Bình Liêu); Làng dân tộc Dao Thanh Y xã Hải Sơn (TP Móng Cái); Làng dân tộc Sán Dìu xã Bình Dân (huyện Vân Đồn) để phát triển du lịch gắn với văn hóa đồng bào DTTS.
Nguồn: Phát triển du lịch từ văn hóa bản địa