Quảng Ninh: Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo
CLB Đầu tư và Khởi nghiệp Quảng Ninh phối hợp với CLB Đầu tư và Khởi nghiệp huyện Tiên Yên tổ chức chương trình kết nối xúc tiến thương mại khởi nghiệp khu vực miền Đông lần thứ nhất (tháng 8/2024). Ảnh: Trần Hoàn (CTV) |
Để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, những năm gần đây, Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp đột phá để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp tại địa phương. Đặc biệt, việc tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp được tỉnh chú trọng, với mong muốn phát triển hạ tầng vườn ươm doanh nghiệp, kết nối nguồn lực; phát triển tư duy đổi mới sáng tạo, ý tưởng kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp trong giới trẻ; xây dựng văn hóa khởi nghiệp trong cộng đồng.
Cùng với đó, Quảng Ninh cũng tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư; nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức hội, hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn; đẩy mạnh hỗ trợ ứng dụng KHCN trong hoạt động khởi nghiệp sáng tạo…
Với nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của tỉnh đã có những bước tiến quan trọng, đóng góp tích cực vào phát triển KT-XH của địa phương. Đến nay ngoài CLB Đầu tư và Khởi nghiệp Quảng Ninh, toàn tỉnh đã có 13 CLB khởi nghiệp cấp huyện, 3 CLB khởi nghiệp trong các trường đại học, cao đẳng được thành lập. Các CLB khởi nghiệp trong toàn tỉnh đã thu hút gần 500 hội viên, tạo thành hệ sinh thái đa dạng với nhiều ngành, nghề, lĩnh vực khác nhau.
Tuy đã đạt được những kết quả tương đối tích cực, nhiều hoạt động khởi nghiệp đi vào chiều sâu, nhưng xét về mặt tiềm năng, lợi thế và cơ hội phát triển, con số doanh nghiệp cũng như hoạt động hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Quảng Ninh vẫn chưa đạt được mục tiêu kỳ vọng. Các phong trào khởi nghiệp hoạt động còn phân tán, thiếu tập trung; mối liên kết giữa các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp chưa được hình thành đồng bộ.
Bên cạnh đó, vai trò của Nhà nước trong hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo còn hạn chế; việc phối hợp triển khai các hoạt động vẫn còn rời rạc, chưa đồng bộ, còn trùng lắp, chồng chéo, chưa phát huy mạnh mẽ trong công tác hỗ trợ khởi nghiệp. Đặc biệt, ý tưởng khởi nghiệp chưa nhiều, nguồn lực đầu tư hạn hẹp, thiếu tính đổi mới sáng tạo, các ý tưởng dự án chưa có chính sách hỗ trợ để phát triển thành doanh nghiệp…
Anh Phạm Thanh Nhàn (ngoài cùng, bên trái), Giám đốc Công ty CP Phát triển công nghệ Cyberlogistics Việt Nam là một điển hình trong phong trào khởi nghiệp sáng tạo tại Quảng Ninh. Ảnh: Cao Quỳnh |
Từ thực tế đó, để tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế của lĩnh vực này, Quảng Ninh đã và đang dành nhiều sự quan tâm cho mục tiêu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp thông qua những cơ chế, chính sách mang tính động lực. Nhiều nghị quyết, kế hoạch về hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được địa phương ban hành. Gần đây nhất là Quyết định số 1919/QĐ-UBND ngày 1/7/2024 về phê duyệt Đề án phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực, xây dựng thương hiệu tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Mục tiêu đặt ra theo Nghị quyết số 1919 là phát triển doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng để tạo động lực quan trọng cho phát triển KT-XH của tỉnh nhanh, bền vững; coi khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo là cốt lõi làm cơ sở để nghiên cứu chủ trương, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển gắn với với những sản phẩm chủ lực có sức cạnh tranh cao, có sức lan tỏa, phát triển bền vững và có khả năng mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. Phấn đấu giai đoạn 2024-2030 trung bình mỗi năm thành lập mới khoảng 2.000 doanh nghiệp; tới năm 2030 khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 70% GRDP, khoảng 38% tổng việc làm trong nền kinh tế…
Trước đó, ngày 30/5/2024, UBND tỉnh cũng đã tổ chức khai trương Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hỗ trợ chuyển đổi số nhằm tạo không gian hỗ trợ đổi mới sáng tạo. Trung tâm có chức năng cung cấp không gian, tiện ích, phương tiện phục vụ cho các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng; tiếp nhận và phát triển các sáng kiến và các thử nghiệm thực tế, tổ chức các cuộc thi ý tưởng, sáng kiến phục vụ cộng đồng; nâng cao năng lực khoa học công nghệ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; tổ chức các hoạt động thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ phát triển các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, liên kết với các vườn ươm trong và ngoài tỉnh để thực hiện ươm tạo dự án khởi nghiệp.
Đây cũng là nơi tổ chức các hoạt động truyền thông về vai trò của đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đến toàn thể cộng đồng trên địa bàn tỉnh; tổ chức các chương trình trải nghiệm thực tế cho học sinh, sinh viên. Cùng với đó là hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp trong việc triển khai các thủ tục doanh nghiệp và đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Trung tâm đi vào hoạt động sẽ góp phần tăng số lượng và chất lượng các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khoa học công nghệ; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương theo chiều sâu trên cơ sở tăng cường đóng góp của KHCN; tăng cường hợp tác công tư, thúc đẩy liên kết ba nhà theo định hướng phát triển của tỉnh; đồng thời sẽ là một mắt xích quan trọng trong việc lan tỏa định hướng phát triển chung trong toàn tỉnh về phát triển cũng như kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp tỉnh Quảng Ninh với các hệ sinh thái trong khu vực và trong cả nước.
Nguồn: Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo