Quốc gia nào "mở đường" áp thuế carbon ngành nông nghiệp?
Ngành nông nghiệp châu Âu đang quyết liệt theo đuổi chiến lược giảm phát thải. |
Chính phủ Đan Mạch sẽ áp dụng thuế carbon đối với nông nghiệp, sau khi cuộc đàm phán kéo dài 5 tháng với các nhóm nông nghiệp và bảo tồn kết thúc bằng một thỏa thuận lịch sử vào ngày 24/6 vừa qua.
Theo đó, từ năm 2030, nông dân sẽ phải trả 120 krone Đan Mạch (khoảng 16 euro) cho mỗi tấn carbon dioxide thải ra tương đương, và sẽ tăng lên 300 krone (40 euro) từ năm 2035 trở đi. Chính phủ Đan Mạch cũng sẽ cung cấp 5,3 tỷ euro để trồng lại 250.000 ha đất nông nghiệp vào năm 2045, cũng như dành 140.000 ha đất thấp vào năm 2030 và mua lại một số trang trại để giảm lượng khí thải nitơ.
Bộ trưởng Kinh tế Stephanie Lose đã viết trên X rằng đây là một “thỏa thuận sẽ tạo cơ sở cho quá trình tái tổ chức và tái cơ cấu có tính lịch sử đối với đất đai và sản xuất lương thực của Đan Mạch”.
Các cuộc đàm phán bắt đầu vào tháng 2 năm nay giữa Hội đồng Nông nghiệp và Thực phẩm Đan Mạch, Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Đan Mạch, Liên đoàn Thực phẩm Đan Mạch (NNF), Hiệp hội Công nhân Kim loại Đan Mạch và Liên đoàn Công nghiệp Đan Mạch. 5 hiệp hội hiện đang kêu gọi các nhà lập pháp phê duyệt thỏa thuận, thỏa thuận này sẽ được xem xét và thông qua sau kỳ nghỉ hè.
Mục tiêu của thuế carbon là thúc đẩy các nông dân sử dụng công nghệ mới để giảm phát thải, chẳng hạn như các phụ gia thức ăn giảm phát thải metan và thay đổi cấu trúc sản xuất từ chăn nuôi sang trồng trọt. Ngoài ra, việc tái trồng rừng cũng được xem xét như một phần của chính sách hỗ trợ nông dân.
Đối với ngành chăn nuôi, Đan Mạch còn dự kiến áp thuế carbon cho mỗi con bò dựa trên lượng khí thải metan mà mỗi con phát thải ra môi trường. Theo các ước tính hiện tại, trung bình một con bò phát thải khoảng 2,5 đến 3 tấn CO2e (đơn vị tương đương CO2) mỗi năm.
Thuế môi trường là vấn đề gây nhiều tranh cãi tại EU |
Chương trình Môi trường Liên hợp quốc cho biết mức độ khí mêtan thải ra từ các nguồn bao gồm bãi chôn lấp, hệ thống dầu khí tự nhiên và chăn nuôi đã tăng đặc biệt nhanh chóng kể từ năm 2020. Chăn nuôi chiếm khoảng 32% lượng khí thải mêtan do con người gây ra. Khoảng 90% lượng khí mê-tan từ chăn nuôi xuất phát từ cách chúng tiêu hóa, thông qua quá trình lên men và được thải ra dưới dạng ợ hơi qua miệng. Bò chiếm phần lớn lượng khí mê-tan thải ra. Hầu hết 10% khí mê-tan còn lại trong chăn nuôi đều thải ra từ các ao chứa phân của cả hoạt động chăn nuôi lợn và gia súc.
Bộ trưởng Thuế vụ Đan Mạch Jeppe Bruus cho biết: “Chúng tôi sẽ tiến một bước lớn hơn trong việc trở thành trung lập về khí hậu vào năm 2045”, đồng thời cho biết thêm Đan Mạch sẽ là quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng thuế CO2 đối với nông nghiệp và hy vọng các quốc gia khác sẽ làm theo.
Động thái của Đan Mạch được đưa ra sau nhiều tháng biểu tình của nông dân trên khắp châu Âu chống lại các biện pháp và quy định giảm thiểu biến đổi khí hậu mà họ cho rằng đang khiến họ phá sản.
Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Đan Mạch, tổ chức môi trường và bảo tồn thiên nhiên lớn nhất ở Đan Mạch, mô tả thỏa thuận thuế là “một thỏa hiệp lịch sử”. Người đứng đầu Hiệp hội Maria Reumert Gjerding cho biết: “Chúng tôi đã thành công trong việc đạt được thỏa hiệp về thuế CO2, đặt nền móng cho một ngành công nghiệp thực phẩm được tái cơ cấu – cũng ở phía bên kia của năm 2030”.
Trong nỗ lực giảm phát thải của mình, chính phủ Đan Mạch cũng đã đạt được các thỏa thuận quan trọng về việc mở rộng năng lượng tái tạo, bao gồm việc tăng gấp bốn lần sản xuất điện mặt trời và gió trên đất liền, và tăng gấp năm lần sản xuất điện gió ngoài khơi đến năm 2030. Các sáng kiến này cùng với quỹ đầu tư xanh trị giá 7,2 tỷ EUR sẽ hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của Đan Mạch.
Việc áp thuế lên ngành nông nghiệp đất nước nhận được phản ứng trái chiều. Một báo cáo của Hội đồng Khí hậu Đan Mạch dự đoán rằng một mức thuế 750 krone mỗi tấn CO2 sẽ làm tăng tỷ lệ các trang trại thua lỗ lên khoảng 45%.
Các tổ chức nông nghiệp và một số chính trị gia lo ngại rằng mức thuế cao sẽ làm giảm tính cạnh tranh của nông sản Đan Mạch và có thể dẫn đến việc di chuyển sản xuất ra nước ngoài. Bên cạnh đó, các chuyên gia lo ngại rằng thuế cao có thể dẫn đến mất hàng nghìn công việc trong ngành nông nghiệp, đặc biệt là đối với các trang trại nhỏ và vừa.
Ngược lại, các tổ chức môi trường như Greenpeace lại ủng hộ mức thuế cao và cho rằng việc sử dụng tiền thu từ thuế để hỗ trợ chuyển đổi xanh trong nông nghiệp là cần thiết.
Nguồn: https://diendandoanhnghiep.vn/quoc-gia-nao-mo-duong-ap-thue-carbon-nganh-nong-nghiep-265522.htmlQuốc gia nào "mở đường" áp thuế carbon ngành nông nghiệp?