Siết chặt công tác quản lý, giám sát rừng đặc dụng, rừng phòng hộ
Công tác quản lý rừng đặc dụng được thực hiện bởi hai đơn vị chính là Khu Bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen ở huyện Tân Hưng, với tổng diện tích 1.970,75ha và Khu Bảo tồn Đa dạng sinh học - Cây dược liệu Đồng Tháp Mười tại huyện Mộc Hóa, với diện tích 1.029,25ha.
Được biết Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (huyện Tân Hưng) là nơi sinh sống của hơn 150 loài thực vật; 148 loài chim gồm nhiều loài có tên trong Sách Đỏ; 78 loài thủy sản nước ngọt, trong đó có 27 loài đặc hữu sông Mekong như cá tra dầu, cá lóc bông, cá thát lát, cá linh,... Khu vực này có tổng diện tích đất lâm nghiệp hơn 2.000ha, trong đó diện tích rừng chiếm gần 1.200ha, chủ yếu là rừng tràm.
Trước đó vào cao điểm khô hạn, thông tin từ Lãnh đạo Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, nhằm ứng phó với nguy cơ cháy rừng, Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen bố trí 4 chốt cùng 4 tháp canh lửa và lực lượng, phương tiện phục vụ công tác phòng cháy rừng ở nhiều khu vực trọng yếu.
Đơn vị cũng thường xuyên tuyên truyền người dân sống quanh khu vực nâng cao ý thức phòng chống cháy rừng trong cao điểm mùa khô; vận động 100% hộ dân trong khu vực ký cam kết phòng cháy, chữa cháy rừng; bố trí phương tiện phòng chống cháy rừng, thường xuyên kiểm tra, vận hành máy chữa cháy chuyên dụng và phương tiện vận chuyển.
Đối với rừng phòng hộ, tỉnh có 6 đơn vị quản lý. Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, thời gian qua, công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo từ Tỉnh ủy và UBND tỉnh.
Cùng với đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành và địa phương đã giúp ngăn chặn tình trạng phá rừng và khai thác trái phép. Trong mùa khô năm 2024, tỉnh đã tổ chức kiểm tra và củng cố lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng, không có vụ cháy nào xảy ra, điều này cho thấy hiệu quả của các biện pháp phòng ngừa.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục rà soát và hoàn thiện hệ thống rừng đặc dụng và rừng phòng hộ theo quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia. Trong đó, tập trung vào bảo vệ môi trường thiên nhiên, phục hồi hệ sinh thái rừng tự nhiên bị suy thoái; đồng thời, triển khai các chương trình, đề án phát triển lâm nghiệp bền vững đã được phê duyệt.
Ngoài ra, tỉnh tiếp tục nỗ lực trong công tác quản lý và bảo vệ rừng, góp phần phát triển KT-XH bền vững, bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống nhân dân. Các chính sách và chương trình sẽ được thực hiện một cách hiệu quả, bảo đảm an ninh và phát triển bền vững trong khu vực.
Rừng phòng hộ có ý nghĩa quan trọng với đời sống người dân Long An. (Ảnh minh hoạ). |
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, toàn tỉnh hiện có hơn 20.898,42ha rừng, độ che phủ rừng của tỉnh năm 2024 là 4,23%. So với đầu năm 2024, diện tích thực giảm 287,55ha do chưa trồng lại rừng sau khai thác.
Theo các quyết định của UBND tỉnh và Thủ tướng Chính phủ, diện tích quy hoạch đất rừng của tỉnh đến năm 2030 là 20.853ha. Hiện toàn tỉnh đã có hơn 20.898,42ha, bao gồm 1.833,79ha rừng đặc dụng; 2.087,58ha rừng phòng hộ và 16.977,05ha rừng sản xuất. So với đầu năm 2024, diện tích rừng thực tế đã giảm 287,55ha. Độ che phủ rừng năm 2024 đạt 4,23%.
Nhờ những nỗ lực không ngừng của chính quyền địa phương và người dân, diện tích rừng đặc dụng và rừng phòng hộ của tỉnh Long An không những được bảo tồn mà còn đã tăng đáng kể trong những năm gần đây. Bên cạnh đó, việc trồng rừng không chỉ giúp cải thiện môi trường, bảo vệ nguồn nước mà còn tạo ra nhiều lợi ích về kinh tế và xã hội cho người dân sinh kế dưới tán rừng.
Về phát triển rừng, tỉnh đặt mục tiêu trồng 277,28ha rừng trong giai đoạn 2021-2025. Tính đến tháng 10/2024, các hoạt động trồng rừng đang được triển khai tích cực, với các kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được phê duyệt. Riêng năm 2024, tỉnh Long An có kế hoạch trồng 94ha rừng phòng hộ và trồng 130ha rừng đặc dụng. Đến nay, đã phê duyệt thiết kế dự toán trồng 93,77ha rừng đặc dụng và phòng hộ với tổng kinh phí trên 13,860 tỉ đồng, hiện các chủ đầu tư đang thực hiện các bước tiếp theo.
Đối với các phần diện tích còn lại, hiện các chủ đầu tư đang tiến hành các thủ tục giai đoạn đầu tư và tiến hành trồng rừng trong năm 2024 (mùa vụ trồng rừng trên địa bàn tỉnh là từ tháng 10 đến tháng 12 hàng năm) bảo đảm theo kế hoạch đề ra.
Để tiếp tục bảo vệ diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ hiệu quả, các cơ quan chức năng Long An trong giai đoạn tiếp theo sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ rừng. Đồng thời, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như chọn giống cây phù hợp; xây dựng hệ thống tưới tiêu; tăng cường tuần tra bảo vệ rừng;…/.
Nguồn: Siết chặt công tác quản lý, giám sát rừng đặc dụng, rừng phòng hộ