Sôi động cuộc đua năng lượng tái tạo
Điện gió - 'Chìa khóa' cho năng lượng tái tạo phát triển bền vững Lào đẩy mạnh phát triển đa dạng các nguồn năng lượng tái tạo |
Sôi động cuộc đua năng lượng tái tạo |
Điện gió lan tỏa tới 130 quốc gia
Trong bối cảnh giá năng lượng hóa thạch biến động mạnh do khan hiếm tài nguyên cũng như chiến tranh (khu vực Trung Đông, Nga - Ukraine...), các nước bắt đầu quan tâm hơn đến phát triển điện gió. Đây được xem là chìa khóa để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và thúc đẩy nền kinh tế không carbon. Trong đó, điện gió ngoài khơi là một nguồn năng lượng tái tạo có triển vọng phát triển lớn. Ưu điểm chính của điện gió ngoài khơi là khả năng tạo ra điện cao hơn vì tốc độ gió trên đại dương thường ổn định hơn và mạnh hơn so với trên đất liền. Ngoài ra, một điểm cộng khác là thực tế không giới hạn các địa điểm ngoài khơi để triển khai trang trại điện gió mà ít hoặc không ảnh hưởng đến xung đột dân cư. Hơn nữa, những tiến bộ gần đây trong công nghệ điện gió ngoài khơi giúp giảm chi phí vốn, lắp đặt và vận hành.
Theo số liệu thống kê, hiện đã có 130 nước trên thế giới phát triển điện gió. Tổng công suất điện gió của thế giới tăng nhanh trong khoảng 1 thập niên gần đây, đến năm 2020 lên tới 733 GW, cao gần gấp 2 lần so với năm 2011.
Kể từ năm 2010, hơn một nửa tổng lượng điện gió mới đã được bổ sung bên ngoài các thị trường truyền thống là châu Âu và Bắc Mỹ, chủ yếu do sự bùng nổ điện gió liên tục ở Trung Quốc và Ấn Độ.
Năm 2020, tỷ lệ sử dụng điện gió đạt 56% ở Đan Mạch, Uruguay 40%, Lithuania 36%, Ireland 35%, Bồ Đào Nha 23%, Anh 24%, Đức 23%, Tây Ban Nha 20%, Hy Lạp 18%, Thụy Điển 16%, EU 15%, Mỹ 8% và Trung Quốc 6%. Hiện Vương quốc Anh là nước đứng đầu thế giới về phát triển điện gió ngoài khơi, chiếm 40% sản lượng điện gió toàn cầu; Đức đứng thứ hai, chiếm 27%; Đan Mạch chiếm 10,5%; Trung Quốc chiếm 8,4%, Bỉ chiếm 6,0%.
Hiện nay, các trang trại điện gió ngoài khơi chủ yếu phát triển ở các nước Tây Âu, Trung Quốc, châu Mỹ. Tại khu vực Biển Đông, phía Bắc xung quanh eo biển Đài Loan là những nơi có nhiều dự án điện gió được triển khai. Khu vực phía Nam Biển Đông, các dự án điện gió của Việt Nam cũng được phát triển mạnh.
Những nhà tiên phong xuất khẩu điện mặt trời
Cùng với sự gia tăng nhu cầu về năng lượng tái tạo, một số quốc gia đã linh hoạt trở thành những nhà tiên phong xuất khẩu điện mặt trời.
Ở Đông Nam Á, quốc đảo Indonesia đang dẫn đầu cuộc đua điện mặt trời. Những tháng gần đây, 5 dự án xuất khẩu điện mặt trời khổng lồ đã được đề xuất ở Indonesia, trong đó có việc xây dựng một công viên điện mặt trời 3,5 GW và một cơ sở lưu trữ pin 12 GWh trên 4.000 ha đất trên quần đảo Riau của Indonesia. Điện mặt trời được tạo ra sau đó sẽ được xuất khẩu sang Singapore thông qua một tuyến cáp ngầm dưới biển.
Hiện tại, Singapore sản xuất 95% điện năng từ khí đốt nhập khẩu. Năm ngoái, Chính phủ Singapore đã công bố mục tiêu nhập khẩu tới 4 GW điện carbon thấp, tương đương 30% nhu cầu vào năm 2035, do đó, tạo cơ hội xuất khẩu điện mặt trời cho các quốc gia như Indonesia.
Trong khi đó, xứ sở chuột túi Australia cũng có những lợi thế về tự nhiên, bao gồm nhiều đất chưa sử dụng để xây dựng một nhà máy điện mặt trời quy mô 12.000 ha và thời tiết thuận lợi để sản xuất điện mặt trời.
Ở Bắc Phi, Maroc cũng được đánh giá là quốc gia có tiềm năng xuất khẩu các nguồn năng lượng tái tạo đáng kể. Từ năm 2009, Maroc đã nâng công suất điện mặt trời lên gấp 16 lần và điện gió lên gấp 6 lần vào năm 2020. Mặc dù Maroc đã bỏ lỡ mục tiêu đầy tham vọng là có 42% tổng công suất lắp đặt từ năng lượng tái tạo vào năm 2020 khi chỉ đạt 37%, nhưng tiến độ phát triển năng lượng tái tạo vẫn rất đáng khích lệ. Maroc đã có 2 đường cáp điện nối nước này với Tây Ban Nha.
Trong khi đó, vào tháng 4-2022, Công ty Xlinks của Anh đã công bố kế hoạch xây dựng 1 nhà máy điện mặt trời và điện gió kết hợp 10,5 GW với bộ lưu trữ pin tại chỗ, cũng như 1 cáp ngầm dài 3.800km, có khả năng chuyển tải điện mặt trời và điện gió đến Tây Ban Nha.
Thủy triều là nguồn tài nguyên năng lượng vô tận |
Kỳ vọng về năng lượng thủy triều
Trong nỗ lực bảo đảm an ninh năng lượng lâu dài, năng lượng thủy triều được đưa vào bàn tròn các cuộc thảo luận xung quanh vấn đề năng lượng tái tạo.
Tại Vương quốc Anh, một số dự án thủy triều đang được tiến hành trên các khu vực khác nhau. Dự án Morlais trị giá 39 triệu USD trên một hòn đảo ngoài khơi xứ Wales đang được tài trợ bởi Liên minh châu Âu (EU). Các turbine được thiết lập để lắp đặt trên diện tích 13 dặm vuông, khiến khu vực này trở thành một trong những địa điểm cung cấp năng lượng thủy triều lớn nhất thế giới. Dự án thu hút mức đầu tư cao như vậy vì nó cung cấp một giải pháp thay thế đáng tin cậy hơn cho điện mặt trời và điện gió nhờ khả năng dự đoán thủy triều chính xác.
Trong khi đó, tại Canada, các công ty năng lượng đang đề xuất rằng, các công nghệ năng lượng thủy triều mới có thể tốt hơn đáng kể so với phát triển điện mặt trời do hiệu quả và độ tin cậy cao. Công ty năng lượng Idenergie có trụ sở tại Montreal đang giới thiệu một loại turbine thủy triều mới, sẽ không làm gián đoạn sinh vật biển trong khu vực và có thể cung cấp năng lượng liên tục cả ngày lẫn đêm.
Đây là những tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh các cường quốc đang ráo riết tìm các giải pháp thay thế lâu dài cho dầu và khí đốt trong tương lai.
Năm 2020, tỷ lệ sử dụng điện gió đạt 56% ở Đan Mạch, Uruguay 40%, Lithuania 36%, Ireland 35%, Bồ Đào Nha 23%, Anh 24%, Đức 23%, Tây Ban Nha 20%, Hy Lạp 18%, Thụy Điển 16%, EU 15%, Mỹ 8% và Trung Quốc 6%. Hiện Vương quốc Anh là nước đứng đầu thế giới về phát triển điện gió ngoài khơi, chiếm 40% sản lượng điện gió toàn cầu; Đức đứng thứ hai, chiếm 27%; Đan Mạch chiếm 10,5%; Trung Quốc chiếm 8,4%, Bỉ chiếm 6,0%. Hiện nay, các trang trại điện gió ngoài khơi chủ yếu phát triển ở các nước Tây Âu, Trung Quốc, châu Mỹ. Tại khu vực Biển Đông, phía Bắc xung quanh eo biển Đài Loan là những nơi có nhiều dự án điện gió được triển khai. Khu vực phía Nam Biển Đông, các dự án điện gió của Việt Nam cũng được phát triển mạnh. |
Nguồn:Sôi động cuộc đua năng lượng tái tạo