Sơn La chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế
Sơn La nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt Phát triển bền vững cây cà phê tại Sơn La |
Trong năm qua, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác luôn được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Sơn La đẩy mạnh chỉ đạo triển khai. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa luôn theo định hướng phát triển cây trồng của tỉnh và kế hoạch sử dụng đất của tỉnh. Chủ trương chuyển đổi cây lúa nương trên đất dốc sang trồng các loại cây ăn quả đang được người dân nhiệt tình hưởng ứng và thực hiện.
Theo đánh giá của ngành chức năng tỉnh, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây hàng năm cho hiệu quả một cách rõ rệt, tạo thu nhập đều hơn so với trồng lúa cho người dân. Một số diện tích lúa nương chuyển sang trồng cây ăn quả được nhân dân đánh giá cao vì phù hợp với chủ trương, chính sách của tỉnh, phù hợp với tự nhiên, khí hậu của tỉnh; diện tích trồng lúa nương chuyển đổi sang trồng cây ăn quả đem lại hiệu quả kinh tế cao so với trồng lúa nương, hạn chế xói mòn, bảo vệ đất, sản xuất hiệu quả, bền vững.
Năm 2023, UBND tỉnh Sơn La ban hành Kế hoạch số 76/KH-UBND ngày 21/3/2023 về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa toàn tỉnh Sơn La năm 2023. Theo đó, tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa toàn tỉnh Sơn La năm 2023 là 869,36 ha, cụ thể: Chuyển đổi sang trồng cây hàng năm 368,17 ha; Chuyển đổi sang trồng cây lâu năm 495,39 ha, chuyển đổi sang kết hợp nuôi trồng thủy sản là 5,8 ha. Trong đó: Chuyển đổi trên đất lúa nương là 727,5 ha; chuyển đổi từ đất lúa ruộng 01 vụ là 106,82 ;ha chuyển đổi từ đất lúa ruộng 02 vụ là 35,04 ha.
Kết quả cho thấy, tổng diện tích lúa gieo trồng năm 2023 đạt 49.275 ha, trong đó: Diện tích lúa xuân đạt 13.195 ha; diện tích lúa mùa ruộng là 20.945 ha; diện tích lúa nương 15.135 ha. Năm 2023, diện tích thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa sang trồng các loại cây trồng khác và kết hợp nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh là 779,76 ha, đạt 89,7% so với kế hoạch, cụ thể: Diện tích chuyển đổi sang trồng cây hàng năm là 340,1 ha, trong đó: Chuyển đổi trên đất lúa ruộng 1 vụ là 57,3 ha; chuyển đổi trên đất lúa 2 vụ là 19,6 ha; chuyển đổi trên đất trồng lúa nương là 263,2 ha, đạt 92% so với kế hoạch. Các loại cây trồng chuyển đổi gồm: Ngô, sắn, rau màu, cỏ làm thức ăn chăn nuôi,…đây là các loại cây trồng ngắn ngày mang lại nguồn thu nhập cho người dân, vốn đầu tư ban đầu ít, dễ chăm sóc.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả đã mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho người dân tại nhiều địa phương. |
Diện tích chuyển đổi sang trồng cây lâu năm là 434,26 ha, đạt 87% so với kế hoạch, trong đó: Chuyển đổi trên đất lúa ruộng 1 vụ là 27,36 ha; chuyển đổi trên đất lúa 2 vụ là 11,4 ha; chuyển đổi trên đất trồng lúa nương là 395,5 ha. Các loại cây trồng lâu năm được chuyển đổi sang trồng chủ yếu cây ăn quả (na, nhãn,…). Các loại cây trồng này có vốn đầu tư ban đầu cao, tuy nhiên hiện tại có một số mô hình đã cho thấy hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa. Diện tích chuyển sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản trên đất lúa 1 vụ là 5,4 ha, đạt 93%.
Thời gian qua, UBND tỉnh Sơn La đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với các cơ quan, ban ngành, UBND các huyện, thành phố quán triệt tuyên truyền hướng dẫn đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh rà soát và thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa theo đúng Luật Trồng trọt và các văn bản của trung ương. Thực hiện kiểm tra, đánh giá các diện tích lúa nước thường xuyên bị 2 thiếu nước qua các năm và đất trồng lúa kém hiệu quả, năng suất thấp; qua đó tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân chuyển đổi sang trồng các loại cây khác như: Ngô, đậu đỗ, lạc, cây ăn quả… Chỉ đạo UBND các huyện, thành phố triển khai rộng rãi đến các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo chủ trương, định hướng của tỉnh. Trong đó nhiệm vụ trọng tâm là chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, đem lại hiệu quả cao trên diện tích canh tác cho người sản xuất.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa được thực hiện đối với diện tích đất trồng lúa có hiệu quả kinh tế thấp, thường xuyên bị ngập, úng hoặc khô hạn...sang trồng cây hàng năm và cây lâu năm nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, duy trì được quỹ đất trồng lúa. Đồng thời, phát triển các loại cây trồng có thị trường tiêu thụ, có lợi thế cạnh tranh và hiệu quả kinh tế cao hơn, vừa thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững. Quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa được thực hiện theo nguyên tắc chuyển đổi linh hoạt để khi cần thiết có thể quay lại trồng lúa mà không phải đầu tư lớn. Việc chuyển đổi bảo đảm hiệu quả kinh tế cao hơn so với lúa nhất là việc trồng cỏ phát triển chăn nuôi, hoặc một số loại cây ngắn ngày như ngô ngọt, rau màu các loại...
Với mục tiêu nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân, nhất là ở các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua một số huyện trên địa bàn tỉnh Sơn La đã chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với từng vùng, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, giải quyết việc làm, từng bước giảm tỉ lệ hộ nghèo.
UBND huyện Phù Yên cho biết, những năm qua, huyện đã thành lập các đoàn công tác tiến hành rà soát, đánh giá cụ thể về các điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng. Từ đó xây dựng quy hoạch vùng trồng các loại cây phù hợp. Đặc biệt, hỗ trợ hơn 30 tỷ đồng mua con giống, cây giống, mỗi năm tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho nông dân. Địa phương này hiện đang duy trì hơn 13.700ha lúa; 2.510ha cây ăn quả các loại; trên 1.100ha cỏ phục vụ chăn nuôi và gần 5.000ha trồng cây hoa màu và cây trồng khác.
Còn tại huyện Bắc Yên có gần 23.500ha đất trồng cây nông nghiệp, trong đó, trên 8.000ha đất trồng cây lương thực có hạt. Huyện đã chỉ đạo lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án phát triển sản xuất hỗ trợ nhân dân thực hiện chuyển đổi cây trồng; quy hoạch phát triển nông nghiệp nông thôn theo hướng bền vững.Khuyến khích nhân dân giảm dần diện tích trồng ngô, lúa nương và những cây trồng khác trên đất dốc kém hiệu quả, đưa các loại giống cây phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Một số địa phương tại huyện Phù Yên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển cây gai xanh. Ảnh: MH. |
Với mong muốn cây dược liệu trở thành thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, tạo sinh kế cho người dân, phủ xanh đất trống, đồi trọc và bảo vệ rừng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sốp Cộp đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các xã tuyên truyền, vận động các HTX, hộ gia đình chuyển đổi diện tích đất trồng cây hoa màu năng suất thấp sang trồng cây dược liệu, hoặc trồng xen vào diện tích cây ăn quả chưa cho thu hoạch.
Hiện nay, huyện Sốp Cộp có trên 60 ha cây quế, 16 ha cây sa nhân, 20 ha gừng, 4 ha hà thủ ô, cát sâm, khôi nhung, đẳng sâm. Trong đó, 40 ha gừng, sa nhân, hà thủ ô đã cho thu hoạch. Tại các xã vùng thấp, như Sốp Cộp, Mường Và, Dồm Cang tập trung trồng cây đẳng sâm, khôi nhung, cát sâm, hà thủ ô; các xã vùng cao hoặc các xã có khí hậu mát mẻ, như Mường Lèo, Nậm Lạnh, Mường Lạn trồng sa nhân, quế, gừng... Bên cạnh việc đẩy mạnh cây dược liệu trở thành thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, huyện Sốp Cộp còn đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng các giống cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt chống chịu với sâu bệnh. Khuyến khích ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, luân canh, xen canh... để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La đã có sự chuyển dịch quan trọng, từ thuần nông, quảng canh, tự túc, tự cấp chuyển sang sản xuất hàng hóa, phát triển kinh tế nông nghiệp và khai thác tốt các tiềm năng của địa phương. Tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện hiệu quả một số chủ trưởng lớn như trồng cây ăn quả trên đất dốc để thay thế cây lương thực ngắn ngày kém hiệu quả; hình thành các vùng cây ăn quả, vùng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu.
Nguồn:Sơn La chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế