Sông băng lớn nhất Italy có nguy cơ biến mất vào hơn 15 năm nữa
Sông băng Marmolada, sông băng lớn nhất và mang tính biểu tượng nhất của dãy Dolomites, miền Bắc Italy có thể tan chảy hoàn toàn vào năm 2040 do nhiệt độ trung bình tăng cao.
Đây là cảnh báo của các nhà khoa học Italy đang theo dõi các sông băng và tác động của tình trạng khẩn cấp về khí hậu, đồng thời tham gia vào chiến dịch do nhóm bảo vệ môi trường Legambiente, Ủy ban quốc tế bảo vệ dãy Alps (Cipra), cùng Ủy ban sông băng Italy.
Báo cáo cho biết sông băng Marmolada đang mất từ 7 đến 10 cm độ sâu mỗi ngày. Trong 5 năm qua, bề mặt sông băng Marmolada đã mất đi 70 ha, tương đương với 98 sân bóng đá.
Sông băng Marmolad. (Nguồn: La Presses) |
Kể từ khi bắt đầu thực hiện các phép đo khoa học vào năm 1888, độ sâu của sông băng Marmolada đã giảm đi 1.200 mét trong tình trạng không thể đảo ngược.
Tình trạng khẩn cấp về khí hậu đang tác động đến dãy Dolomites, nơi đã trải qua tình trạng hạn hán mùa Đông, với rất ít tuyết rơi. Theo các chuyên gia, điều này kết hợp với nhiệt độ cao bất thường trên khắp khu vực vào mùa Hè, đang khiến các sông băng tan chảy nhanh chóng.
Forni, một trong những sông băng thung lũng lớn nhất của Italy, đã rút đi 800 mét trong vòng 30 năm qua và 2km trong thế kỷ qua.
Sông băng tan chảy đã làm lộ ra những vũ khí được bảo quản hoàn hảo, xe trượt tuyết, thư từ, nhật ký và cả thi thể của những người lính đã chiến đấu trong cuộc chiến ở dãy Alps thuộc vùng Lombardy của Italy và dãy Dolomites ở vùng Trentino Alto-Adige trong Thế chiến thứ nhất.
Ông Vanda Bonardo, điều phối viên quốc gia về dãy Alps của Legambiente và Chủ tịch của Cipra nhận định: “Dãy Alps có tầm quan trọng ở cấp độ quốc gia và châu Âu, nhưng đang ngày càng trở nên mong manh do tình trạng khẩn cấp về khí hậu đang gia tăng. Sông băng Marmolada là một ví dụ quan trọng".
Trong khi đó, Tổng giám đốc của Legambiente Giorgio Zampetti đã hối thúc Chính phủ Italy thực hiện các chính sách giảm thiểu tình trạng khẩn cấp về khí hậu, chẳng hạn như một kế hoạch quốc gia nhằm thích ứng hiệu quả với cuộc khủng hoảng khí hậu, bắt đầu từ những khu vực dễ bị tổn thương nhất như những ngọn núi cao.
Nguồn: Sông băng lớn nhất Italy có nguy cơ biến mất vào hơn 15 năm nữa