Sử dụng hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển thương mại Việt Nam
Hành vi của người tiêu dùng sẽ thay đổi ra sao trong năm 2023 Thế giới nhiều khả năng đối mặt với nguy cơ suy thoái trong năm 2023 |
Đất nước chúng ta chuẩn bị bước vào một mùa xuân mới, xuân Quý Mão 2023. Nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2022 sau hơn 2 năm đại dịch Việt Nam đã hoàn thành tốt đẹp và đạt được những thành tích đáng khích lệ. Nói riêng về ngành thương mại được sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ ngành liên quan và sự nỗ lực của các doanh nghiệp và của lãnh đạo ngành Công Thương, con thuyền thương mại trong năm 2022 cũng đã về đích. Về xuất nhập khẩu năm vừa qua đã đạt mức kỉ lục là 732 tỉ USD, tăng 10% so với năm 2021. Trong đó xuất khẩu đạt 371 tỉ USD, tăng 10,5% so với năm 2021. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 21% so với cùng kì năm ngoái. Vượt gần 3 lần mục tiêu kế hoạch đề ra là 8%. Đánh giá chung về việc thực hiện nhiệm vụ kế hoạch của ngành năm vừa qua cho ta thấy:
Về xuất khẩu, cơ cấu hàng xuất khẩu có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, giảm xuất khẩu thô và tăng xuất khẩu những sản phẩm được chế biến sẵn. Sản phẩm công nghiệp và các hàng hóa khác của Việt Nam đã tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Nhập khẩu được kiểm soát, những nguyên liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất trong nước chiếm gần 90% trong cơ cấu nhập khẩu. Cán cân thương mại thặng dư lớn, năm 2022 đạt 11 tỉ USD, gấp 3 lần năm 2021.Việt Nam có vị trí thứ 23 trên thế giới về xuất khẩu. Có 39 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỉ USD, 9 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 10 tỉ USD v.v.
Về thị trường trong nước: qua số liệu về thương mại bán lẻ trong năm cho ta thấy: ngành thương mại đã phục hồi mạnh mẽ sau khi cơ bản hết dịch, cơ bản đáp ứng nhu cầu hàng hóa thiết yếu cho nhân dân, giá cả tương đối ổn định, không có những đột biến lớn. Thương mại nội địa đã góp phần kiềm chế lạm phát, đạt chỉ tiêu 4% đề ra của năm kế hoạch. Thị trường nội địa đã góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước và kích thích tiêu dùng xã hội.
Về kế hoạch phát triển thương mại năm 2023 sắp tới: điều lớn nhất cần quan tâm đó là phải phát huy những gì đã đạt được trong năm vừa qua, không chủ quan thỏa mãn, tiếp tục phấn đấu bền bỉ, sử dụng hiệu quả các tiềm năng lợi thế của đất nước để phát triển trong những năm tới, góp phần vào nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của cả nước trong 2023 và những năm tiếp theo.
Về lợi thế, Việt Nam là đất nước có vị trí địa lý hết sức thuận lợi như tiếp giáp với hơn 3000km của biển Đông, một vùng biển rộng lớn rất có lợi thế về đánh bắt nuôi trồng thủy hải sản, khai thác khoáng sản tài nguyên biển. Biển đem lại thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa đi và đến với các nước trong khu vực và thế giới cũng như các tỉnh trong cả nước để phục vụ cho thị trường nội địa. Việt Nam cũng là một đất nước có đất đai màu mỡ, khí hậu tương đối ôn hòa, luôn đem lại những hàng hoá sản vật đặc sản trồng trọt chăn nuôi quanh năm. Chính đây là thế mạnh để phát triển kinh tế nông nghiệp và phát triển kinh tế thương mại ở nước ta.
Về tiềm năng, trước hết chúng ta có tiềm năng về con người, với dân số gần 100 triệu người, 50% là dân số trẻ, trình độ và năng lực học tập và công tác ngày càng được nâng lên tương đương với các nước trong khu vực. Một tiềm năng nữa không thể không nói tới đó là sức mua và quy mô tiêu dùng ở thị trường nội địa Việt Nam. Với doanh số bán lẻ nhiều năm gần đây bình quân đạt trên 100 tỉ USD/năm, thương mại hiện đại bao gồm hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại còn non trẻ, mới qua hơn 20 năm phát triển nên tỷ trọng chiếm lĩnh thị phần bán lẻ mới ở mức 25%. Đây rõ ràng khả năng phát triển còn rất lớn ở kênh bán lẻ hiện đại. Chính vì những lợi thế trên mà Việt Nam luôn là một trong những nước thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực sản xuất và bán lẻ và cam kết đầu tư lâu dài ở Việt Nam. Nhìn về tiềm năng và lợi thế của thương mại Việt Nam cho ta thấy rõ cần phải sử dụng hiệu quả và khai thác những tiềm năng lợi thế kể trên để thương mại Việt Nam có thể phát triển nhanh và bền vững trong 5-10 năm tiếp theo.Tuy nhiên, khách quan mà đánh giá thì muốn phát triển ngành thương mại, chúng ta cũng còn phải vượt qua những thách thức của chính mình.
Về xuất khẩu, trị giá xuất khẩu lớn song nhiều sản phẩm chúng ta vẫn chủ yếu là gia công và lắp ráp, nhất là nhóm hàng dệt may, da giầy và sản phẩm điện tử. Kim ngạch xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp FDI đang chiếm tới 70% trong năm 2022. Chúng ta chưa phát huy được hết các lợi thế mà các FTA Việt Nam đã kí kết với các nước trong khu vực và trên thế giới. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu ở dạng thô là chính, chế biến sâu còn ở mức khiêm tốn.
Về thị trường nội địa, mặc dù sản xuất hàng hóa của chúng ta ngày nay đã dồi dào, quy mô ngày càng lớn, chất lượng được nâng cao, song do nhiều nguyên nhân như hệ thống phân phối còn phát triển chưa đồng đều ở trình độ thấp, số lượng còn hạn chế, hạ tầng cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu nên sản phẩm sản xuất ra có lúc dư thừa ứ đọng phải giải cứu. Các chi phí trong hoạt động thương mại nội địa còn cao do qua nhiều khâu trung gian, còn hiện tượng ép cấp, ép giá, ép chiết khấu dẫn tới đẩy giá bán hàng Việt tăng lên một cách vô lý khi tới tay người tiêu dùng. Mua bán ở thị trường Việt Nam chủ yếu mua đứt bán đoạn, chưa phát triển theo chuỗi sản xuất phân phối một cách khoa học, lợi nhuận trong chuỗi giá trị chưa được phân phối 1 cách hợp lý mà thua thiệt thường rơi vào người sản xuất phải chịu đựng. Trung gian và một số nhóm độc quyền bán lẻ hưởng lợi một cách quá mức.
Tình hình trên cho ta thấy, muốn phát huy đầy đủ những tiềm năng và lợi thế, khắc phục những khiếm khuyết trong quá trình phát triển thì cần có những giải pháp chủ yếu sau đây:
Cần quy hoạch lại một cách khoa học các vùng sản xuất hàng hóa công nghiệp, nông sản thực phẩm để cung cấp ổn định kịp thời với chất lượng tốt và giá cả hợp lý cho hệ thống phân phối nội địa và cho xuất khẩu.
Nhà nước cần tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng cho thương mại và sản xuất bao gồm đường vận chuyển, bến cảng, kho dự trữ, hệ thống phân phối quốc gia gồm chợ , siêu thị, trung tâm thương mại, trong đó bao gồm là hệ thống chợ đầu mối và các sàn giao dịch hàng hoá nông sản thực phẩm.
Xây dựng các chuỗi liên kết bền vững, lợi ích hài hòa, giảm bớt các trung gian trong khâu bán lẻ, thiết lập các chuỗi cung ứng ngắn nhằm giảm chi phí lưu thông và hạ giá bán về mức hợp lý để nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng Việt ngay tại thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu. Các doanh nghiệp cần xây dựng thương hiệu đầu tư chiều sâu để nâng cao năng suất lao động, từng bước chủ động nguồn nguyên liệu để chủ động sản xuất giảm bớt phụ thuộc vào nhập khẩu ở nước ngoài.
Các cơ quan quản lý nhà nước như quản lý thị trường, hải quan, biên phòng, cơ quan kinh tế v.v. cần kiểm soát thị trường công bằng, góp phần tạo ra môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh.
Nhà nước cần có chính sách xây dựng các tập đoàn sản xuất và bán lẻ lớn có thương hiệu để đủ sức sản xuất hàng hóa và dẫn dắt thị trường trong nước phát triển. Đưa kinh tế số vào phục vụ cho sản xuất kinh doanh và dịch vụ, khuyến khích phát triển sản xuất thương mại theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để góp phần phát triển nhanh và bền vững theo tinh thần hội nghị COP26.
Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong nước với hệ thống thương vụ nước ngoài để tìm kiếm thêm những thị trường mới, thực hiện đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu và đa dạng hóa thị trường trong mối quan hệ đối ngoại của thương mại Việt Nam. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, sự cố gắng hỗ trợ của các bộ ngành, các địa phương trong cả nước, sự nỗ lực chủ quan của các doanh nghiệp và cả người tiêu dùng xã hội, với những giải pháp cơ bản đã nêu ở trên, chắc chắn năm kế hoạch 2023 sắp tới, ngành thương mại Việt Nam sẽ có những bước tiến vững chắc hơn, hiệu quả hơn, góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của cả nước.
Nguồn:Sử dụng hiệu quả tiềm năng và lợi thế để phát triển thương mại Việt Nam