Sự trỗi dậy của "đế chế" Nguyễn Bá Dương - đại gia không nợ ngân hàng
Khoảnh khắc khó quên lúc tối muộn ngày 5/10/2020: Một "đế chế" tan rã
Khoảng 9h tối ngày 5/10/2020, Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (mã chứng khoán: CTD) phát đi thông tin ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch HĐQT, từ nhiệm vì nguyện vọng cá nhân. Người thay thế là ông Bolat Duisenov, Thành viên HĐQT Coteccons kiêm Tổng giám đốc Kusto Việt Nam.
Quyết định này của ông Dương không đơn thuần chỉ là sự thay đổi về người lãnh đạo đối với Coteccons - doanh nghiệp số 1 trong ngành xây dựng khi đó. Nó còn là sự kiện góp phần đánh dấu sự tan rã chính thức của "đế chế" Coteccons Group.
Ông Nguyễn Bá Dương sinh năm 1959 tại Nam Định, làm việc 5 năm tại Bộ Xây dựng và 12 năm tại Công ty Công nghiệp nhẹ số 2 (Descon) trước khi rẽ lối sang làm việc cho Coteccons vào năm 2002. Coteccons từ một doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa trở thành một tổng thầu thiết kế và thi công (D&B) tung hoành ngang dọc từ Bắc vào Nam.
Từng trả lời báo chí, ông Dương khẳng định chỉ mất 2 năm để Coteccons vươn lên dẫn đầu tại TPHCM. Ông tự tin vào uy tín bản thân. "Các công ty tư vấn nước ngoài nhìn mặt, tin tôi và giao việc. Các nhà cung cấp tin tôi, có thể cho nợ tiền". Ông Dương quan niệm làm sao để khách hàng nhớ đến mình như một dạng "hữu xạ tự thiên hương". Nhờ đó, các công trình tìm đến Coteccons chứ doanh nghiệp không phải tự tìm.
Ông Dương còn cho rằng mô hình D&B sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được ít nhất 10% chi phí đầu tư, 30% thời gian thi công, còn Coteccons có thể gia tăng được biên lợi nhuận. Vì vậy, ông Dương xây dựng lên hệ sinh thái Coteccons Group, bao gồm Coteccons và nhiều doanh nghiệp hỗ trợ như Unicons, Ricons, F.D.C (Newtecons), BM Windows, Boho Décor, Dcons, SOL E&C...
Coteccons và các công ty trong hệ sinh thái sau đó vang danh trên thị trường xây dựng, khi trúng thầu hàng loạt dự án lớn như Casino Nam Hội An, Times City Park Hill, Vinhomes Central Park, Masteri Thảo Điền… Đặc biệt, Coteccons Group còn vượt qua 2 nhà thầu Hàn Quốc để làm tổng thầu tòa nhà cao nhất Việt Nam - Landmark 81 và cao thứ 10 thế giới. Với thành quả này, công ty lọt danh sách rất ít nhà thầu trên thế giới đủ khả năng thực hiện các công trình siêu cao tầng.
Dưới thời ông Nguyễn Bá Dương, Coteccons gắn với 2 từ "thần tốc" trong việc đáp ứng tiến độ thi công công trình. Tổ hợp VinFast (335ha) lập kỷ lục thế giới về tiến độ với 21 tháng, Casino Nam Hội An (1.000ha) cũng chỉ mất 19 tháng...
Trong nhiều năm lãnh đạo doanh nghiệp, ông Nguyễn Bá Dương luôn duy trì nguyên tắc không vay nợ ngân hàng.
Năm 2012, "bong bóng" bất động sản đã đẩy các doanh nghiệp xây dựng rơi vào khó khăn. Để có dòng tiền, ban lãnh đạo Coteccons đã bán 24,7% cổ phần cho Kusto Group với giá 50.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị giao dịch đạt 525 tỷ đồng (tương đương 25 triệu USD). Với khoản đầu tư này, Coteccons thoát khỏi khủng hoảng, có lợi thế trong đấu thầu dự án, thậm chí không cần đến khoản tạm ứng 30% từ phía chủ đầu tư khi tham gia đấu thầu như thông lệ.
Tuy nhiên, nhóm cổ đông ngoại và ban lãnh đạo Coteccons nảy sinh các mâu thuẫn và đỉnh điểm vào năm 2020, liên quan đến các cáo buộc về xung đột lợi ích của các công ty trong nhóm Coteccons Group, trong đó có Ricons. Chủ tịch HĐQT Nguyễn Bá Dương và Tổng giám đốc Nguyễn Sỹ Công được yêu cầu từ chức.
Điều đó rồi cũng trở thành sự thật vào cuối năm 2020. Ông Bolat Duisenov, Tổng giám đốc Kusto Việt Nam lên làm Chủ tịch Coteccons từ đó đến nay. Ricons cũng tuyên bố hoạt động độc lập, không còn trong hệ sinh thái Coteccons Group.
3 năm kín tiếng
Kể từ sau khi rời Coteccons, ông Nguyễn Bá Dương chưa một lần xuất hiện trực tiếp để trả lời truyền thông. Tuy nhiên, tên tuổi ông vẫn là một sự chú ý đối với dư luận mỗi khi xuất hiện trong các bản tin của các công ty thuộc hệ sinh thái.
Đầu năm 2021, vài tháng sau khi nghỉ Coteccons, ông Dương xuất hiện trở lại trong lễ công bố kế hoạch sản xuất kinh doanh của 2 doanh nghiệp xây dựng là Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Newtecons (tiền thân là Xây dựng FDC) và Công ty cổ phần Vật liệu và Giải pháp SOL E&C.
Giữa năm 2022, ông cũng xuất hiện trong sự kiện Newtecons thay đổi mô hình quản trị theo thông lệ quốc tế. Ông Dương cùng với những lãnh đạo cũ của Coteccons là ông Trần Kim Long và ông Nguyễn Sỹ Công cùng trao quyết định bổ nhiệm ông Võ Thanh Liêm làm Tổng giám đốc Newtecons kể từ tháng 6/2022.
Cuối năm 2022 - đầu năm 2023, ông Dương cũng xuất hiện ở lễ tổng kết và kế hoạch kinh doanh năm 2023 của SOL E&C, Newteccons.
Ông Nguyễn Bá Dương xuất hiện với vai trò Chủ tịch sáng lập SOL E&C tại sự kiện cuối năm 2022 của doanh nghiệp (Ảnh: SOL E&C). |
Mới đây, ông Nguyễn Bá Dương có thư gửi cán bộ nhân viên trong hệ sinh thái nhân ngày truyền thống (3/8). Ông xuất hiện với vai trò Chủ tịch sáng lập, gửi thư tới 7 công ty: Ricons, Newtecons, Sol E&C, BM Windows, Boho Decor, Design & Build Việt Nam và Areus Atelier.
Trong thư, ông Dương viết: "Trong những năm qua, chúng ta đã luôn giữ được triết lý kinh doanh từ những ngày đầu thành lập: Không thắng thầu bằng mọi giá, hứa được - làm được, luôn chân thành và đặt lợi ích của đối tác lên hàng đầu. Chính vì vậy, dù ngành xây dựng còn đang gặp rất nhiều khó khăn, hệ sinh thái vẫn hoạt động hiệu quả và luôn tiến lên phía trước..."
Ông cũng thổ lộ: "Hãy dấn thân và đam mê công việc vì bản thân tôi dù đã lớn tuổi nhưng vẫn luôn cảm thấy hạnh phúc khi được tới cơ quan mỗi ngày. Nếu mỗi người luôn ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình đối với tập thể, chắc chắn hệ sinh thái sẽ phát triển ngày càng mạnh mẽ".
Bức thư của ông Dương xuất hiện trong bối cảnh các công ty trong hệ sinh thái liên tục gặt hái được nhiều thành quả thời gian qua. Điều đáng kể nhất là các công ty trúng nhiều gói thầu lớn mà doanh nghiệp trong ngành mơ ước, giữa bối cảnh ngành xây dựng gặp không ít khó khăn.
Ricons góp mặt trong liên danh gồm 6 công ty trúng gói thầu 9.000 tỷ đồng thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất. Newtecons và SOL E&C trong liên danh Vietur đối đầu trực tiếp với liên danh Hoa Lư (có Coteccons tham gia) trúng gói thầu 35.000 tỷ đồng xây dựng nhà ga sân bay Long Thành, giai đoạn 1.
Không chỉ thi công các dự án trong nước, các công ty trong hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương cũng lấn sân ra nước ngoài. BM Windows đã trúng thầu cung ứng mặt dựng cho tòa tháp tỷ đô tại Canada mang tên The One (cao 91 tầng, hơn 328m) hay cung ứng mặt dựng cho Tòa nhà Tổng cục thuế - General Department of Taxation - Campuchia, trị giá gần 4 triệu USD.
BM Windows thực hiện giải pháp nhôm kính mặt dựng cho công trình, sở hữu 2 nhà máy làm nhôm kính, mặt dựng công suất lớn ở Hà Nội, Bình Dương. Công ty này đã tiến hành thi công mặt ngoài nhiều dự án biểu tượng, như IFC One Saigon (tên cũ là Saigon One Tower), The Metropole Thủ Thiêm hay Fairmont Hotel Hanoi...
Hệ sinh thái và câu chuyện của đường dài
Kết quả kinh doanh của các công ty trong hệ sinh thái ông Nguyễn Bá Dương cũng công bố những con số "đáng nể".
Năm 2022, Newtecons, Ricons, BM Windows, Boho Décor, DB tuyên bố đạt doanh thu hơn 1 tỷ USD, bất chấp những khó khăn. Trong đó, Newtecons vượt mốc 10.000 tỷ đồng doanh thu và đặt mục tiêu tăng trưởng 10% trong năm 2023. Ricons cũng chạm mức doanh thu 11.384 tỷ đồng, cao nhất lịch sử thành lập. Doanh thu SOL E&C gần 4.500 tỷ đồng, gấp 3 lần năm trước.
Những con số này không hề nhỏ so với doanh thu 14.537 tỷ đồng của Coteccons hay 14.154 tỷ đồng của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình - 2 doanh nghiệp số 1 và 2 trong top 10 nhà thầu xây dựng lớn nhất Việt Nam năm 2023.
Newtecons được thành lập năm 2003, chuyên về thi công xây dựng mà khởi điểm là những công trình có quy mô vừa và nhỏ. Năm 2016 đánh dấu bước ngoặt quan trọng của Newtecons khi cùng Coteccons tham gia nhiều dự án lớn như Masteri Thảo Điền CT5, Vinhomes Thăng Long, D'.Capitale, Vinhomes Golden River...
Đặc biệt, công ty cùng Coteccons thi công phần lõi thang tòa nhà cao nhất Việt Nam - The Landmark 81; thi công Casino Nam Hội An - công trình có vốn đầu tư lớn nhất tỉnh Quảng Nam.
Thời gian gần đây, Newtecons đã "thế chân" Coteccons làm nhà thầu chính ở nhiều dự án có vị trí đắc địa như khu căn hộ cao cấp Masterise Homes (mặt tiền Nguyễn Hữu Cảnh, quận 1, TP HCM), Masteri Waterfront (Hà Nội). Công ty còn trúng thầu các dự án của các nhà đầu tư như T&T, Nam Long, An Gia...
Newteccons làm nhà thầu ở một số dự án hạng sang, vị trí nổi bật tại TPHCM (Ảnh: Khổng Chiêm). |
Còn Ricons, sau khi rời hệ sinh thái Coteccons Group, đã phát triển nhiều mảng kinh doanh khác nhau xây dựng, đầu tư phát triển bất động sản, cho thuê văn phòng, nhà xưởng khu công nghiệp, bán máy nước nóng.
Được thành lập năm 2004, Ricons đã hoàn thành 150 dự án lớn nhỏ và đang thực hiện khoảng 45 dự án mới. Chủ tịch Ricons hiện nay là ông Nguyễn Sỹ Công, "cánh tay phải" đắc lực của ông Nguyễn Bá Dương thời còn làm việc tại Coteccons. Tổng giám đốc là ông Trần Quang Quân, từng làm Phó Tổng giám đốc Coteccons.
Dù tăng trưởng về mặt doanh thu nhưng với khó khăn chung của ngành, biên lợi nhuận gộp của Ricons trong giai đoạn 2021-2022 đã giảm. Cá biệt năm 2022, con số này là 1,8%, thấp nhất trong 5 năm qua và thấp hơn Coteccons (3,3%). Nguyên nhân công ty lý giải là áp lực cạnh tranh trong giá đấu thầu cũng như ảnh hưởng từ việc tiến độ dự án kéo dài phía chủ đầu tư gặp khó khăn dòng tiền.
Khó khăn của ngành xây dựng vẫn còn tồn tại cùng những trắc trở của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, những dự án đầu tư công được xem làm hướng đi mới với các công ty xây dựng, giúp giải quyết bài toán về việc làm, dòng tiền cho doanh nghiệp. Việc xuất khẩu xây dựng ra nước ngoài cũng được đề cập, trong tình hình xây dựng nhà ở trong nước đã quá chật chội.
Một số doanh nghiệp trong hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương đang đi theo 2 xu hướng đó. Với gói thầu 35.000 tỷ đồng do Newtecons và SOL E&C tham gia, Công ty Chứng khoán VietCap (VCSC) đánh giá khối lượng đơn đặt hàng chuyển tiếp (backlog) khá hấp dẫn, tương đương với 126% tổng giá trị hợp đồng ký mới hàng năm của Coteccons và Xây dựng Hòa Bình trong 3 năm (2019-2022). Ước tính tổng lợi nhuận tối đa cho một nhà thầu tham gia gói thầu này khoảng 525 tỷ đồng, ghi nhận trong khoảng 3-3,5 năm.
Sẽ thật đơn giản để đánh giá hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương đã phát triển rực rỡ nếu chỉ nhìn vào 3 năm qua. Phía trước còn rất dài, mọi thứ chưa thể khẳng định. Tuy nhiên, một "ông trùm" 64 tuổi hàng ngày vẫn còn cảm thấy "hạnh phúc" khi tới cơ quan, mang tinh thần "dấn thân và đam mê làm việc" thì điều gì cũng có thể xảy ra. Biết đâu, một trật tự mới trong ngành xây dựng sẽ được vẽ lại...
Nguồn:Sự trỗi dậy của "đế chế" Nguyễn Bá Dương - đại gia không nợ ngân hàng