Tăng cường bình đẳng giới trong đào tạo nguồn nhân lực công nghệ số
Ứng dụng công nghệ số trong quảng bá du lịch |
Từ khóa: Bình đẳng giới; công nghệ số; nguồn nhân lực số; đào tạo; tăng cường.
1. Đặt vấn đề
Trong thời đại công nghệ 4.0, công nghệ số không chỉ là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội mà còn là công cụ quan trọng để nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, sự tiếp cận và sử dụng công nghệ số giữa nam giới và nữ giới vẫn còn nhiều khoảng cách, trong đó nhóm người chịu thiệt thòi hơn cả là phụ nữ và trẻ em gái. Khoảng cách giới trong công nghệ số bao gồm khả năng tiếp cận thiết bị, mạng internet, những rào cản về văn hóa, xã hội, giáo dục và định kiến giới.
Khoảng cách giới trong công nghệ số không chỉ làm giảm cơ hội tham gia vào nền kinh tế số và đổi mới sáng tạo của phụ nữ và trẻ em gái mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững. Điều này đặc biệt nghiêm trọng ở các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Bài viết được thực hiện trên cơ sở phân tích các yếu tố giới trong các văn bản chính sách luật pháp của Nhà nước về công nghệ số, tổng quan các nghiên cứu về khoảng cách giới trong việc tiếp cận và sử dụng công nghệ số, những khó khăn, các nguyên nhân của vấn đề, từ đó chỉ ra sự cần thiết phải có nhạy cảm giới trong ban hành chính sách và đề xuất bình đẳng giới trong đào tạo nguồn nhân lực công nghệ số.
2. Chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đào tạo nguồn nhân lực công nghệ số
Trong vòng 20 năm trở lại đây, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản luật pháp liên quan đến công nghệ số và các văn bản có đề cập đến vấn đề giới trong khoa học công nghệ. Trong đó phải kể đến các văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Giao dịch điện tử năm 2005, Luật Công nghệ caonăm 2008, Luật Khoa học – công nghệ năm 2013, Luật Viễn thông năm 2023, Luật Bình đẳng giớinăm 2006.
Luật Giao dịch điện tử năm 2005 quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định. Luật bao gồm 8 chương và 53 điều, trong đó bao gồm các nội dung liên quan đến thực hiện các giao dịch điện tử như thông điệp dữ liệu, hợp đồng điện tử, chữ ký điện tử. Luật cũng quy định các hành vi được phép và không được phép trong giao dịch điện tử, quy định các khách thể tham gia giao dịch điện tử bao gồm các cá nhân, đơn vị thuộc các cơ quan nhà nước. Nội dung của Luật đã đề cập đến sự bình đẳng trong giao dịch điện tử, sự tự nguyện, tự thỏa thuận, quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan/tổ chức và cá nhân.
Luật Công nghệ cao năm 2008 đã đề cập các nội dung liên quan đến các biện pháp khuyến khích, thúc đẩy phát triển công nghiệp cao. Các nội dung được ưu tiên bao gồm: công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu hóa và công nghệ tự động hóa. Chính sách này góp phần tăng cường khả năng tiếp cận và ứng dụng công nghệ cao của các bên liên quan. Tuy nhiên, chính sách còn trung tính giới, đặc biệt chưa có yếu tố giới trong nội dung đề cập đến phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao.
Luật Khoa học – công nghệ năm 2013 nêu về tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ; việc tổ chức thực hiện hoạt động khoa học – công nghệ; biện pháp bảo đảm phát triển khoa học – công nghệ; quản lý nhà nước về khoa học – công nghệ. Đặc biệt, tại khoản 4 Điều 22 về đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài khoa học – công nghệ đã đề cập đến “… khuyến khích đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực nữ” – Đây là một nội dung quan trọng nhằm hướng tới mục tiêu thu hẹp khoảng cách về giới trong phát triển khoa học công nghệ, bảo đảm bình đẳng giới.
Luật Viễn thông năm 2023 góp phần khẳng định sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam đối với phát triển công nghệ số. Nội dung của văn bản này cũng tập trung vào vai trò của Nhà nước đối với hoạt động viễn thông, trong đó tập trung chủ yếu vào chính sách nguồn lực và bảo đảm hạ tầng cơ sở. Dù vậy, yếu tố giới không được nhấn mạnh trong khi còn tồn tại khoảng cách về giới trong tiếp cận và sử dụng các dịch vụ viễn thông.
Luật Bình đẳng giới năm 2006 được ban hành trong đó có nội dung bình đẳng giới trong khoa học – công nghệ được đề cập đến tại Điều 15, tuy nhiên, mới chỉ đề cập đến bình đẳng trong tiếp cận, ứng dụng khoa học – công nghệ và bình đẳng trong tiếp cận các khóa đào tạo về khoa học – công nghệ, phổ biến kết quả nghiên cứu khoa học – công nghệ và phát minh, sáng chế, chưa đề cập đến bình đẳng trong thụ hưởng các thành quả khoa học – công nghệ.
Để thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về chuyển đổi số, ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu kép là vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.
Chương trình đã đưa ra 3 mục tiêu cơ bản đến năm 2025 và 3 mục tiêu cơ bản đến năm 2030. Trong đó, bao gồm các mục tiêu về kỹ thuật, kinh tế – xã hội. Mục tiêu xã hội số quan tâm đến giảm khoảng cách số, đến năm 2025 phải đạt được: “hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%; Việt Nam thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng (GCI)”. Đến năm 2030, phổ cập dịch vụ mạng internet băng rộng cáp quang; phổ cập dịch vụ mạng di động 5G; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%; Việt Nam thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng (GCI)”. Một trong những quan điểm trọng tâm của Chính phủ đối với Chương trình là “Người dân là trung tâm của chuyển đổi số”. Tuy nhiên, nội dung chương trình còn trung tính giới và chưa thật sự quan tâm đến các nhóm đối tượng đặc thù hay sự khác biệt về giới trong quá trình chuyển đổi số.
Quyết định số 566/QĐ-BTTTT ngày 06/4/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông về ban hành kế hoạch hành động triển khai thực hiện chiến lược an toàn, an ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Chiến lược đã đưa ra 7 chỉ tiêu theo năm, trong đó bao gồm nâng tỷ lệ người sử dụng internet có cơ hội tiếp cận hoạt động nâng cao nhận thức, kỹ năng và công cụ bảo đảm an toàn an ninh mạng. Đây là một trong những nội dung tăng cơ hội tiếp cận công nghệ số cho cả nam và nữ một cách an toàn. Để đạt được mục tiêu, chiến lược đã đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm từ năm 2023, trong đó bao gồm nội dung triển khai chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 – 2025”. Đây là một nội dung mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm đến nhóm đối tượng đặc thù.
Chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia trong chiến lược của Chính phủ sẽ tác động đến hệ thống pháp luật, điều này đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật hiện hành để đáp ứng được yêu cầu của chuyển đổi số quốc gia. Thực tế hiện nay, pháp luật vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số, do đó, cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý để đẩy mạnh chuyển đổi số. Xây dựng pháp luật để đổi mới sáng tạo, tận dụng tối đa lợi ích và giảm thiểu tối đa rủi ro, hướng đến việc ứng dụng công nghệ số trong các ngành và là lĩnh vực khác nhau là đòi hỏi của thực tiễn, trong đó có hoạt động xây dựng pháp luật.
3. Một số vấn đề giới trong tiếp cận và hưởng lợi từ đào tạo, phát triển công nghệ số
Các nghiên cứu đã chỉ ra các tổn tại về khoảng cách giới trong tiếp cận và hưởng lợi công nghệ số trên thế giới và các nước trong khu vực cũng như tại Việt Nam. Việc sở hữu điện thoại thông minh là một trong những khía cạnh tiếp cận công nghệ số, các nghiên cứu đã cho thấy, khoảng cách giới trong việc sở hữu và sử dụng điện thoại thông minh và mạng di dộng vẫn còn tồn tại, đặc biệt ở những nước có thu nhập thấp và khoảng cách này thậm chí còn nới rộng hơn trong tương lai. Báo cáo nghiên cứu của GSMA (2023) đã chỉ ra rằng, năm 2022, số phụ nữ sử dụng mạng di động cao hơn nam giới, năm 2023, phụ nữ sử dụng mạng di động thấp hơn so với nam giới 19% (310 triệu người), tuy nhiên cho đến năm 2030, khoảng cách giới trong việc sử dụng mạng di động sẽ có nguy cơ nới rộng hơn1. Cũng theo GSMA, khoảng cách giới trong sở hữu điện thoại thông minh giảm liên tiếp trong vòng 2 năm tại các nước có thu nhập trung bình và thấp.
Tại Việt Nam, theo nghiên cứu của Tổng cục Thống kê (2021) với sự hỗ trợ của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) và Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững của trẻ em và phụ nữ năm 2020 – 2021, tỷ lệ phụ nữ sử dụng điện thoại di động là 87% so với 93% nam giới, con số này được cho là cao hơn so với khoảng cách giới trong sử dụng điện thoại di động trên toàn cầu là 26%2.
Có thể thấy, nếu không được tiếp cận với công nghệ số một cách bình đẳng, phụ nữ và trẻ em gái sẽ không được hưởng các lợi ích từ lĩnh vực này, không tham gia được vào xã hội số. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của họ và làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng giới trong tương lai. Khoảng cách giới trong công nghệ ảnh hưởng tiêu cực đến tiềm năng tăng trưởng kinh tế của các nước. Nếu có thêm 600 triệu phụ nữ được kết nối internet trong 3 năm, GDP toàn cầu sẽ tăng trong khoảng từ 13 tỷ USD – 18 tỷ USD3.
Theo UN Women (2022), cuộc cách mạng công nghệ số có tiềm năng to lớn trong cải thiện kinh tế – xã hội cho tất cả mọi người, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em gái nhưng nó cũng có nguy cơ củng cố các hình thức phân biệt đối xử và bất bình đẳng đang tồn tại, 37% phụ nữ trên toàn cầu không được tiếp cận đến hoạt động trực tuyến. Việc phụ nữ bị loại trừ khỏi thế giới kỹ thuật số đã tước đi 1 nghìn tỷ USD từ tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các quốc gia có thu nhập thấp và thu nhập trung bình trong thập kỷ qua4.
Phụ nữ hiện đang gặp bất lợi về kỹ năng số, một khoảng cách trở nên nghiêm trọng ở nơi làm việc, nơi những khả năng này ngày càng không thể thiếu. Báo cáo về Kiến thức kỹ thuật số dành cho trẻ em gái của UNICEF ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương năm 2023 cho thấy, phụ nữ có ít khả năng sử dụng công nghệ cho các công việc cơ bản hơn 25%. Mặc dù trình độ hiểu biết về kỹ thuật số giữa bé gái và bé trai là tương đương nhau trong giáo dục sớm, nhưng sau đó lại xuất hiện một khoảng cách đáng kể, khi các bé gái ít có khả năng tiếp thu các kỹ năng kỹ thuật số nâng cao hơn. Phụ nữ cảm thấy ít yên tâm hơn về kỹ năng kỹ thuật số và khả năng phát triển các kỹ năng cần thiết cho các cơ hội trong tương lai. Hơn nữa, nghiên cứu còn nhấn mạnh khoảng cách giới đáng kể trong việc thăng tiến nghề nghiệp nhờ đào tạo kỹ năng kỹ thuật số, với hơn 10% nam giới có nhiều cơ hội thăng tiến hơn nữ giới. Điều này cho thấy phụ nữ phải đối mặt với sự chênh lệch trong việc hưởng lợi từ việc đào tạo như vậy.
Trong xu thế chuyển đổi các hoạt động lên môi trường số, các dịch vụ cung cấp trên môi trường số được quan tâm hơn môi trường thực, trong khi phụ nữ, trẻ em gái vẫn gặp khó khăn trong việc sử dụng và tương tác với công nghệ số do tác động bởi các chuẩn mực xã hội đối với phụ nữ; các chương trình giáo dục giảng dạy kỹ năng số có thể chưa đủ độ khuyến khích, kích thích nhu cầu tham gia môi trường số… dẫn tới phụ nữ dễ bị tác động hơn, có nguy cơ không tiếp cận, sử dụng được các dịch vụ số. Có gần một nửa phụ nữ (48%) trải qua các phân biệt đối xử về khả năng kỹ thuật, công nghệ, cao gấp đôi so với nam giới5.
Định kiến giới và vấn đề văn hóa cũng được các nghiên cứu coi như một nguyên nhân dẫn đến khoảng cách giới trong việc phát triển các công cụ kỹ thuật số và sự tham gia của phụ nữ vào các ngành, nghề này cũng như quan niệm truyền thống về vai trò của phụ nữ “chỉ gắn với những công việc gia đình và chăm sóc con cái” gây nên bất bình đẳng giới về quyền lao động của phụ nữ, khiến cho phụ nữ có “xu hướng rời bỏ ngành sớm hơn nam giới”. Điều này dẫn đến lực lượng lao động nữ tham gia vào quá trình chuyển đổi số thấp6.
Việc thiếu an toàn/an ninh mạng gây ra các rủi ro cho phụ nữ và trẻ em cũng là một nguyên nhân ngăn cản phụ nữ tiếp cận công nghệ số. Tình trạng xâm hại trẻ em gái nói riêng, trẻ em nói chung vẫn diễn ra hết sức phức tạp trên không gian mạng. Theo Báo cáo khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững năm 2022, tại Việt Nam, các em nhận thức được các nguy cơ mất an toàn khi sử dụng internet, đặc biệt là bị nghiện internet (60,9%)7.
Theo Kết quả khảo sát ý kiến của UNICEF năm 2019, có 170.000 người tại 30 quốc gia cho biết đã từng là nạn nhân bị bắt nạt trên mạng, trong đó 1/5 cho biết đã từng bỏ học vì bị bắt nạt trên mạng và bạo lực; 21% thiếu niên Việt Nam là nạn nhân của bắt nạt mạng và hầu hết (75%) đều không biết về đường dây nóng (Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em, đường dây nóng 111) hoặc các dịch vụ hỗ trợ, 74% trẻ em và trẻ vị thành niên có nguy cơ bị xâm hại tình dục hoặc bị lợi dụng trên mạng8.
Có thể khẳng định, khoảng cách về giới trong tiếp cận công nghệ số còn tồn tại và có nguy cơ mở rộng, nếu không có những can thiệp thích đáng, trong đó phải kể đến khoảng cách giữa nam và nữ trong vấn đề học tập và việc làm liên quan đến công nghệ số, việc sở hữu điện thoại thông minh, sử dụng internet và phân biệt đối xử trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Các nghiên cứu đã khẳng định nguyên nhân của thực trạng lên phần nhiều đến từ định kiến giới, vấn đề trọng nam khinh nữ, giá cả, sự phức tạp của công nghệ và an ninh mạng.
4. Một số khuyến nghị đối với bình đẳng giới trong đào tạo nguồn nhân lực công nghệ số
Từ các kết quả nghiên cứu cho thấy, khoảng cách giới trong tiếp cận và thụ hưởng công nghệ số vẫn còn tồn tại mặc dù tỷ lệ trẻ em gái và phụ nữ có điện thoại di động khá cao (83,0% – 91,0%)9nhưng năng lực sử dụng, tiếp thu các thành quả từ công nghệ lại không cao, đặc biệt đối với nhóm phụ nữ và trẻ em gái khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn do những định kiến giới trong việc hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn các kỹ năng công nghệ số dành cho phụ nữ và trẻ em gái. Phụ nữ và trẻ em nói chung, trẻ em gái nói riêng cũng là những nhóm đối tượng thường gặp những vấn đề khó khăn trong việc bảo đảm an toàn, an ninh mạng nhiều hơn so với nhóm nam giới. Định kiến giới, vấn đề văn hóa cũng là một trong những rào cản đối với phụ nữ và trẻ em gái trong tiếp cận và hưởng lợi công nghệ số.
Trong bối cảnh đó, các chính sách liên quan cũng đã phần nào đề cập đến việc cần khuyến khích đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực nữ trong công nghệ số. Như vậy, trong đào tạo nguồn nhân lực công nghệ số, để bảo đảm bình đẳng giới cần giảm khoảng cách về giới trong công nghệ số, đặt mục tiêu ưu tiên đối với phụ nữ và trẻ em gái, cụ thể:
Thứ nhất, chú trọng truyền thông, nâng cao nhận thức giới, hạn chế định kiến về giới trong vấn đề nâng cao kiến thức, kỹ năng công nghệ số cho phụ nữ và trẻ em gái.
Thứ hai, chú trọng đến tỷ lệ nam và nữ tham gia các chương trình đào tạo kiến thức, kỹ năng công nghệ số, bảo đảm tỷ lệ phụ nữ tham gia các chương trình này.
Thứ ba, cần có các chính sách ưu tiên đối với phụ nữ và trẻ em gái tham gia các chương trình đào tạo kiến thức, kỹ năng công nghệ số.
Thứ tư, cần trang bị các kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ an toàn, an ninh mạng cho mọi người dân, trong đó chú trọng đến nhóm phụ nữ và trẻ em gái.
Thứ năm, bảo đảm tốt hạ tầng cơ sở công nghệ số, ưu tiên các khu vực nông thôn, khu vực khó khăn, vùng sâu vùng xa để tạo cơ hội tiếp cận công nghệ số đến mọi người dân.
5. Kết luận
Công nghệ số tạo nên một sự đổi thay to lớn mang tính tích cực đối với đời sống kinh tế – xã hội ở khắp mọi nơi. Bên cạnh đó, cũng làm gia tăng bất bình đẳng giữa những người có cơ hội trong việc tiếp cận, sử dụng và thụ hưởng công nghệ số với những người không có cơ hội, trong đó bao gồm phụ nữ và trẻ em. Đã có một số văn bản thể hiện mối quan tâm đến giới và bình đẳng giới trong lĩnh vực khoa học – công nghệ nói chung và chuyển đổi số nói riêng. Tuy nhiên, phần lớn các chính sách, luật pháp còn trung tính giới, chưa quan tâm đến những khác biệt về giới trong lĩnh vực công nghệ số. Rất cần thiết phải có các chính sách, chương trình nhằm bảo đảm bình đẳng giới trong đào tạo nguồn nhân lực công nghệ số trong tương lai gần.
Chú thích:
1, 9. GSMA (2023). The mobile gender gap report 2023. UK, London.
2. Tổng cục Thống kê, UNICEF, UNFPA (2021). Báo cáo Điều tra thống kê các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam năm 2020 – 2021.
3. Plan International (2024). Bridging the digital gender divide. https://plan-international.org/quality-education/bridging-the-digital-divide/
4. UN Women (2022). Progress on the Sustainable Development Goals: The Gender Snapshot 2022. https://data.unwomen.org/sites/default/files/documents/Publications/GenderSnapshot_2022.pdf
5. The World Economic Forum (2021). 8 charts that show the impact of race and gender on technology careers. https://www.weforum.org/agenda/2021/04/gender-race-tech-industry/
6. Thực trạng bảo đảm quyền của phụ nữ trên không gian mạng ở Việt Nam hiện nay. https://danchuphapluat.vn/thuc-trang-bao-dam-quyen-cua-phu-nu-tren-khong-gian-mang-o-viet-nam-hien-nay-1
7. Bảo vệ quyền của người chưa thành niên trên không gian mạng ở Việt Nam – thành tựu không thể phủ nhận. http://m.tapchiqptd.vn/vi/phong-chong-dbhb-bao-ve-vung-chac-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/bao-ve-quyen-cua-nguoi-chua-thanh-nien-tren-khong-gian-mang-o-viet-nam-thanh-tuu-khong-the-phu-nhan-20905.html
8. UNICEF (2017). Gender equality: Glossary of terms and concepts.
Tài liệu tham khảo:
1. Bài viết sử dụng các dữ liệu từ đề tài “Khoảng cách giới trong công nghệ số dưới bối cảnh cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ tư”, mã số HPN.BO.04/24.
2. Dương Kim Anh (2024). Kỷ yếu Hội thảo quốc gia “Chuyển đối số trong hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
3. Leveraging ICT Technologies in Closing the Gender Gap; World Bank, Washington, DC. © World Bank. https://openknowledge.worldbank.org/handle/10986/33165.
4. Báo cáo Doanh nhân nữ năm 2023 của Global Entrepreneurship Monitor.https://www.orfonline.org/expert speak/inclusive-digital-policies-are-key-to-mould-women-leaders
Nguồn: Tăng cường bình đẳng giới trong đào tạo nguồn nhân lực công nghệ số