Tăng cường hợp tác, huy động nguồn lực quốc tế trong bảo vệ môi trường
Nước dưới đất đang dần cạn kiệt
Tại Hội thảo quốc tế lần thứ 4 về Ô nhiễm môi trường, biện pháp phục hồi và quản lý đang diễn ra tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã trình bày báo cáo về tình hình chất lượng môi trường, thực trạng phát sinh chất thải và vấn đề kiểm soát ô nhiễm môi trường tại Việt Nam hiện nay. Báo cáo đã giúp các chuyên gia trong nước và quốc tế có cái nhìn tổng quan về vấn đề này.
Theo ông Hoàng Văn Thức, hiện nay chất lượng không khí tại Việt Nam có sự phân hóa theo vùng, miền và theo quy luật mùa trong năm, dưới tác động của hiện tượng nghịch nhiệt. Tình trạng ô nhiễm không khí hiện chủ yếu xuất hiện tại các đô thị lớn với thông số bụi (TSP, PM10, PM2.5) vượt quá QCVN 05:2013/BTNMT. Tại các đô thị vừa và nhỏ, giá trị thông số bụi trung bình năm thấp, đạt QCVN 05:2013/BTNMT. Chất lượng không khí tại nông thôn cơ bản tốt nhưng vẫn còn tình trạng ô nhiễm cục bộ.
Ông Hoàng Văn Thức - Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường trình bày báo cáo tại Hội thảo quốc tế lần thứ 4 về Ô nhiễm môi trường, biện pháp phục hồi và quản lý. Ảnh: Thanh Tùng |
Với môi trường nước, ông Hoàng Văn Thức cho biết, chất lượng môi trường nước trên các lưu vực sông chưa ghi nhận ô nhiễm kim loại và hóa chất bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, ô nhiễm cục bộ vẫn diễn ra tại các đoạn sông chảy qua khu vực đông dân cư, khu vực sản xuất như lưu vực các sông: Cầu, Nhuệ - Đáy, Đồng Nai, Bắc Hưng Hải,... Môi trường nước biển ven bờ khá tốt, tuy nhiên, một số khu vực nuôi trồng thủy hải sản, cửa sông bị ô nhiễm cục bộ bởi hợp chất nitơ, phốt phát và chất rắn lơ lửng. Đặc biệt, tình trạng nước dưới đất đang dần cạn kiệt, tác động đến môi trường nước ngầm và gây ô nhiễm mặn tại cửa sông.
Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cũng thông tin, môi trường đất tại khu vực hoạt động công nghiệp, khu vực chuyên canh nông nghiệp, làng nghề có dấu hiệu bị suy giảm do ảnh hưởng của chất thải sản xuất, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Tình trạng thoái hóa đất, sạt lở đất, mặn hóa đất trồng trọt có xu hướng gia tăng cả về số lượng, mức độ và quy mô.
Theo ông Hoàng Văn Thức, trong giai đoạn 2016 - 2021, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại Việt Nam tiếp tục gia tăng. Tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại Việt Nam năm 2022 là khoảng 67,1 nghìn tấn/ngày. Lượng chất thải rắn sinh hoạt tăng tại các đô thị khoảng 10-16%/năm, có 25% các địa phương phát sinh 1000 tấn chất thải rắn sinh hoạt/ngày, 95% chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị được thu gom, xử lý.
“Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại tại Việt Nam năm 2022 đạt khoảng trên 90%. Đối với chất thải rắn công nghiệp thông thường đặc thù, 100% số nhà máy, nhiệt điện, hóa chất phân bón đã có đề án xử lý chất thải được phê duyệt. Đối với chất thải nguy hại, trên cả nước hiện có 117 cơ sở xử lý chất thải nguy hại được cấp phép”, Cục trưởng Hoàng Văn Thức cho biết.
Về kiểm soát ô nhiễm đối với khu, cụm công nghiệp, ông Hoàng Văn Thức thông tin, hiện có 265/291 khu công nghiệp có công trình xử lý nước thải tập trung, đạt tỷ lệ 91%. Tuy nhiên, số lượng cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải đi vào hoạt động còn thấp với 179/734 cụm công nghiệp, mới đạt tỷ lệ 24,4%. Một thông tin đáng chú ý khác là tại các khu đô thị, có 94,2% người dân đã được cung cấp nước sạch. Tuy nhiên, tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý mới đạt khoảng 15%.
Chủ động kiểm soát các nguồn thải lớn
Đánh giá về thực trạng công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường tại Việt Nam hiện nay, ông Hoàng Văn Thức cho biết, các cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đã cơ bản được hoàn thiện. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã được Quốc hội thông qua, Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn kỹ thuật để triển khai công tác bảo vệ môi trường một cách hiệu quả.
Theo đó, hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành 44 quy chuẩn kỹ thuật về môi trường còn hiệu lực thi hành. Cùng với đó, hệ thống quan trắc và cảnh báo về môi trường được đầu tư bài bản. Hiện có 1.298 trạm quan trắc tự động đã truyền số liệu về Bộ Tài nguyên và Môi trường, gồm 280 trạm quan trắc môi trường xung quanh và 1.018 trạm quan trắc phát thải tự động, liên tục. Gần 2.000 trạm quan trắc phát thải được các cơ sở sản xuất/khu công nghiệp xây dựng và truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Hiện nay, 91% các khu công nghiệp có công trình xử lý nước thải tập trung. Ảnh: Thanh Tùng |
Tuy nhiên, ông Hoàng Văn Thức cũng thừa nhận, quá trình triển khai các quy định về pháp luật bảo vệ môi trường còn những khó khăn nhất định. Đó là nhận thức của một số chính quyền địa phương, đoàn thể và người dân về bảo vệ môi trường chưa đầy đủ, chưa chuyển thành ý thức và hành động cụ thể. Việc huy động các nguồn lực đầu tư cho bảo vệ môi trường còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng về bảo vệ môi trường nói chung và hạ tầng về xử lý chất thải chưa theo kịp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế. Công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt của nhiều cơ sở còn lạc hậu, công suất xử lý chưa đáp ứng được khối lượng chất thải phát sinh ngày càng tăng…
Để tăng cường công tác bảo vệ môi trường, ông Hoàng Văn Thức nhấn mạnh, cần nêu cao tinh thần chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn các tác động xấu lên môi trường, các sự cố môi trường. Chủ động kiểm soát các nguồn thải lớn, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; ngăn chặn các tác động xấu đối với môi trường. Phát triển kinh tế theo hướng sinh thái, tuần hoàn, tăng trưởng xanh, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững. Chủ động phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường, kiểm soát các vấn đề môi trường xuyên biên giới.
Bên cạnh đó, cần tăng cường năng lực, huy động nguồn lực hợp tác quốc tế để tổ chức thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ môi trường. Tập trung xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; quản lý môi trường trong các doanh nghiệp, khu, cụm công nghiệp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể. Đồng thời, huy động đầu tư từ xã hội, tăng dần chi ngân sách, nâng cao tính hiệu quả trong sử dụng nguồn lực về bảo vệ môi trường. Tiếp tục huy động nguồn lực hợp tác quốc tế phục vụ cho bảo vệ môi trường và thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về môi trường. Xúc tiến, thúc đẩy hợp tác, chuyển giao khoa học công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện, khả năng và mục tiêu bảo vệ môi trường của Việt Nam.
Nguồn: Tăng cường hợp tác, huy động nguồn lực quốc tế trong bảo vệ môi trường