Tăng cường liên kết trong phát triển ngành muối bền vững
Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nghề làm muối của Việt Nam là một nghề truyền thống có từ lâu đời. Đây được cho là ngành sản xuất có tầm quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. Với diện tích sản xuất muối năm 2022 là 11.009 ha, năm 2017 diện tích đạt cao nhất 13.158 ha, năm 2018 diện tích đạt 13.074 ha… Diện tích giảm dần trong những năm gần đây do thu nhập từ sản xuất muối thấp, người dân đã dần chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy hải sản, hoặc chuyển sang làm nghề khác nên một số diện tích sản xuất muối bị bỏ hoang.
Đến nay, cả nước có 73 cơ sở chế biến muối tinh, muối trộn i-ốt, muối sạch xuất khẩu... Trong đó, 13 sơ sở chế biến muối (chiếm 19,7%) đã đầu tư ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công suất 15.000-22.000 tấn/năm và 1 cơ sở đã đầu tư 2 dây chuyền thiết bị đồng bộ nhập khẩu của Tây Ban Nha có công suất 200.000 tấn/năm.
Với vị trí địa lý là vùng biển trải dài dọc theo đất nước, Việt Nam được đánh giá là một nước có thể phát triển mạnh nghề muối. Tuy nhiên, do việc sản xuất còn gặp nhiều khó khăn, phương pháp sản xuất chủ yếu thủ công, quy mô phân tán theo hộ diêm dân dẫn đến năng suất, chất lượng muối thấp. Chất lượng và số lượng muối tại các đồng muối công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của ngành công nghiệp hóa chất, do vậy vẫn phải nhập khẩu muối công nghiệp. Chính vì những hạn chế trong sản xuất còn thủ công dẫn đến đời sống của những diêm dân vùng muối có thu nhập thấp và bấp bênh không ổn định.
Để thúc đẩy phát triển ngành muối, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021-2030, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 766/QĐ-BNN-KTHT ngày 24/02/2021 về Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1325/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển ngành muối giai đoạn 2021-2030. Ngoài ra, Bộ đang triển khai xây dựng thí điểm Đề án nâng cao chất lượng và chuỗi giá trị ngành muối Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Đề án được thực hiên trên địa bàn 8 tỉnh là Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bến Tre, Bạc Liêu.
Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ NN&PTNT sẽ là đầu mối để kết nối với các doanh nghiệp với các dự án muối để tiếp cận và phát triển nghề muối, xây dựng chuỗi giá trị nhằm ổn định thu nhập cho người nông dân. Ảnh: HV. |
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, chúng ta có một thế mạnh đó là người dân chăm chỉ, cần cù và nhiều kinh nghiệm trong sản xuất muối có thể tạo ra nhiều sản phẩm muối phơi cát có nhiều khoáng chất tốt cho sức khỏe. Sản phẩm muối của Việt Nam đã chinh phục được thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc,… với số lượng xuất khẩu tăng hàng năm. Sản phẩm muối ở Việt Nam còn nhiều tiềm năng để phát triển và vươn xa hơn, tuy nhiên, chúng ta cần có sự kết nối giữa các Bộ, ngành, doanh nghiệp và người dân để tạo thành một chuỗi giá trị gắn kết. Cần nâng tầm ngành muối thành mặt hàng chủ lực, phải nỗ lực để diện tích muối và sản lượng muối không bị tụt giảm hàng năm như hiện nay.
Nhiều ý kiến cho rằng, người tiêu dùng Việt Nam đang đánh đồng sản phẩm muối mà chưa biết rõ đến chất lượng sản phẩm của từng loại. Đã có rất nhiều doanh nghiệp sản xuất muối đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại để đưa ra sản phẩm muối đa dạng với nhiều giá trị mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Nhưng hiện nay để người tiêu dùng tìm hiểu và chọn lựa những sản phẩm chất lượng vẫn đang là một bài toán khó. Do vậy, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất nhấn mạnh đến vai trò của Bộ NN&PTNT trong việc cùng đồng hành với các doanh nghiệp trong việc phát triển ngành muối và kiểm soát chất lượng sản.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ là đầu mối để kết nối với các doanh nghiệp với các dự án muối để tiếp cận và phát triển nghề muối, xây dựng chuỗi giá trị nhằm ổn định thu nhập cho người nông dân, và tạo điều kiện để đẩy mạnh truyền thông, quảng bá những sản phẩm chất lượng, an toàn tới người tiêu dùng đồng thời bảo vệ vùng ven biển và an ninh nguồn nước. Bộ có những hỗ trợ về chính sách tài chính, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và hoàn thiện các quy định, tiêu chí để đảm bảo chất lượng muối, đồng thời quảng bá thương hiệu, tạo điều kiện cho việc vay vốn, thuê đất lâu dài để doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất.
Ngành muối cần chú trọng công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến muối để nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm muối. |
Ngoài ra, theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN&PTNT) để ngành muối được phát triển hơn cần bắt đầu từ đổi mới công nghệ theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn và giá bán sản phẩm theo chất lượng của công nghệ đó. Phải có những thực tế từ công nghệ và nâng cao giá trị sản phẩm để nghề muối phát triển và không mai một theo thời gian.
Tại Đề án Phát triển ngành muối giai đoạn 2021-2030 nhấn mạnh đến nhiệm vụ tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến muối để nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm muối. Đối với sản xuất muối theo công nghệ phơi cát và phơi nước phân tán (sản xuất muối thủ công): Nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ và thiết bị sản xuất muối kết tinh trên nền vật liệu mới; xây dựng mô hình liên kết sản xuất muối theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, diêm dân; nghiên cứu ứng dụng công nghệ và xây dựng mô hình kết tinh muối ứng dụng hiệu ứng nhà kính nhằm giảm thiểu rủi ro do biến đổi khí hậu.
Nghiên cứu, hỗ trợ xây dựng thí điểm mô hình sản xuất muối kết hợp du lịch, nghỉ dưỡng tại các làng nghề muối để quảng bá và tiêu thụ muối tại đồng muối tại Thụy Hải (tỉnh Thái Bình); đồng muối Bạch Long (tỉnh Nam Định); đồng muối Hộ Độ, Kỳ Hà- Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh); đồng muối Sa Huỳnh (tỉnh Quảng Ngãi); đồng muối Hòn Khói (tỉnh Khánh Hòa); đồng muối Cần Giờ (TP.HCM).
Đối với sản xuất muối theo quy mô công nghệ phơi nước tập trung: Nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất muối theo hướng cơ giới hóa, hiện đại hóa, đồng bộ các khâu từ cung cấp nước biển đến thu hoạch, vận chuyển, làm sạch và đánh đống bảo quản muối; nghiên cứu các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu; ứng dụng công nghệ mới, công nghệ thông tin trong việc đo và xử lý số liệu về nồng độ nước biển, bức xạ nhiệt, gió trong quá trình sản xuất muối. Hỗ trợ nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sản xuất muối trực tiếp từ nước biển cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất muối theo công nghệ mới để tạo ra các sản phẩm muối tinh khiết, đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Trước thách thức trong việc sụt giảm diện tích sản xuất muối, đồng thời nỗ lực đạt được mục tiêu theo Đề án Phát triển ngành muối giai đoạn 2021 – 2030 đề ra, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh việc cần bảo tồn và phát triển nghề muối truyền thống, kết nối doanh nghiệp với diêm dân sản xuất muối để xây dựng và phát triển thương hiệu, không chỉ trong nước mà tiến tới xuất khẩu ra nước ngoài. Trước tiên, cần quan tâm đến thu nhập của diêm dân hiện nay, nghề muối sẽ mai một nếu như giá trị của sản phẩm muối quá thấp, tiếp đến là tổ chức đào tạo, tập huấn, áp dụng các thiết bị máy móc công nghệ đến người sản xuất.
Bên cạnh đó kết nối các doanh nghiệp và diêm dân để tiêu thụ sản phẩm ổn định, không bấp bênh. Đẩy mạnh công tác truyền thông, xây dựng diễn đàn chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong các vùng nguyên liệu. Tiến tới mục tiêu trong tương lại gần Việt Nam sẽ không phải nhập khẩu muối, thậm chí xuất khẩu muối sang các thị trường lớn.
Nguồn:Tăng cường liên kết trong phát triển ngành muối bền vững